Số ca mắc ho gà tăng gần 8 lần

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 127 ca mắc ho gà trong 4 tháng đầu năm.

Trong đó, 60 ca mắc được phát hiện tại Hà Nội, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 19-4 đến ngày 26-4, trên địa bàn thành phố có thêm 15 trường hợp mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước đó.

Các ca mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%), và trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%).

Bệnh ho gà có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em.

Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, lúc này trẻ sẽ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.

Bệnh ho gà có thể dẫn đến những biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong. Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.

Đa phần trường hợp bệnh nặng tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi. Người lớn bị ho gà thường xuất hiện các triệu chứng ho không quá đặc biệt, gây lầm tưởng là ho thông thường, dễ trở thành nguồn lây nhiễm chính cho trẻ nhỏ trong nhà.

Thời gian gần đây, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine.

Theo đó, đối với các bệnh được dự phòng bằng vaccine như sởi, ho gà, bạch hầu... cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.

Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Trong đó, mũi thứ nhất nên tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ hai được tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ ba được tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng, và mũi thứ tư được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.

Thanh Thanh

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-ca-mac-ho-ga-tang-gan-8-lan-bo-y-te-khuyen-cao-gi-post787929.html