Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp mới, qua đó hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đang hoạt động và thu hút các doanh nghiệp mới, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Theo kết quả báo cáo kinh tế - xã hội (KT-XH) quý I/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 510 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, đạt 18% so kế hoạch năm 2024 đề ra là thành lập mới 2.000 doanh nghiệp.

Số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 124,3% so với cùng kỳ. Số vốn đăng ký bình quân của mỗi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là gần 15 tỷ đồng. Cùng với đó, có gần 280 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 9,9% so với thời điểm này của năm 2023.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 17.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh (trong đó có 11.617 doanh nghiệp và chi nhánh đang hoạt động, có kê khai thuế), với vốn đăng ký đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có gần 900 doanh nghiệp tạm ngừng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023; 61 doanh nghiệp giải thể, tăng gần 42% so cùng kỳ.

Cán bộ Trung tâm hành chính công TP. Hạ Long hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ Trung tâm hành chính công TP. Hạ Long hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Với mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh xác định việc đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất.

Quảng Ninh luôn xác định lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, con người.

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đang ưu tiên trước hết vào việc tập trung rà soát, đơn giản hóa, thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo quy trình giải quyết “5 bước trên môi trường điện tử” để phục vụ tốt hơn nữa người dân, doanh nghiệp; triển khai mô hình 53 dịch vụ công thiết yếu, mô hình TTHC không giấy tờ, giải quyết TTHC phi địa giới hành chính.

Chuẩn hóa, xây dựng mẫu đơn tờ khai điện tử (e-form) theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa…

Khai thác hiệu quả hệ thống đánh giá bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần chủ động, quyết liệt. Trong đó, ưu tiên tập trung vào các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức về nguồn vốn, nhân lực và mở rộng thị trường.

Hiện nay, qua các kênh xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã và đang hỗ trợ đưa thông tin sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài (tập trung vào Thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, các nước ASEAN) để tìm kiếm cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác nhập khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật, bột mì - những sản phẩm sản xuất chủ lực của tỉnh phát triển thêm thị trường xuất khẩu tiềm năng như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Công dân lấy số thứ tự trên kiot điện tử tại Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long. Ảnh tư liệu

Công dân lấy số thứ tự trên kiot điện tử tại Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long. Ảnh tư liệu

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp về nguồn lao động, hiện các sở, ngành, đơn vị đang tập trung vào công tác tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp thông qua công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi - những vùng còn nhiều tiềm năng về nguồn lao động phổ thông phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đồng thời tổ chức các hội nghị giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và thị trường lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ có kết nối trực tuyến trong và ngoài tỉnh...

cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, công khai, tạo sự minh bạch, điều kiện tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về “mặt bằng sạch”, quỹ đất sạch với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp… để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với tỉnh Quảng Ninh.

Trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp mới, để toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp. Đúc rút những bài học kinh nghiệm từ quá trình hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành và liên tục đổi mới trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.

Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-hien-thuc-hoa-muc-tieu-phat-trien-doanh-nghiep-150944.html