Phía sau những con số tăng trưởng

Mùa cao điểm Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) và công bố báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy một bức tranh kinh tế với rất nhiều khó khăn mà các DN đang phải đối mặt và chèo chống.

Dù lãi khủng hay lỗ nặng, đằng sau những con số khô khan là nỗ lực không mệt mỏi của hàng triệu DN để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Dồn lực cho phát triển các loại thép chất lượng cao là chiến lược mà Tập đoàn Hòa Phát đã lựa chọn để ứng phó với những khó khăn trong năm 2023. Ảnh: Nha Trang

Dồn lực cho phát triển các loại thép chất lượng cao là chiến lược mà Tập đoàn Hòa Phát đã lựa chọn để ứng phó với những khó khăn trong năm 2023. Ảnh: Nha Trang

Bức tranh màu xám

Tháng Tư, các DN đang bước vào mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý I/2023. Như dự báo, lợi nhuận của nhiều DN chứng kiến sự sụt giảm mạnh, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ. Đây là hệ quả tất yếu của những khó khăn mà các nhóm ngành đã phải đối mặt kể từ quý IV/2022 đến nay và Thép là một trong những ngành ảm đạm nhất thời gian qua.

Tại ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 3/2023, Tập đoàn Hòa Phát thông tin, năm 2022, Hòa Phát đạt 142.770 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, chỉ bằng 24% của năm 2021. Đây là năm đầu tiên sau 10 năm, Hòa Phát không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế đặt ra.

“Năm 2022 ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trải qua chu kỳ khó khăn. Tôi đã dự đoán tại ĐHCĐ năm ngoái và thành thật là nó còn xấu hơn dự đoán của mình” - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ.

Tương tự, một vài DN thép đã công bố báo cáo tài chính cũng cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của ngành này. Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) báo lỗ hơn 680 tỷ đồng trong quý I, lao dốc mạnh so với mức lợi nhuận 638 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Một DN thép khác cũng báo lỗ là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (UpCom: TIS) với mức lỗ 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 42 tỷ đồng, với doanh thu thuần cũng giảm 35% so với cùng kỳ xuống mức 2.445 tỷ đồng.

Tươi sáng hơn trong bức tranh tài chính DN 2022 và quý I/2023 là khối ngân hàng. Tuy nhiên, những chỉ số tài chính vẫn cho thấy sự sụt giảm so cùng kỳ năm trước vì hoạt động ngân hàng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, quý I, ngân hàng mẹ VPBank có lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động là 11,5%. Công ty thành viên FE Credit vẫn còn khó khăn, không có lãi quý I và không hoàn thành kế hoạch. Như vậy, lợi nhuân quý I năm nay của VPBank thấp hơn nhiều so với mức hơn 10.500 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục Thống kê ghi nhận, lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số gia nhập và tái gia nhập thị trường… “Những khó khăn mà DN đang phải đối mặt đã được thể hiện rõ qua những số liệu về tình hình đăng ký DN quý I/2023. Số DN rút lui khỏi thị trường (60.241 DN) cao hơn số gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 DN)”- Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga thông tin.

Tìm lối đi riêng

Theo Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner, hệ thống ngân hàng nói chung và Techcombank nói riêng đang phải đối mặt với 3 khó khăn lớn. Đó là tăng trưởng tín dụng bị ảnh hưởng lớn bởi sự đóng băng của thị trường bất động sản, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm mạnh và thị trường trái phiếu bất ổn. Trong bối cảnh đó, Techcombank đã có những lối đi riêng, những chiến lược ứng phó thận trọng và bền vững, phù hợp với thực tế diễn biến của thị trường.

Đó là dịch chuyển sang cho vay bán lẻ để kiểm soát rủi ro tốt hơn với mảng thế mạnh bất động sản. Techcombank cũng có những chính sách phù hợp để đón dòng tiền gửi có kỳ hạn dịch chuyển từ CASA sang để tối ưu hóa lợi nhuận. Về trái phiếu DN, Techcombank quản trị trên cơ sở bền vững và thận trọng.

Còn theo đánh giá của nền tảng thương mại điện tử TMĐT Shopee, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, người dùng và DN đã tìm thấy nhiều giá trị và cơ hội mới trên các nền tảng TMĐT. Tại Việt Nam, Shopee liên tục hợp tác với các thương hiệu và người bán hàng nhằm mang đến cho người dùng nhiều ưu đãi, giúp họ tiết kiệm hơn khi chi tiêu.

Giữa rất nhiều khó khăn, các DN đã chọn cho mình những chiến lược kinh doanh khác nhau cho năm 2023. Mạnh mẽ và tham vọng lại là chiến lược mà HĐQT VPBank đã thông qua cho kế hoạch 5 năm. “Chúng tôi tham vọng nhưng không viển vông. Những gì Ban lãnh đạo dự kiến và tập trung làm đều dựa trên các nền tảng lớn mà ngân hàng đã đạt được đó là nguồn vốn rất lớn, hạ tầng, ngân hàng số, tín dụng, bảo hiểm…

Nền tảng này cho phép VPBank hướng tới xây dựng một tập đoàn tài chính đa năng với sự nổi bật của công nghệ, sáng tạo, một hệ sinh thái đa dạng, mở ra những cơ hội, những động lực mới” - Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho hay.

Kế hoạch năm nay, HĐQT và Ban Lãnh đạo Techcombank đã đưa ra rất nhiều phương án. Sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn phương án thận trọng nhất và tin rằng sẽ thực thi được. Nếu số liệu quay lại tốt thì Techcombank sẽ điều chỉnh kế hoạch và các mục tiêu cao hơn. Quan điểm của chúng tôi là trong khó khăn, thận trọng sẽ tốt hơn.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh

Nha Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phia-sau-nhung-con-so-tang-truong.html