Phát hiện sớm tình trạng trẻ thiếu GH để giúp tăng trưởng chiều cao tối đa

Việc phát hiện con chậm phát triển chiều cao rất quan trọng để can thiệp sớm cho con kịp thời. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135-145cm, thấp hơn so với chiều cao tối đa có thể đạt được.

Nhân viên y tế đo chiều cao cho trẻ khi tham gia tầm soát.

Nhân viên y tế đo chiều cao cho trẻ khi tham gia tầm soát.

Chậm tăng trưởng chiều cao có thể hiểu là tình trạng xảy ra khi tốc độ phát triển của trẻ không đạt được các mốc về chiều cao bình thường đối với từng độ tuổi. Thông thường, trẻ có tầm vóc thấp được định nghĩa là trẻ có chiều cao dưới -2SD so với trẻ cùng tuổi, giới tính, chủng tộc.

Nếu một đứa trẻ trông thấp bé hơn so với những đứa trẻ khác đồng trang lứa thì khả năng cao chúng đang gặp phải một vấn đề về tăng trưởng. Hoặc ngay cả những trẻ có chiều cao ở mức bình thường cũng có thể được chẩn đoán là chậm tăng trưởng nếu tốc độ phát triển của trẻ có dấu hiệu chậm lại rõ rệt.

Các yếu tố ảnh hưởng chiều cao thường được phân thành các nhóm lớn gồm: di truyền, các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết. Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được.

Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH (nằm trong nhóm các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết), theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000-1/4.000, nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

Cha mẹ cho con đi tầm soát về phát triển chiều cao tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Cha mẹ cho con đi tầm soát về phát triển chiều cao tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Tại Việt Nam, có một thực tế là trẻ thường chỉ được cha mẹ phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học, tức khi có điều kiện so sánh chiều cao với các bạn đồng trang lứa. Đôi khi, tình trạng chậm cao của trẻ cũng có thể được phát hiện tình cờ khi trẻ đi khám một bệnh lý khác.

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135-145cm, thấp hơn so với chiều cao tối đa có thể đạt được.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện, phụ huynh cũng đã cho trẻ điều trị và can thiệp dinh dưỡng trước đó nhưng không có sự cải thiện. Khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu GH và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ được cải thiện chiều cao đáng kể.

Để giúp trẻ em cải thiện chiều cao, từ ngày 1/6 đến ngày 23/6, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em”. Chương trình nhằm mục đích phát hiện kịp thời những trẻ em gặp vấn đề chậm tăng trưởng chiều cao. Đồng thời, chương trình sẽ cung cấp kiến thức và hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc, theo dõi quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Đây là năm thứ 8 liên tiếp bệnh viện tổ chức chương trình này. Theo đó, tất cả các trẻ em chưa dậy thì ở khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đều có thể đăng ký để được sắp xếp tầm soát theo lịch phù hợp trong thời gian diễn ra chương trình.

Thời gian nhận đăng ký, từ ngày 12/5/2024 đến ngày 16/6/2024. Phụ huynh có thể gọi điện thoại đăng ký qua hotline: 0923.041.579 hoặc 0815.221.437 trong khung giờ 8 giờ-17 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Thời gian khám sàng lọc từ 13 giờ-17 giờ, thứ bảy hàng tuần từ ngày 1/6-22/6/2024 và 8 giờ-12 giờ, chủ nhật hàng tuần, áp dụng từ ngày 2/6-23/6/2024, tại Khoa Nội Tiết, Lầu 3, khu A, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP Hồ Chí Minh)

Bắt đầu được triển khai từ năm 2017, tính đến nay, chương trình đã tầm soát miễn phí cho khoảng 2.400 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là hơn 200 trẻ. Năm nay, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 300 trẻ đến thăm khám với 8 buổi khám trong 4 tuần.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí cho trẻ là chương trình mang dấu ấn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Nhờ chương trình mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm hơn đến sự phát triển chiều cao của con, đặc biệt là biết đến nguyên nhân chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề dinh dưỡng hay yếu tố di truyền.

"Tuy tỷ lệ trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng trong cộng đồng là rất thấp nhưng nhờ chương trình mà nhiều trẻ trong diện nghi ngờ được phụ huynh cho đi tầm soát sớm và số lượng đáng kể trẻ đã được phát hiện chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng mỗi năm thông qua chương trình. Do đó, bệnh viện vẫn duy trì chương trình thường niên vào mỗi dịp hè để tiện cho trẻ và phụ huynh sắp xếp thời gian phù hợp", bác sĩ Chiến cho biết.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-hien-som-tinh-trang-tre-thieu-gh-de-giup-tang-truong-chieu-cao-toi-da-post809399.html