Sinh viên làm robot gắp thức ăn cho người bại liệt

Với bộ phận cảm biến nhận diện khuôn miệng, cánh tay robot sẽ xúc và gắp thức ăn chính xác, ổn định, đưa tới cho người dùng, chỉ bằng các khẩu lệnh.

Nhóm sinh viên và sản phẩm cánh tay robot thông minh bón thức ăn cho người bại liệt.

Nhóm sinh viên và sản phẩm cánh tay robot thông minh bón thức ăn cho người bại liệt.

Giảm gánh nặng chăm sóc

Sản phẩm robot gắp thức ăn cho bệnh nhân bại liệt của nhóm Uni-Vers gồm 3 sinh viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội và 2 sinh viên Trường Đại học Ngoại thương thành lập.

Uni-Vers là sự kết hợp của hai cụm từ “unique” và “version”, với mong muốn tạo nên một phiên bản đặc biệt của nhóm sinh viên chung đam mê nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Nguyễn Anh Tú, trưởng nhóm Uni-Vers cho biết, ý tưởng cho dự án này xuất phát từ trải nghiệm của một bạn trong nhóm có người thân bị liệt tay, cần người luôn túc trực chăm sóc. Chế độ ăn đặc biệt và cần chia nhiều bữa nhỏ trong ngày của bệnh nhân chiếm khá nhiều thời gian của người thân, gây cho bệnh nhân cảm giác tự ti, lệ thuộc.

Nhóm suy nghĩ tạo ra một cánh tay robot bón thức ăn cho người bệnh, có thể điều khiển bằng giọng nói và được cài đặt camera nhận diện khuôn miệng. “Sản phẩm được lắp đặt một chiếc micro hướng về phía bệnh nhân.

Để vận hành cánh tay nhân tạo, bệnh nhân chỉ cần nói: “Robot mở”, “Robot tắt”, “Ô số 1/2/3/4”. Với bộ phận cảm biến nhận diện khuôn miệng, cánh tay robot sẽ xúc, gắp thức ăn một cách chính xác, ổn định và đưa tới cho người dùng”, trưởng nhóm Uni-Vers giải thích cách thức hoạt động của cánh tay robot.

Với nghiên cứu này, nhóm Uni-Vers hy vọng có thể giúp người khó khăn trong vận động tay hòa nhập vào cuộc sống xã hội một cách thoải mái và chủ động; giải tỏa cảm giác lệ thuộc và giảm thiểu chi phí thuê người chăm sóc bệnh nhân.

Nhóm của Tú đã làm một cuộc khảo sát trực tuyến trên 100 gia đình có người thân bị khuyết tật. Những người chăm sóc thường là người thân trong nhà, chiếm tới gần 60%.

Theo thời gian, họ đều gặp những thách thức liên quan đến tâm lý, thời gian, sắp xếp công việc. Phần còn lại, khoảng 30%, sẽ thuê người giúp việc, nhưng họ cũng sẽ gặp phải các vấn đề về tài chính hoặc những lý do bên lề như không phù hợp.

Cuộc khảo sát tuy nhỏ nhưng cũng đủ để cho các thành viên trong nhóm thấy rằng cánh tay robot của họ có thể giảm thiểu áp lực dai dẳng của gia đình có người thân bị khuyết tật nếu chúng có được tính năng thích hợp và giá cả phải chăng.

Giá bán khoảng 10 triệu đồng

“Khi giới thiệu ý tưởng về cánh tay robot xúc ăn với một số gia đình, trạm y tế và trung tâm dưỡng lão, nhiều người cảm thấy thích thú và tò mò. Họ mong đợi dùng thử vì chưa thấy sản phẩm nào hỗ trợ “cụ thể” cho người dùng đến vậy”, Nguyễn Mậu Đức Mạnh, một thành viên khác trong nhóm chia sẻ.

Sản phẩm cánh tay robot đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản của người dùng nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Tuy nhiên, nhóm sinh viên hoàn toàn có thể khắc phục được trong những model tiếp theo. Chẳng hạn, hiện nay robot thực hiện theo một câu lệnh, tức là múc một thìa thì phải ra lệnh một lần. Xong một lần robot sẽ nghỉ tầm vài giây.

“Điều này hơi rập khuôn và mất thời gian. Nhưng chúng tôi có thể phát triển thêm các thuật toán về điều khiển và trí tuệ nhân tạo (AI) để robot có thể thực hiện được một chuỗi hành động khiến bữa ăn liền mạch hơn, chẳng hạn như để robot tự động biết được khi nào người ăn đã nhai xong để đút tiếp, hoặc để người dùng không cần nói mà chỉ cần dùng các cử chỉ (gật đầu, nháy mắt…) mà robot có thể hiểu ý”, Mạnh nhận xét.

Bên cạnh thế mạnh về kỹ thuật của các chàng trai Bách khoa Hà Nội, hai nữ sinh Ngoại thương phát huy hết kỹ năng, kiến thức về xã hội, kinh tế, hướng đến thương mại hóa sản phẩm. Nhóm sinh viên dự trù kinh phí cho một sản phẩm bán lẻ khoảng 10 triệu đồng, phù hợp với các gia đình trung bình khá.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, trên thị trường có một số sản phẩm tương tự nhưng còn nhiều hạn chế như: Cần thao tác trên những nút bấm thủ công, không phù hợp với người bại liệt tay.

GS Vũ Toàn Thắng, Trưởng khoa Cơ điện tử, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá sản phẩm này có tính khả dụng cao, nếu phát triển tốt và được các cơ quan chức năng y tế đưa vào thử nghiệm lâm sàng, có thể mở rộng mô hình sử dụng trong viện dưỡng lão, các khoa phục hồi chức năng hay những gia đình có người già gặp khó khăn trong vận động.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-lam-robot-gap-thuc-an-cho-nguoi-bai-liet-post683441.html