Rút ngắn thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài

Từ ngày 2-11-2024, người đề nghị công nhận văn bằng do nước ngoài cấp có thể tải hồ sơ và các minh chứng lên cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng. Quyết định này của Bộ GD-ĐT giúp các cá nhân và cơ sở đào tạo thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM trao bằng thạc sĩ cho các học viên cao học. Ảnh: THANH HÙNG

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM trao bằng thạc sĩ cho các học viên cao học. Ảnh: THANH HÙNG

Thực hiện hoàn toàn bằng trực tuyến

Ngày 2-5, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 07) sửa đổi, bổ sung điều 7 và thay thế phụ lục II, III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 13) quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam. Theo Thông tư số 13, người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng tại cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT (cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng). Tuy nhiên, tại Điều 7 của Thông tư 13 yêu cầu người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp minh chứng (bản sao văn bằng kèm bản sao công chứng dịch sang tiếng Việt, bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt, minh chứng thời gian học tập...) bằng cách gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng có trách nhiệm trả kết quả công nhận văn bằng cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không vượt quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng.

Thông tư 07 sửa Điều 7 và quy định trình tự thực hiện công nhận văn bằng theo hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, về phần minh chứng, người có yêu cầu công nhận văn bằng chỉ cần bản quét (scan) các thành phần hồ sơ quy định rồi tải hồ sơ lên cổng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, thông tư mới cũng hướng dẫn cụ thể từng trường hợp để người có nhu cầu công nhận văn bằng lựa chọn các cách thức làm hồ sơ.

Cùng với đó, phần phụ lục mẫu giấy công nhận của Thông tư 07 cũng đơn giản hóa và rõ ràng về nội dung công nhận văn bằng, như: thông tin người đề nghị công nhận văn bằng, chứng chỉ; thông tin văn bằng, chứng chỉ được công nhận...

Đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật

Theo GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, điểm mới nhất của Thông tư 07 là sửa một số điểm tại Điều 7 và thay thế các phụ lục II, III của Thông tư 13 quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam. Khi Thông tư 07 có hiệu lực sẽ tạo ra sự thay đổi lớn, đem lại sự thuận lợi và nhanh chóng cho người có nhu cầu được công nhận văn bằng do nước ngoài cấp.

Cũng theo GS-TS Huỳnh Văn Chương, hiện nay Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Giám đốc sở GD-ĐT công nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Để có thời gian cho các địa phương (sở GD-ĐT) chuẩn bị các điều kiện cần thiết (phần mềm, máy chủ, trang thiết bị...), Thông tư 07 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-11-2024.

Từ ngày 1-7, thủ tục công nhận văn bằng chỉ sử dụng một tài khoản VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Người có nhu cầu công nhận văn bằng và cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng sẽ thực hiện thủ tục này theo hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Người đề nghị công nhận văn bằng có thể tải hồ sơ lên cổng dịch vụ công trực tuyến; theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, tình trạng hồ sơ quá hạn; thanh toán lệ phí trực tuyến; đánh giá dịch vụ và góp ý sau khi sử dụng dịch vụ...

Về phía cơ sở đào tạo, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng, việc điều chỉnh và thay đổi về quy trình, thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài do cơ sở nước ngoài cấp là nỗ lực từ Bộ GD-ĐT trong việc chuyển đổi số trong công tác quản lý. Việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới và tạo thuận lợi cho các bên liên quan (người có nhu cầu được công nhận văn bằng, đơn vị tuyển dụng, đơn vị đào tạo...). Về hạ tầng kỹ thuật, với yêu cầu của Thông tư 07 thì các đơn vị có liên quan sẽ có thời gian để đầu tư và thử nghiệm nên sẽ không quá phức tạp.

Theo đại diện Ban Thanh tra pháp chế, Đại học Quốc gia TPHCM, hiện nay các cơ sở đào tạo có nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ sau đại học khá nhiều, trong đó không ít người tuyển dụng có văn bằng do nước ngoài cấp. Trước đây, thủ tục công nhận mất khá nhiều thời gian vì người được tuyển dụng phải làm thủ tục công nhận và tất cả minh chứng phải gửi trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện; mất khá nhiều thời gian để chờ công nhận. Do đó, với việc thay đổi và các thủ tục được thực hiện hoàn toàn bằng dịch vụ công trực tuyến thì sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cả người yêu cầu được công nhận và cả các trường khi tuyển dụng nhân sự.

Theo thống kê từ Trung tâm Công nhận văn bằng thuộc Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, từ tháng 1-2017 đến hết tháng 11-2023, đơn vị này đã nhận được 37.436 hồ sơ yêu cầu công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp. Trong đó, có 35.662 hồ sơ được công nhận (95,26%), chưa công nhận 1.774 hồ sơ (4,74%). Các nước và khu vực có nhiều hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng nhất là Anh, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan. Đối với hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng đã nộp trước ngày Thông tư 07 có hiệu lực thi hành thì được áp dụng theo Thông tư 13.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/rut-ngan-thu-tuc-cong-nhan-van-bang-nuoc-ngoai-post739558.html