Tài chính ngân hàng - ngành học thời thượng

Là một trong những ngành học thuộc lĩnh vực kinh tế - thương mại, ngành tài chính ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong hợp tác giao thương, tiền tệ.

Với xu hướng hội nhập kinh tế sâu rộng và sự đa dạng về cơ hội việc làm, ngành học này ngày càng có sức hút với thí sinh.

Khát nhân lực

Tài chính ngân hàng là ngành nghề liên quan đến các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính của ngân hàng phát hành trong phạm vi nội địa và quốc tế. Ngành này có phạm trù rất rộng, bao gồm các lĩnh vực nhỏ và chuyên biệt như: ngân hàng, tài chính DN, tài chính thuế, tài chính bảo hiểm, phân tích tài chính, kinh tế học tài chính... Ngành tài chính ngân hàng từ lâu được đánh giá là một ngành nghề có tốc độ phát triển nhanh vượt bậc và trở thành ngành học được các thí sinh quan tâm lựa chọn.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực cho biết, dự báo đến năm 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Do đó, các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng.

Sinh viên tình nguyện Học viện Ngân hàng tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: Phạm Hùng

Sinh viên tình nguyện Học viện Ngân hàng tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: Phạm Hùng

Tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 15.000 lao động) trong đó trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.

Trong đề án tuyển sinh của hầu hết các trường đại học, nhất là trường có điểm mạnh về khối ngành kinh tế đều đào tạo ngành tài chính ngân hàng, có thể kể như: Đại học (ĐH) Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính... Hàng năm, có số lượng lớn sinh viên đào tạo ngành tài chính - ngân hàng ra trường nhưng do tốc độ phát triển kinh tế nhanh nên các tổ chức, DN vẫn luôn trong tình trạng "khát" nhân lực ngành này.

Tại báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp 2022 của Học viện tài chính cho thấy, số sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng làm việc đúng lĩnh vực đào tạo khoảng 97%; con số này với Trường ĐH Thương mại là 99,65%; với Học viện Ngân hàng là 95,07%; trong đó đa số nhân sự làm việc ở khu vực tư nhân.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, ngoài chương trình tài chính - ngân hàng tiêu chuẩn, các cơ sở đào tạo còn mở các ngành tài chính ngân hàng tiên tiến và tài chính ngân hàng quốc tế. Đây là các chương trình được xây dựng theo định hướng ứng dụng, hiện đại, chú trọng đào tạo chuyên nghiệp giúp đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của các DN trong và ngoài nước.

Nhiều lựa chọn nghề nghiệp

Tài chính ngân hàng là một ngành học đa dạng, bao hàm nhiều lĩnh vực. Theo học ngành này, ngoài kiến thức nền tảng về kinh tế - xã hội, quản lý, kiến thức chuyên sâu về tài chính, ngân hàng, sinh viên còn được trang bị kỹ năng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn, sử dụng tiếng Anh thành thạo trong giao tiếp và nghề nghiệp để có thể làm việc trong môi trường hiện đại. Nhờ đó, đa số các sinh viên theo học tài chính ngân hàng thuận lợi về việc làm sau khi ra trường.

Hiện có khoảng hơn 10 chuyên ngành tài chính ngân hàng được đào tạo tại Việt Nam như: quản lý tài chính công, tài chính quốc tế, đầu tư tài chính, phân tích tài chính, định giá tài sản, hải quan, ngân hàng, tài chính bảo hiểm, tài chính DN, công nghệ tài chính (Fintech), tài chính đầu tư, tài chính vi mô, kế toán ngân hàng, bảo hiểm hưu trí…

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành tài chính ngân hàng có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau, bao gồm: chuyên viên tín dụng, chuyên viên đầu tư, chuyên viên tài chính DN, chuyên viên kế toán ngân hàng, chuyên viên quản trị rủi ro ngân hàng, chuyên viên kinh doanh bảo hiểm, chuyên viên phân tích tài chính, chuyên viên nghiên cứu thị trường, chuyên viên thuế, chuyên viên ngân hàng thương mại, chuyên viên kiểm toán, giảng viên, nghiên cứu viên,…

Là ngành nghề "hot" nên mức lương của ngành này ở mức khá, tốt và rất tốt tùy theo trình độ, thái độ và kinh nghiệm làm việc. Nhìn chung, mức lương ngành tài chính - ngân hàng sẽ chia thành 3 cấp độ: sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường nhận lương khoảng 6 - 8 triệu đồng/tháng; đã có kinh nghiệm làm việc từ 1 - 2 năm thì mức lương cơ bản khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng và nếu có kinh nghiệm làm việc trong nghề 3 - 5 năm, mức lương có thể từ 20 - 25 triệu đồng/tháng trở lên.

Tài chính ngân hàng là ngành học đòi hỏi sự tiếp xúc thường xuyên với các con số nên người học cần có sự nhạy bén, học tốt các môn tự nhiên để có thể nhanh chóng xử lý công việc. Hàng ngày phải làm việc trực tiếp với tiền bạc nên ngành này yêu cầu độ chính xác cao và để thành công trong nghề, người học cần có sự cẩn trọng, tỉ mỉ. Cùng với đó, người học và làm ngành tài chính ngân hàng cần có kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ và sức khỏe tốt…

Theo các chuyên gia, cũng như nhiều ngành học khác, trước khi quyết định học ngành tài chính ngân hàng, học sinh cần có kế hoạch học tập hợp lý, tinh thần quyết tâm và thường xuyên luyện tập các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Ngành tài chính ngân hàng được ví như xương sống của nền kinh tế và là ngành đứng số 1 về mức lương bình quân/nhân viên. Ngoài lương cơ bản, thu nhập của nhân viên tài chính ngân hàng còn có các khoản khác như: lương kinh doanh (có thể lên đến 100% lương cơ bản), lương tháng 13, thưởng Tết từ 2 - 10 tháng lương (tùy đơn vị)… Trong tốp 10 công ty có môi trường làm việc tốt nhất năm 2022 có 2 ngân hàng. Các ngân hàng tạo điều kiện rất tốt cho nhân viên để phát huy tối đa năng lực. Thêm nữa, việc đào tạo của ngành này cũng bài bản, chuyên nghiệp gồm đào tạo kiến thức, kỹ năng với đa dạng loại hình để nhân viên có thu nhập tốt và gắn bó với công việc lâu năm hơn…
Chuyên gia tài chính Phạm Vũ Minh Khoa

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-chinh-ngan-hang-nganh-hoc-thoi-thuong.html