Sầu riêng... buồn chung

Bẻ kèo, hay còn gọi là 'xù hợp đồng' trở thành vấn đề thường kỳ mỗi khi thị trường có biến động về giá cả, nhất là với ngành nông sản. Chuyện bẻ kèo diễn ra mới đây đối với trái sầu riêng khi vào chính vụ trở nên 'nóng' như cái nắng hạn của miền Tây Nam Bộ, khiến người nông dân lâm vào cảnh khốn đốn, còn chính quyền cũng đau đầu.

Nguồn cơn dẫn đến chuyện bẻ kèo là do khi sầu riêng còn non, thương lái đến ngắm vườn thỏa thuận miệng, chốt giá, đặt cọc, nhưng khi đến ngày thu hoạch lại hạ giá dần. Nếu nhà vườn không đồng ý, thương lái sẽ bỏ hoặc chỉ thu mua vài trăm ki-lô-gam theo số tiền đã đặt cọc. Nhà vườn lại phải tất bật tìm mối tiêu thụ khác với giá hiện tại hoặc thấp hơn với lý do không còn sầu riêng ngon.

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Sự móc nối giữa các thương lái và chiêu trò này không mới. Nó không chỉ xảy ra với sầu riêng mà còn với lúa, gạo và nhiều nông sản khác. Bẻ kèo được ví như căn bệnh trầm kha. Điều đáng nói, thuốc đặc trị là hợp đồng giấy trắng mực đen có pháp lý rõ ràng đã được ngành chức năng “kê đơn” từ lâu nhưng nông dân vẫn không chịu áp dụng. Nguyên nhân được cho là do trong mỗi vụ bẻ kèo, nông dân cũng không hẳn là người bị hại. Ví như vụ sầu riêng năm trước, khi giá tăng, nhiều chủ vườn đã bẻ kèo với doanh nghiệp, bán cho thương lái để hưởng lợi tốt hơn.

Giá lên, nông dân bẻ kèo với doanh nghiệp, thương lái. Giá xuống, đến lượt doanh nghiệp, thương lái bẻ kèo với nông dân. Chưa vội phân xử ai đúng, ai sai; chưa biết ai lợi, ai thiệt trong những thương vụ ấy, nhưng nội bộ "đánh nhau" thì trước tiên chúng ta đã tự thua trên sân nhà. Cái mất rất lớn thì ai cũng thấy, đó là mất chữ tín trong kinh doanh, mất sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành phần tham gia chuỗi cung ứng. Nguy hại hơn là gây mất uy tín cho cả một ngành hàng nông sản chủ lực, thậm chí uy tín quốc gia trước khách hàng quốc tế. Vụ việc nhiều nhà cung ứng cà phê Việt Nam chậm trễ, thậm chí không giao cà phê theo hợp đồng đã ký với các nhà xuất khẩu khiến nhiều khách hàng nước ngoài gửi lời phàn nàn tới Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam mới đây là một bài học lớn.

Để những vụ bẻ kèo không bẻ gãy chuỗi liên kết thì hợp đồng đặt cọc, mua bán phải chỉ định pháp lý ràng buộc chứ không chỉ khuyến khích như hiện tại. Nông dân cần phải bỏ tư duy mùa vụ, doanh nghiệp cần chấm dứt tư duy thương vụ. Doanh nghiệp cần đồng lòng, cương quyết chỉ mua sản phẩm ở những vùng mình có liên kết, có định vị mã vùng trồng; chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kiên quyết xử lý việc bẻ kèo. Trước mắt, ai bẻ kèo thì không được tiếp cận các chính sách như Nghị định 98 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sản phẩm bẻ kèo doanh nghiệp không thu mua. Với doanh nghiệp, nếu mua sản phẩm bẻ kèo thì phải xử lý xem như hàng hóa không chính gốc, hợp pháp. Có như thế, bẻ kèo mới không còn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/sau-rieng-buon-chung-777210