Tạo động lực mới để tăng trưởng nhanh và bền vững

Năm 2024, dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tăng trưởng, chuyên gia khuyến nghị phát huy tối đa động lực tăng trưởng hiện tại và khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới.

Tăng đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, định hướng trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục tập trung vào 3 động lực: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Bên cạnh những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, cũng có những thuận lợi, thời cơ, cơ hội từ cả trong và ngoài nước để thúc đẩy động lực tăng trưởng, gồm hiệp định thương mại tự do (FTA), những thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế.

Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng.

Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng.

Bên cạnh đó, thu hút FDI tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Các tổ chức có uy tín, cộng đồng các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đồng thời nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong những lĩnh vực mới nổi như: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ… Trong đó, nổi bật là: Nvidia (Mỹ) cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn; Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD; Adani (Ấn Độ) cam kết sẽ đầu tư 10 tỷ USD tại Việt Nam trong 10 năm tới trong những lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo.

Yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… tiếp tục được cải thiện, đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là việc Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp đầu năm 2024. Nhất là, đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh; đưa vào khai thác nhiều dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng… mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.

Nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, đầu tư công, NSNN, xây dựng, đấu thầu đã và đang được tập trung tháo gỡ, đạt kết quả rõ nét. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh.

“Chúng ta hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 1.900km đường cao tốc, trong đó riêng năm 2023 là 475km đường cao tốc, các tuyến đường ven biển, liên vùng, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024, ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 trên 6% của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Trong đó, xuất khẩu vẫn là động lực chính của kinh tế Việt Nam trong năm tới. Theo ông Jonathan Pincus, thời gian gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến hoạt động sản xuất ở Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn và thiết bị máy tính. Đây là những dấu hiệu rất tích cực. “Khi những khoản đầu tư đó được triển khai, tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên ít nhất 6%”, ông Jonathan Pincus chia sẻ.

Thúc đẩy đầu tư công

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024, bao gồm: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp đà tăng trưởng tích cực; hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực, vừa phát triển nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững tiếp tục phát huy trong năm tới.

Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng.

Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng.

Bà Hương dự báo, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. “Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Thu hút FDI được dự báo tiếp tục là điểm sáng, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, từ đó tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, kích thích tăng trưởng”, bà Nguyễn Thị Hương nói.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công có tác động trực tiếp và lan tỏa tới tăng trưởng kinh tế. Cứ giải ngân một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Năm 2024 là năm tăng tốc để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn vốn đầu tư công không chỉ là một trong những động lực quan trọng, một sự kích thích quan trọng có tác dụng lan tỏa tới các nguồn vốn khác, mà còn là “mệnh lệnh” để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Căn cứ dự toán năm 2024 được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền là 677.349 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023). “Vốn đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực. Trong năm 2024, tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ hiệu quả, kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn. Đặc biệt, cần xóa bỏ tư duy tháo gỡ từng điểm, từng dự án trong đầu tư công, mà cần có giải pháp giải quyết đồng bộ. Việc khơi thông dòng vốn đầu tư công cần được bắt đầu giải quyết từ những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; vướng mắc trong công tác xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; trình tự thủ tục cấp phép kinh doanh cho các DN.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tao-dong-luc-moi-de-tang-truong-nhanh-va-ben-vung-i722917/