Siêu sân bay 19 tỷ USD của Nhật có nguy cơ biến mất

Sân bay quốc tế Kansai của Nhật Bản được mệnh danh là sân bay độc đáo nhất thế giới, nằm trải dài trên hai hòn đảo nhân tạo ở Vịnh Osaka. Tuy nhiên, sân bay này đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Ý tưởng táo bạo

Ý tưởng xây dựng sân bay quốc tế Kansai trên một hòn đảo nhân tạo dài 4.000m và rộng hơn 1.200m được khởi xướng từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Chính quyền địa phương nhận thấy cần xây dựng một sân bay mới vì sân bay hiện có là Itami Airport đã cũ, thường xuyên quá tải.

Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng sân bay Itami đã bị hủy bỏ vì nó tọa lạc giữa khu vực đông dân của Itami and Toyonaka nên không thể giải tỏa mở rộng. Sau một thời gian dài đắn đo, thay vì xây sân bay trên núi, chính quyền địa phương đã chọn làm một điều ít người nghĩ tới, đó là xây sân bay trên biển và chính thức khởi công vào năm 1987.

Sân bay Kansai nằm giữa biển.

Để xây dựng cảng hàng không quốc tế quy mô lớn, các kỹ sư đã phải giải một bài toán cực khó, đó là làm thế nào để hòn đảo nhân tạo có thể nâng đỡ cả hạ tầng sân bay.

Nhật Bản phải xử lý tốt nền đất, biến vùng đất nhân tạo trên biển ban đầu như một miếng bọt biển ướt thành một nền đất khô và đặc. Sau đó, nhóm kỹ sư mới có thể xây các tòa nhà sân bay với sức nặng khổng lồ lên trên.

Các đội xây dựng đã rải cát dày 1,5m lên trên phần đáy biển đất sét bồi tích và lắp đặt 2,2 triệu ống thẳng đứng, mỗi ống có đường kính gần 40cm. Những đường ống này được đóng xuống nền đất sét rồi đổ đầy cát. Các kỹ sư cũng phải củng cố thêm đất để tăng độ ổn định của phần nền.

Để ngăn nước biển tràn vào, họ đã mất 3 năm xây một bức tường bê tông cao 30m, dài 11km, sử dụng 180 triệu m3 đất lấy từ ba ngọn núi để làm thành tường, bao quanh khoảng đất xây sân bay như thành của bể bơi.

Hình chữ nhật khổng lồ nổi giữa vịnh Osaka

Một điểm đáng chú ý khác ở Cảng hàng hàng không Kansai là thiết kế sân bay do kiến trúc sư Italy Renzo Piano thực hiện. Nhà ga sân bay dài 1,6km sử dụng vật liệu chính là thép và kính cường lực. Để giảm thiểu tác động tới môi trường và tiết kiệm chi phí sưởi hay làm mát, một hệ thống điều hòa không khí thụ động được thiết kế riêng cho nhà ga. Hệ thống điều khí đi qua nhà ga rộng 300.000m2, duy trì nhiệt độ khoảng 20 - 26 độ C.

Sân bay Kansai cách trung tâm thành phố Osaka khoảng 50km, được kết nối bằng một cây cầu vượt biển.

Cuối cùng, với 1 triệu công nhân lao động trong tổng cộng 10 triệu giờ, dùng 200 triệu tấn nguyên, vật liệu, sân bay Kansai mở cửa sau 6 năm xây dựng, nổi lên như một hình chữ nhật khổng lồ nổi giữa vịnh Osaka.

Tổng chi phí xây dựng sân bay độc đáo này lên đến 19 tỷ USD tính ở thời điểm đó.

Đại diện sân bay Kansai cho biết, khi cảng hàng không này được xây dựng, các kỹ sư đã tính toán lượng đất để bồi đắp dựa trên mức nền đất cần thiết cũng như dự tính nguy cơ lún sau 50 năm xây dựng. Trong 50 năm đó, dự báo sân bay sẽ lún nhẹ và cuối cùng sẽ ổn định.

Kiến trúc kỳ vĩ nhất thế kỷ XX

Kể từ năm 1994, Kansai là một trong những cảng hàng không bận rộn nhất của Nhật Bản, phục vụ hơn 300.000 lượt khách/ tuần, đón 55.000 máy bay/ năm. Nơi đây cũng được mệnh danh là một trong những kiến trúc kỳ vĩ nhất thế kỷ XX, được so sánh với những siêu công trình như đập Hoover (Mỹ) hay kênh đào Panama.

Toàn cảnh nhà ga số 1, Cảng hàng không Kansai. Ảnh: Osakaairport.

Cảng hàng không quốc tế Kansai là hạ tầng giao thông quan trọng phục vụ người dân Osaka – thành phố lớn thứ 2 tại Nhật Bản, đồng thời là trung tâm của các hãng hàng không lớn tại Nhật Bản All Nippon Airways, Japan Airlines và Nippon Cargo Airlines.

Năm 2016, nơi đây đón hơn 26 triệu lượt khách, trở thành một trong 30 sân bay bận rộn nhất châu Á.

Với sự độc đáo này, sân bay còn thu hút đông đảo khách du lịch. Hiện hành khách đến sân bay Kansai có thể thuê xe buýt cho các tour tham quan, giá 12.300 - 15.400 yên (hơn 2,6 - 3,3 triệu đồng) một xe cho một đoàn, vé từ 500 yen (gần 110.000 đồng) mỗi người.

Với lịch trình kéo dài 60 phút, du khách được quan sát quá trình chuẩn bị đồ ăn và nhiều khâu vận hành khác của sân bay. Bên cạnh đó là tour khám phá chi tiết quá trình chuẩn bị đồ ăn trên máy bay kéo dài 150 phút, gồm thời gian ăn trưa. Tour bắt đầu từ 11h và 11h30 các ngày thứ 4. Ngoài ra, du khách có thể chọn chương trình tham quan bảo tàng sân bay kéo dài 30 - 60 phút.

Nguy cơ bị chìm và biến mất

Điều đáng nói là công trình kỳ vĩ này đang lún dần với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Chỉ sau 6 năm, một phần của hai hòn đảo nơi xây dựng sân bay đã lún xuống ngưỡng chỉ còn cách 5m so với mực nước biển.

Mỗi năm độ lún lại sâu hơn đến mức đáng báo động và tách ra xa thành phố. Các chuyên gia bày tỏ lo ngại một ngày nào đó nó có thể chìm hoàn toàn.

Tính đến nay, sân bay đã chìm hơn 11m. Một số kỹ sư dự đoán nhiều khu vực trên hai hòn đảo nhân tạo này có thể chìm thêm 4m nữa, ngang với mực nước biển vào năm 2056. Phần giữa sân bay đang bị chìm với tốc độ nhanh hơn so với các khu vực khác.

Để cứu sân bay trước nguy cơ chìm nghỉm dưới biển, các kỹ sư xây dựng đã nghĩ ra giải pháp khoét bên dưới nhà ga hành khách, đặt các tấm kích thủy lực bên dưới và nâng cột lên theo từng giai đoạn.

Giới chức Nhật Bản cũng chi số tiền khổng lồ trị giá 146 triệu USD để nâng cao tường chắn sóng, dù một số người cho rằng đó chỉ là một nỗ lực vô ích và nguy cơ chìm là không thể tránh khỏi.

Dù đang lún dần, nhưng Cảng hàng không Kansai từng gây bất ngờ khi đứng vững trước nhiều thiên tai kinh hoàng. Xây dựng trên nền đất nhân tạo nhưng cảng hàng không này đã đứng vững trước trận động đất Kobe năm 1995 có tâm chấn cách đó 20km hay như trận bão Jebi đổ bộ năm 2018 tàn phá khắp Nhật Bản khiến sân bay phải tạm thời đóng cửa. Hàng nghìn hành khách kinh hãi khi bị mắc kẹt, giữa lúc cơn bão tràn vào tòa nhà và làm rung chuyển cơ sở hạ tầng. Song nơi đây đã hồi phục nhanh chóng.

Kinh nghiệm rút ra từ quá trình xây dựng công trình này được Nhật Bản áp dụng xây thêm 3 sân bay trên đảo nhân tạo khác: sân bay New Kitakyushu, sân bay Kobe và sân bay quốc tế Chubu Centrair.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sieu-san-bay-19-ty-usd-cua-nhat-co-nguy-co-bien-mat-192240510193735847.htm