Sức ép 'xanh hóa' buộc ngành thép Đông Nam Á phải thay đổi để tồn tại và phát triển

Thách thức phải hoàn thành việc chuyển đổi xanh vào 2035 mà COP26 đã đặt ra đang đặt lên vai ngành thép khu vực và Việt Nam quá nhiều sức ép về cả thời gian, đầu tư công nghệ và chính sách...

Ngày 13/5, tại Đà Nẵng, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) và Hiệp hội thép Đông Nam Á (SEAISI) tổ chức khai mạc chuỗi hội nghị và triển lãm thép Đông Nam Á 2024 (SEAISI Conference & Exhibition 2024). Đây là diễn đàn về Thép lớn nhất của khu vực nhằm cung cấp và trao đổi thông tin đa chiều và cập nhật nhất của các tổ chức quốc tế và trong nước về thị trường Thép Thế giới.

TÌM TIẾNG NÓI CHUNG

SEAISI 2024 có sự hiện diện của hơn 500 đại biểu là các doanh nghiệp Thép trong và ngoài nước, các chuyên gia nghiên cứu đến từ các Hiệp hội Thép thế giới, Hiệp hội Thép các quốc gia Đông Nam Á, các Viện - Trường Đại học, chuyên gia - nhà khoa học, các Cơ quan quản lý Nhà nước.

Với chủ đề: “Tồn tại và phát triển trong thế giới trung hòa carbon”, SEAISI Conference & Exhibition 2024 nhằm mục tiêu hỗ trợ, chia sẻ và giới thiệu các kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ về tài chính, nguồn nhân lực và giải pháp quản trị để xây dựng và thực hiện lộ trình trung hòa các-bon của doanh nghiệp ngành thép và giữa các quốc gia trong khu vực.

Đại diện của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) và Hiệp hội thép Đông Nam Á (SEAISI) và UBND TP Đà Nẵng

Đại diện của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) và Hiệp hội thép Đông Nam Á (SEAISI) và UBND TP Đà Nẵng

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Ngành thép ASEAN và Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức to lớn về suy giảm nhu cầu, giá cả biến động khó lường, dư thừa công suất thép; đồng thời phải nỗ lực theo xu hướng toàn cầu về khử carbon.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khẳng định: “Chúng ta vẫn phải kịp thời hành động để Tồn tại và phát triển trong Thế giới trung hòa cacbon. Vì vậy, tại diễn đàn này, chúng ta cùng ngồi lại trao đổi kinh nghiệm, thảo luận, giới thiệu công nghệ và giải pháp mới để cùng tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên Netzero”.

ASEAN là một khu vực rất đa dạng với các quốc gia ở các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau và hầu hết các nước có sản xuất thép trong khu vực cũng đều đã cam kết các mục tiêu về khí hậu với nhiều kịch bản phát triển. Do vậy, sự giúp đỡ nhau, tìm thấy tiếng nói chung, thống nhất trong hành động tiến tới xây dựng được cam kết giữa các nhà sản xuất thép trong khu vực để cùng nhau hoàn thành mục tiêu COP26 đặt ra về trung hòa khí thải là rất cần thiết.

Theo đó, giữa các quốc gia, doanh nghiệp sản xuất thép trong khu vực cần xây dựng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, thu xếp hỗ trợ nguồn tài chính hướng đến tăng trưởng xanh và đạt được thỏa thuận về dư thừa công suất thép, nhôm và cường độ dư thừa carbon toàn cầu… Đây cũng là một trong số nhiều chủ đề quan trọng Hội nghị lần này đặt ra thảo luận, thống nhất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đà Nẵng – Trần Chí Cường bày tỏ mong muốn SEAISI Conference còn là nơi chia sẻ thông tin về quy định chính sách, pháp luật của Việt Nam, khu vực và quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp Thép sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước và quốc tế.

SỨC ÉP LỚN TỪ YÊU CẦU PHẢI TIÊN PHONG CHUYỂN ĐỔI

Sau gần 10 năm (từ 2015), Ngành công nghiệp thép Việt Nam đã vươn lên vị trí hàng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm, và đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2023, với sản lượng đạt 20 triệu tấn. Hiện cả nước có trên 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất gang thép, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho xã hội.

Sản xuất thép thành phẩm năm 2023 đạt khoảng 28 triệu tấn. ảnh:VNECONOMY

Sản xuất thép thành phẩm năm 2023 đạt khoảng 28 triệu tấn. ảnh:VNECONOMY

Cùng với Xi măng và Hóa chất, Thép là một trong 3 ngành phát thải khí nhà kính lớn của thế giới, phải chịu trách nhiệm cho 8% phát thải toàn cầu. Theo tính toán của chuyên gia, ngành Thép chịu trách nhiệm cho 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia và chiếm khoảng 46% quá trình công nghiệp.

Do vậy, ngành thép buộc phải đi đầu trong sự thay đổi này để đáp ứng xu hướng xanh hóa toàn cầu, mặc dù như chúng ta đều biết thách thức giảm phát thải của ngành thép là cực kỳ to lớn.

Thời gian qua, Ngành thép Việt Nam đã từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện... Tuy nhiên, do sản xuất thép vẫn sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch nên lượng phát thải khí CO2 ra môi trường rất lớn.

Trong xu hướng xanh hóa toàn cầu hiện nay, các nỗ lực cam kết đạt được phát thải ròng bằng không (NetZero) của các quốc gia và sự hợp tác quốc tế đang tạo ra sức ép chuyển đổi lớn trong các ngành sản xuất thép. Ngoài việc phải chi trả phí quyền phát thải carbon ngày càng tốn kém, quá trình chuyển đổi này sẽ phát sinh nhu cầu thép xanh. Đây thực sự là bài toán hóc búa không chỉ cho ngành thép Việt Nam mà cho cả ngành thép Thế giới.

LỘT XÁC KHÔNG DỄ DÀNG

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tại thời điểm này, ngành Thép Việt Nam đã có đầy đủ công nghệ hiện có trên thế giới như: công nghệ lò cao, công nghệ lò thổi và công nghệ lò điện, công nghệ hoàn nguyên trực tiếp… Nhưng để luyện “thép xanh” đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất phải sử dụng các công nghệ tiên tiến và nguyên liệu “xanh” để giảm tối đa lượng khí CO2 trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, việc công nhận một sản phẩm “thép xanh” đòi hỏi cả quá trình sản xuất thép trực tiếp và quá trình sản xuất nguyên, nhiên liệu đầu vào (như điện, khí) đều không có phát thải.

Để có một cuộc “lột xác” thành công trong ngành thép không hề dễ dàng. Việc chuyển đổi công nghệ đồng nghĩa với việc tốn một khoản đầu tư rất lớn.

Một báo cáo công bố hồi tháng 5/2023 của Ngân hàng Morgan Stanley đã chỉ ra rằng khoản đầu tư cần thiết để khử carbon trong ngành thép châu Âu (sử dụng giải pháp hydro xanh) có thể vượt quá 1.200 USD/tấn công suất. Với một công ty thép sản xuất trung bình 5 triệu tấn mỗi năm, con số đó tương đương khoảng 6 tỷ USD chi phí vốn. Ước tính việc chuyển sang sản xuất thép bằng hydro tại châu Âu cần khoảng 130 tỷ USD, sản lượng điện của khu vực cần tăng thêm 8% và công suất hydro xanh phải hơn 5 triệu tấn. Với công suất hơn 28 triệu tấn thép/năm, con số chi phí vốn để xanh hóa quả thực là một con số khổng lồ.

Chưa kể, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các công nghệ mới này cũng cần đủ lớn và giá thành phải chăng. Có thể thấy, từ nay tới năm 2035 thời gian không còn nhiều, nhưng khối lượng công việc phải làm quá lớn.

Đại diện cho hơn 300 doanh nghiệp sản suất thép trong nước, ông Đa cho biết để từng bước thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035 của Chính phủ, VSA đề ra một số giải pháp chiến lược như: Thực hiện giảm phát thải GHG hàng ngày; Áp dụng công nghệ quy trình sản xuất, dịch vụ ít phát thải khí nhà kính trong các dự án đầu tư mới và dự án đầu tư chuyển đổi; Sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch; Áp dụng công nghệ thu giữ Carbon, Công nghệ điện phân oxit nóng chảy, sử dụng Hydro thay thế Coke trong sản suất thép từ 2035…

Đồng thời, phải nhanh chóng chuyển đổi bằng cách áp dụng các công nghệ luyện kim mới nhất để giảm phát thải CO2. Đồng thời áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin để chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhà máy thông minh (smart factory) để tối ưu hóa sản xuất và giảm phát thải CO2.

Thị trường thép Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu trong nước sụt giảm, sản xuất thép thành phẩm năm 2023 đạt khoảng 28 triệu tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm năm 2022, tiêu thụ thép biểu kiến cũng giảm khoảng 5%.

Tuy nhiên, ông Nghiêm Xuân Đa cũng kỳ vọng, “Năm 2024, với sự nỗ lực của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước, nhiều yếu tố tích cực sẽ tạo điều kiện cho ngành thép phục hồi như đẩy mạnh đầu tư công, tăng tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng, v.v. Chúng tôi kỳ vọng thị trường thép sẽ có sự phục hồi vừa phải, với tốc độ tăng trưởng sản xuất khoảng 5-7% vào nửa cuối năm”.

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/suc-ep-xanh-hoa-buoc-nganh-thep-dong-nam-a-phai-thay-doi-de-ton-tai-va-phat-trien.htm