Rừng bên làng, cây cối trong làng

Việc quần thể chín cây giáng Hương Ấn (còn gọi là sưa vàng) ở làng Hương Trà, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam được công nhận là Cây di sản Việt Nam hồi tháng 4 vừa rồi không chỉ khiến người xứ Quảng tự hào mà còn ghi nhận vai trò quan trọng của cây xanh trong lòng xã hội hiện đại. Cũng qua bao dâu bể của rừng, của cây xanh, sưa vẫn xanh nhờ người dân đã trồng thật nhiều, trồng bù vào mảng sưa bị mất.

Hà nội những ngày tháng 3 rất nhiều bạn trẻ tụ tập dưới những gốc cây sưa để ngắm hoa, chụp ảnh

Hà nội những ngày tháng 3 rất nhiều bạn trẻ tụ tập dưới những gốc cây sưa để ngắm hoa, chụp ảnh

Niềm phấn khích lớn lao với nhiều người yêu quý loài sưa dân dã này không chỉ là chúng được Nhà nước vinh danh mà còn đã được nhân trồng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đã “xâm thực” được đến nhiều nơi trong nước. Rõ là thiên nhiên đã sản sinh ra loại cây gỗ quý này, nhưng cũng rõ là những cư dân Quảng ở vùng đất thuộc các phủ, huyện Tam Kỳ, Tiên Phước từ vài trăm năm trước là những người đã nhân trồng cây sưa nhiều nhất so với các nơi khác ở Quảng Nam xưa.

Những vùng đất này rất giàu rừng bên làng; cây cối trong làng – cả cây trồng và cây tự mọc – rất rậm rạp, vậy mà cư dân xưa ở đây vẫn cứ trồng sưa. Điều chắc chắn là họ đã nhắm tới lợi ích có được từ cây sưa. Chúng nhanh lớn – chỉ chặt một cành (nhánh) sưa to bằng bắp chân trồng xuống đất vào khoảng giữa mùa thu là đến đầu mùa xuân sau đó cành sưa ấy sẽ đâm chồi và chừng 3-4 năm sau chồi cây sẽ phình to bằng thân mẹ.

Sưa có rất nhiều cành lá (hơn các loại cây khác), là nguồn củi đốt, còn lá để bỏ chuồng cho gia súc giẫm làm phân bón, một số để che ủ khi trồng các loại khoai sọ, khoai từ, khoai hương rất hợp nhờ giàu chất diệp lục. Thêm nữa, họ biết rễ sưa không hút kiệt độ ẩm và chất phì của đất gây hại cho những cây cối kề bên như hầu hết các loại cây khác. Đáng nói, đây là điều khoa học đã chứng minh khi xếp cây sưa vào họ đậu – Fabaceae, như các loại đậu xanh, đậu phộng, đậu nành… là họ cây tạo độ phì cho đất.

Thêm tính thực dụng đáng quý từ những người trồng sưa xưa: cây sưa có độ tuổi từ 30 năm trở lên cho lõi gỗ bền chắc, mối mọt không thể ăn hại, lại có màu sẫm, qua sử dụng lâu sẽ ngả sang màu sẫm đen, bóng và đẹp. Chưa hết, gỗ lõi lại có mùi thơm, nên cây sưa còn được gọi là cây hương vườn, hương đồng nội (khác với cây hương núi – cũng là loại gỗ quý).

Sẽ có lỗi nếu không nói đến sở cầu về cái đẹp của các vị tiền bối đã gây dựng nên một sản nghiệp sưa từ nguồn vốn thiên nhiên để truyền lại đến ngày nay. Hoa sưa đẹp bởi sắc màu: mỗi cây sưa trổ bông trông như một tấm lụa vàng lớn dày ken những cánh hoa nhỏ choàng lên màu lá nõn xanh. Còn phải nói như ngợi ca cái hương thơm quyến rũ và lan xa của hoa sưa, cũng là nét đặc trưng rất quý của hoa mà từ đó người xưa đã đặt tên cho cây sưa là cây cửu lý hương – cây có hoa thơm (hương) lan đến chín dặm đường. Cây sưa là loại cây song hương: hương của gỗ và hương của hoa!

Nhưng cái lợi mà người ở những vùng sưa xứ Quảng có được hôm nay lớn gấp bội phần so với ông cha họ thời trước. Nó như là món hồi môn của vùng đất nắng lửa mưa dầu, là món thừa tự bội sinh lợi lộc khi được nhân trồng rộng rãi. Với kỹ thuật đào bứng tân tiến, mở đầu từ việc đưa cây sưa vào loại cây trồng đô thị theo quy hoạch của thành phố Tam Kỳ với hàng vạn cây từ mươi lăm năm trước, đến nay đã có hàng triệu cây sưa từ các vùng sưa ở Quảng Nam bán ra để chuyển đến trồng ở các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp… ở trong và ngoài tỉnh.

Với lượng sưa xuất vườn, cây lớn nhất – loại sưa kiểng cổ thụ, có giá đến 100-300 triệu đồng/cây; còn cây nhỏ nhất – loại cây xanh sinh cảnh (nhân trồng từ nhánh chừng 4-5 năm) có giá khoảng 200.000-300.000 đồng/cây, đây là một nguồn lợi rất lớn có được từ cây sưa. Và điều đáng nói, là mỗi cây sưa lớn được đào bứng bán đi, sẽ có đến hai, ba chục cây sưa được trồng lại từ cành (nhánh) của chính cây sưa đó. Đã hình thành nên một nghề, một dịch vụ mới là nhân trồng, thu mua, đào bứng và ươm dự trữ thành vựa sưa ở khắp các vùng sưa xứ Quảng để bán ra cho khách hàng từ lâu nay, và vẫn còn được tiếp tục. Cây sưa trở nên là loại cây vừa tốt cho sinh môi vừa cho giá trị kinh tế lâu bền. Giữa bao dâu bể của rừng, của cây hôm nay, sưa vẫn xanh màu từ làng quê cho đến phố phường. Thật đáng mừng!

Huỳnh Văn Mỹ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/rung-ben-lang-cay-coi-trong-lang/