Phát huy những mô hình chuyển đổi số của Đề án 06 tạo ra nhiều giá trị, lợi ích hơn nữa

Chiều 13/5, tại Hội trường Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đã tổ chức họp giao ban trực tuyến tháng 5/2024. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viện Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chủ trì cuộc họp.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, UBND TP.Hà Nội và các thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đại diện một số cục của Bộ Công an. Phiên họp trực tuyến đến 6 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Khánh Hòa.

Tham dự tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh có đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch TP, Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc CATP, Thiếu tướng Trần Đức Tài – Phó Giám đốc CATP và lãnh đạo các sở ngành liên quan.

Kết quả thực hiện Đề án 06 được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương kết quả của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong tháng 4. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong tháng 4/2024, các bộ, ngành, địa phương đã rất chủ động trong công tác, nhiệm vụ được giao. Những nhiệm vụ của Đề án 06 trong tháng 4 cơ bản đã được hoàn thành. Những kết quả này đã và đang được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Đây là điều rất đáng được biểu dương.

Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì cuộc họp

Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì cuộc họp

Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án 06 tháng 4/2024, Bộ Công an cho biết, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các Bộ, ngành đạt 49,33%, tại các địa phương đạt 55,34%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các Bộ, ngành đạt 49,35%, tại các địa phương đạt 60,85%... Bên cạnh đó, đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình. Một số thủ tục hành chính có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (99,98%), cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (86,97%), thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (90,6%)...

Về thanh toán không dùng tiền mặt, hiện lực lượng Công an và cán bộ BHXH các địa phương đang tích cực phối hợp và triển khai. Một số địa phương đã đạt được kết quả tích cực như: tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện trên toàn tỉnh, trong đó BHXH thị xã Hồng Lĩnh là BHXH cấp huyện đầu tiên phối hợp cùng lực lượng Công an hoàn thành 100% người hưởng lương hưu và trợ cấp qua ATM.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc rà soát, chuẩn bị hạ tầng, nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024. Kết quả: từ ngày 02/5/2024 đến ngày 08/5/2024, đã có 1.044.986 thí sinh đăng ký dự tuyển thành công, trong đó có 37.755 thí sinh tự do (chiếm tỷ lệ 3,61% tổng số thí sinh đã đăng ký).

Về phát triển công dân số, đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 86,2 triệu thẻ CCCD gắn chíp và thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 54,34 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,78%). Đối với 08 tiện ích trên VNeID đã công bố vào ngày 25/01/2024 và được người dân hưởng ứng sử dụng, trung bình 01 ngày có hơn 1,5 triệu lượt truy cập vào VNeID, trong đó, một số tiện ích có người dùng cao, như: Dịch vụ công thông báo lưu trú, thông báo, phổ biến chính sách pháp luật mới cho công dân...

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh

Hỗ trợ các địa phương triển khai Đề án 06, nổi bật là TP. Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hai địa phương này đã phối hợp Bộ Công an chuẩn bị các đều kiện, chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4/2024 và được người dân hưởng ứng tích cực. Tính đến nay tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận 792 hồ sơ (trong đó có 534 hồ sơ trên VNeID – chiếm 67,42%), tại TP. Hà Nội đã tiếp nhận 3.955 hồ sơ (trong đó có 1.802 hồ sơ trên VNeID – chiếm 45,56%). Bộ Công an ước tính, với nhu cầu 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp hàng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm cho người dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý cũng đã kết nối với 18 Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận 1.560.409.405 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin (tăng hơn 16 triệu yêu cầu so với tháng 4/2024); 668.953.465 yêu cầu đồng bộ thông tin, đồng bộ thành công 279.841.347 thông tin công dân vào dữ liệu dân cư. Công an các địa phương đã phối hợp các đơn vị nhập thông tin của 5.932.312 công dân Hội đoàn thể, 2.185.874 công dân Hội người cao tuổi, 2.116.850 công dân Hội cựu chiến binh, 1.267.743 công dân Hội chữ thập đỏ, 993.520 công dân Hội người có công, 27.589.186 công dân Hội người lao động vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện xác thực và định danh được trên 24,55/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh.

Điều hành thảo luận tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu cụ thể đến ngày 10/5/2024, Đề án 06 còn 40 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình. Thứ trưởng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thảo luận vào những điểm nghẽn này. Trước sự điều hành cũng như gợi ý những nội dung cụ thể của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương gồm: UBND TP Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư…đã báo cáo làm rõ những vướng mắc, tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn góp phần triển khai hiệu quả Đề án 06 cũng như các mô hình ứng dụng chuyển đổi số của Đề án.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận tại cuộc họp

Đảm bảo lộ trình đến 1/7/2024 sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất thực hiện TTHC trên môi trường điện tử

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa hoan nghênh các bộ ngành, địa phương đã hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06. Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các bộ ngành, địa phương đồng thời yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ trọng điểm còn lại, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã quá hạn, giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, đảm bảo lộ trình của Đề án 06.

Cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 5/2024; đồng thời hoàn thiện dự thảo quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trình Chính phủ ban hành và có hiệu lực trước 30/5/2024. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2024 phục vụ Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/7/2024.

Về dịch vụ công, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị 6 bộ, ngành gồm: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khẩn trương hoàn thành tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 6 dịch vụ công đã quá hạn quy định.

“Để thực hiện được nhiệm vụ này, tôi đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức họp với 6 bộ, ngành nêu trên chưa hoàn thành tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia để giải quyết dứt điểm, báo cáo Tổ công tác kết quả và lộ trình hoàn thành trong tháng 5/2024”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM chủ trì tại điểm cầu TPHCM

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM chủ trì tại điểm cầu TPHCM

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Văn Phòng Chính phủ nghiên cứu ban hành hướng dẫn các địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, khẩn trương hoàn thành trong tháng 5/2024.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy hoàn thành các giải pháp bố trí kinh phí, tháo gỡ cho các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án phân bổ đối với các khoản chi của ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ cho các bộ, cơ quan để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền theo quy định; xem xét đề xuất, phê duyệt kinh phí ngay đối với những bộ, ngành đã gửi dự toán kinh phí như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoàn thành trong tháng 5/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành địa phương làm sạch tài khoản cũ của công dân trên cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trước 1/7/2024; đầu tư, nâng cấp hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin với Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu chuyển đổi tài khoản sang VNeID và đăng nhập một lần tới Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, hoàn thành trong tháng 6/2024; đảm bảo lộ trình đến mốc 1/7/2024 sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...

Ngọc Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/phat-huy-nhung-mo-hinh-chuyen-doi-so-cua-de-an-06-tao-ra-nhieu-gia-tri-loi-ich-hon-nua_162224.html