Sau lần hủy đấu thầu vàng miếng lần thứ 3, kiến nghị bắt buộc mua bán vàng không dùng tiền mặt

Phiên đấu thầu sáng 3/5 lại bị hủy do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dù giá sàn đưa ra 83,92 triệu đồng một lượng, cao hơn giá doanh nghiệp mua từ dân 900.000 đồng. Sau lần hủy đấu thầu vàng miếng lần thứ 3, Tổng cục Thuế kiến nghị bắt buộc mua bán vàng không dùng tiền mặt…

Sau lần hủy đấu thầu vàng miếng lần thứ 3, đề xuất bắt buộc mua bán vàng không dùng tiền mặt. Ảnh: Khánh Huy

Lần thứ 3 hủy đấu thầu vàng miếng

Theo đó, ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước lần thứ tư tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Cơ quan này công bố mức sàn để các đơn vị trả giá là 83,92 triệu đồng, cao hơn giá SJC mua vào từ người dân 900.000 đồng mỗi lượng và rẻ hơn giá doanh nghiệp này bán ra gần 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu tham dự, do đó phiên đấu thầu ngày 3/5 tiếp tục bị hủy.

Như vậy, trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4 cũng chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho hai đơn vị.

Doanh nghiệp mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước không chỉ để bán ra thị trường dân cư mà còn phục vụ nhu cầu trên kênh bán buôn với số lượng lớn. Trên kênh bán buôn, biên lợi nhuận cũng thường thấp hơn so với giao dịch bán lẻ với người dân.

Do đó, theo chuyên gia, về mặt lý thuyết, mức giá sàn Ngân hàng Nhà nước chào cho doanh nghiệp chỉ cần xấp xỉ với mức giá doanh nghiệp mua vào trên thị trường dân cư, cũng đủ để doanh nghiệp có lợi nhuận.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định nhu cầu vàng miếng trên thị trường hiện có dấu hiệu chững lại. Thị trường vàng miếng đang lặng "sóng", đồng thời một bộ phận người dân đã chuyển qua giao dịch vàng nhẫn trơn.

Hiện, số lượng tối thiểu doanh nghiệp đặt cọc dự thầu trong mỗi phiên là 1.400 lượng. Việc bỏ ra lượng vốn hơn trăm tỷ đồng để "ôm" lượng vàng lớn trong khi không đảm bảo được đầu ra khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.

Kiến nghị bắt buộc mua bán vàng không dùng tiền mặt

Nhằm tăng cường quản lý vàng, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.

Theo đó, vai trò của ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền, vai trò của UBND các tỉnh, thành phố, quận huyện… trong việc chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát là vô cùng quan trọng.

Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử.

Từ ngày 15/12/2022, ngành thuế chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ.

Tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội quy định, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua. Đối với việc kinh doanh vàng miếng, chỉ doanh nghiệp đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh… được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép kinh doanh.

Doanh nghiệp sẽ được mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo Tổng Cục Thuế, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua bán vàng.

Ngày 12/4, Văn phòng Chính phủ cho biết vừa ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch…

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/sau-lan-huy-dau-thau-vang-mieng-lan-thu-3-kien-nghi-bat-buoc-mua-ban-vang-khong-dung-tien-mat-379444.html