Sự khác nhau giữa biểu hiện cảm xúc của người phương Tây và Á Đông

Người phương Tây biểu hiện cảm xúc nhiều ở khu vực miệng trong khi người Á Đông là khu vực mắt.

Nghe - sự yên lặng từ bên trong

Trong Khổng Giáo, Nhan Hồi là đồ đệ yêu thích của Khổng Tử, nói về kế sách “Nhịn Nghĩ” hay “Không Thức” như sau:

Đừng nghe dùng tai, mà nghe dùng tâm trí. Đừng nghe dùng tâm trí, mà nghe dùng tinh thần. Chức năng của tai dừng lại ở việc nghe; chức năng của tâm trí dừng lại ở việc hiểu biểu tượng và ý tưởng. Khi tinh thần trống rỗng để thu nạp mọi thứ, Đạo ở trong sự trống rỗng. Sự trống rỗng này đến từ việc nhịn nghĩ, hay không nhận thức.

Ý này của Nhan Hồi tương đồng ý của William Isaacs trong cuốn Hội thoại và nghệ thuật của việc cùng nhau suy nghĩ: biết cách nghe là biết cách tu luyện sự yên lặng từ bên trong.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Oleksandr P/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Oleksandr P/Pexels.

Chúng ta không chỉ nghe từ ngữ này nối tiếp từ ngữ khác trong ngôn ngữ của người nói, chúng ta còn nghe cả sự đồng tình, không đồng tình và sự buông bỏ những mâu thuẫn bên trong chính chúng ta khi tiếp nhận thông tin từ việc nghe. Có nghĩa là việc nghe không chỉ có:

Nghe người khác
Mà còn nghe bản thân
Và nghe cách bản thân mình phản ứng với những gì mình nghe được.

Trong trường đại học, chúng ta thường có những cuộc tọa đàm, hội thảo... những dịp khác nhau để từng cá nhân đứng lên và nói. Trước khi nói, chúng ta thường có những chuẩn bị nhất định: nói gì, nói bao lâu, nói như thế nào, nói với ai... Thế nên, chúng ta thường “chuẩn bị để phát biểu/nói/trình bày” chứ không “chuẩn bị để ngồi nghe”. Trước khi nghe, chúng ta thường nghĩ, “chỉ nghe thôi mà!”. Mặc dù thực chất, việc nghe là hoạt động đa chiều, nhiều tiếp nhận, nhiều phân tích và nhiều giải quyết.

Nghe hay gật gù đối đáp

Nói về mô hình nghe chủ động, Judi Brownwell (đại học Cornel) có đưa ra mô hình HUIRIER gồm 6 bước: Hearing-Understanding-Remembering-Interpreting- Evaluating-Responding (Nghe-Hiểu-Ghi nhớ-Giải thích-Đánh giá-Đáp lại). Để dễ ghi nhớ, tôi chuyển sang tiếng Việt với cụm từ Nghe Hay Gật Gù Đối Đáp. Đây là mô hình nghe hiệu quả, được bàn đến nhiều trong trường đại học.

Ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể là một phần diễn đạt quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng truyền đạt của người nói. Con người có những phản ứng như nhau đối với cảm xúc như hỉ nộ ái ố.

Tuy nhiên, ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện khuôn mặt lại không hoàn toàn giống nhau giữa các nền văn hóa. Lấy ví dụ về văn hóa Á Đông và Phương Tây, trong nghiên cứu năm 2018 của nhà tâm lý học ứng dụng Rachael Jack, đại học Glasgow (UK), phân biệt sự khác nhau trong phản ứng khuôn mặt với những cảm xúc khi giao tiếp.

Kết quả cho thấy, người phương Tây biểu hiện cảm xúc nhiều ở khu vực miệng trong khi người Á Đông là khu vực mắt. Điều này thể hiện rõ trong những ký tự cảm xúc khi giao tiếp qua văn bản tin nhắn, những ký tự của người Phương Tây chú trọng đến miệng và người Á Đông là mắt.

Người Phương Tây Người Á Đông :-I (0_0)

Trong khi nói, việc lựa chọn cách dùng ngôn ngữ cơ thể là khá quan trọng. Khi đứng nói, cách chúng ta căn vị trí của mình với những vật xung quanh không nên là ngẫu nhiên mà nên có sự cân nhắc và nằm trong kế hoạch khi “diễn”. Ví dụ, trong một bài giảng, giảng viên X:

- Đứng bên phải bục podium
- Tay phải hướng về phía bảng/màn hình
- Mặt hướng về phía người nghe
- Đặt cốc/chai nước trong tầm với
- Di chuyển từ góc trái sang góc phải màn hình
- Căn khoảng cách với hàng ghế đầu tiên
- Căn khoảng cách với hàng ghế cuối cùng
- Chọn vị trí đứng khi nghe và trả lời câu hỏi của người nghe

Cơ thể của người nói luôn hướng về phía khán giả, bất kể người nói đang di chuyển sang góc khác của màn hình, hay tìm thông tin để trả lời câu hỏi của khán giả...

Mỗi người nói đều có một vị trí chủ đạo trên bục nói, giống như phím Home trong điện thoại. Vị trí chủ đạo này là nơi các chuyển động cơ thể bắt đầu và quay trở lại vị trí trước khi lại chuyển động cơ thể.

Ví dụ, người nói bắt đầu ở vị trí chủ đạo: đứng thẳng, các ngón 2 bàn tay xếp thành hình tháp nhà thờ. Khi thay đổi vị trí chủ đạo, hai bàn tay rời nhau, và bắt đầu nhấn mạnh, tay chuyển sang vị trí “băm không khí”. Kết thúc nhấn mạnh, tay người nói trở về vị trí tháp nhà thờ.

Vị trí và sự di chuyển của tay cũng giúp truyền đạt ý của người nói. Ví dụ, hai bàn tay rời nhau khi nói về hai vấn đề, vi mô và vĩ mô. Hai tay thay đổi hướng lên trên hoặc xuống dưới khi bắt đầu một ý mới. Đôi khi, di chuyển cả cánh tay để mô tả bức tranh hay ý tưởng tương đồng với ý người nói muốn truyền tải. Chẳng hạn, khi nói về tên lửa, người nói dùng tay đẩy một tên lửa tưởng tượng, mô tả cách tên lửa phóng lên.

Kiều Hiếu/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-khac-nhau-giua-bieu-hien-cam-xuc-cua-nguoi-phuong-tay-va-a-dong-post1475483.html