Phát huy phẩm chất người lính quân hàm xanh trên vùng biên cương

Theo lời giới thiệu của các cán bộ Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Dục Nông, BĐBP Kon Tum, chúng tôi đến với xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Không khó để bắt gặp những mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa ở khắp các thôn làng. Không có quy mô lớn nổi bật, song nhiều hộ gia đình đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê phù hợp với điều kiện thực tế của mình theo phương châm 'lấy ngắn nuôi dài'. Và thành quả ấy có một phần công sức không nhỏ của những người lính quân hàm xanh luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng cam cộng khổ, đồng hành cùng nhân dân trên vùng biên cương.

Thiếu tá Bùi Triệu Phú hướng dẫn chị Y Tuân cách tỉa cành cây cà phê. Ảnh: Văn Lý

Thiếu tá Bùi Triệu Phú hướng dẫn chị Y Tuân cách tỉa cành cây cà phê. Ảnh: Văn Lý

Cách đây vài năm, gia đình chị Y Tiêu, ở thôn Nông Nội, xã Đắk Nông chỉ tập trung nuôi bò - giống vật nuôi được coi là “truyền thống” của người dân địa phương. Nuôi bò cho hiệu quả kinh tế khá, song công sức bỏ ra nhiều, thời gian nuôi để có được nguồn thu cũng tương đối lâu. Qua tìm hiểu các mô hình do khuyến nông địa phương và Đồn Biên phòng Dục Nông giới thiệu, năm 2022, chị Y Tiêu quyết định chỉ giữ lại một cặp bò, còn lại bán hết để đầu tư vốn nuôi dê, một phần dành cho việc dựng chuồng nuôi tập trung. Từ 18 con dê giống ban đầu, cách đây không lâu, chị Y Tiêu đã bán được ra thị trường 6 con dê thịt, thu về gần 27 triệu đồng. Cùng với vườn bời lời gần 500 gốc, 1ha cao su, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị Y Tiêu đạt gần 200 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí.

Chị Y Tiêu chia sẻ: “Trong tương lai, gia đình tôi sẽ chuyển sang chăn nuôi dê là chính, còn đối với bò thì giảm lại, kết hợp với trồng bời lời, cao su. Hiện tại, tôi đang chăm sóc cây cao su con. Thực tế nuôi dê cỏ cũng đơn giản và dễ nuôi, ban đầu chỉ 3, 4 con, bây giờ phát triển lên 30 con. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mua thêm dê con về nuôi, hi vọng dê tiếp tục cho nguồn thu nhập ổn định cho gia đình’’.

Không chỉ chuyển đổi giống vật nuôi, người dân xã Đắk Nông cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một trong những người đi đầu trong xu thế này là anh Y Thành, ở thôn Dục Nội, xã Đắk Nông. Bên cạnh những loại cây công nghiệp truyền thống như bời lời, cao su, sau khi nghe cán bộ Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Dục Nông tham mưu chuyển đổi trồng cây mắc ca, anh Thành thấy phù hợp với xu hướng và đã dành thời gian tìm hiểu, đi đến quyết định đưa cây mắc ca về trồng thử nghiệm.

Năm 2021, sau khi thu lứa cây cà phê đã cỗi, anh đầu tư hàng chục triệu đồng cải tạo mặt bằng, thuê máy múc đào hố và tiến hành trồng 350 gốc mắc ca, xen canh với lứa cà phê mới trên một phần đất canh tác của gia đình. Việc trồng xen canh tuy tốn kém hơn về chi phí đầu tư, nhưng lại giảm thiểu những rủi ro cho gia đình trong trường hợp cây mắc ca không thích hợp. Anh Thành cho biết thêm: “Trước đây, tôi trồng bời lời thu hoạch hai lần rồi, nhưng giá trị không được cao, nên gia đình chuyển sang trồng cây cao su nhưng ít mủ. Cách đây mấy năm, nghe lời mấy chú Biên phòng tuyên truyền về phát triển cây mắc ca, là loại cây sống lâu nên sẽ đỡ công trồng đi trồng lại nên tôi quyết định đầu tư vào cây mắc ca’’.

Thiếu tá Bùi Triệu Phú giúp dân chăm sóc cây cau. Ảnh: Văn Lý

Thiếu tá Bùi Triệu Phú giúp dân chăm sóc cây cau. Ảnh: Văn Lý

Thực hiện mô hình “Đảng viên Đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn (làng), kết nghĩa giúp đỡ hộ gia đình trên khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo”, Đồn Biên phòng Dục Nông đã giao cho Đội vận động quần chúng làm nòng cốt; mỗi cán bộ, chiến sĩ lựa chọn một gia đình phù hợp để giúp đỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như những vấn đề trong cuộc sống. Được sự nhất trí của đơn vị, từ năm 2016 đến nay, Thiếu tá Bùi Triệu Phú, nhân viên vận động quần chúng đã kết nghĩa với gia đình chị Y Tuân để giúp đỡ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho gia đình chị Y Tuân. Qua từng năm trồng, đến nay, chị Y Tuân thấy vườn cây cà phê có nhiều đổi khác, phát triển đều hơn, đẹp hơn, cán bộ BĐBP thường xuyên đến gia đình chị trao đổi, tư vấn kĩ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng. Tình cảm giữa người dân, người lính cũng vì thế càng thêm khăng khít, gắn bó. Chị Y Tuân bày tỏ: “Đồng chí Phú thường xuyên đến nhà hướng dẫn cách bón phân, chăm sóc cây cà phê, cách chăn nuôi, thường xuyên giúp đỡ gia đình. Năm vừa rồi, tôi bán được gần trăm triệu đồng từ cà phê, đàn bò nuôi thì cung cấp phân để chăm cà phê nên cũng đỡ tiền mua thêm phân bón’’.

Thiếu tá Bùi Triệu Phú chia sẻ thêm: “Sau khi có chủ trương của đơn vị, tôi đã tuyên truyền bằng nhiều cách, cầm tay chỉ việc để gia đình chị Y Tuân biết cách chăm sóc cây trồng, con giống, để nâng cao đời sống’’. “Kết nghĩa để giúp dân” là chủ trương, nhưng hiệu quả của việc kết nghĩa như thế nào thì phụ thuộc rất nhiều vào những người thực hiện chủ trương ấy. Nhận thức rõ điều này, mỗi người lính quân hàm xanh trên vùng biên cương không chỉ giúp dân bằng tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, mà còn bằng cả cái tình gắn bó với đồng bào như người ruột thịt trong một nhà.

Ông Nguyễn Viết Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nông cho biết: “Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông đã tích cực giúp địa phương xây dựng nông thôn mới, tham gia nhiều chương trình giúp người dân địa phương, như "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng", "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới"...

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông đang hiện thực hóa công tác dân vận bằng những việc làm thiết thực, tâm huyết, trách nhiệm và nghĩa tình, tất cả vì cuộc sống của người dân biên giới no ấm, bình yên. Điều đó đồng nghĩa với việc nhân dân sẽ luôn là thành trì, chỗ dựa vững chắc bao bọc, chở che, cùng người lính Biên phòng tô thắm màu xanh cho biên cương của Tổ quốc.

Văn Lý

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-pham-chat-nguoi-linh-quan-ham-xanh-tren-vung-bien-cuong-post470641.html