Phấn đấu công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP cả nước

Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đặt mục tiêu phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu đến năm 2035 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước.

Sáng 14/5, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

 Phát triển ngành công nghiệp văn hóa hiệu quả sẽ tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Ảnh minh họa

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa hiệu quả sẽ tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Ảnh minh họa

Phát triển văn hóa thành sức mạnh của nền kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tại phiên họp, thời gian thực hiện chương trình dự kiến trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035. Trong đó, năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện, nâng cao năng lực cán bộ…

Xem xét lại đề xuất bố trí vốn năm 2025

Tham gia ý kiến về nội dung bố trí vốn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận lưu ý trong chương trình đề xuất một số hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện, giám sát… để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ với kinh phí bố trí trong năm 2025. Tuy nhiên, các hoạt động này đã được NSNN đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương hàng năm. Sau khi khung chương trình được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương mới có căn cứ pháp lý xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn thực hiện. Do đó việc đề xuất bố trí vốn năm 2025 cần xem xét lại.

Giai đoạn 2026 - 2030 tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua. Giai đoạn 2031 - 2035 tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Mục tiêu của chương trình đến năm 2030 là hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn.

100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo…

Hàng năm có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố. Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước…

Đến năm 2035, các mục tiêu cụ thể là phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật;

Đồng thời, 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Có ít nhất 10 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN. Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Hàng năm, có ít nhất 4 - 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, những năm qua, ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển hết sức mạnh mẽ, trở thành xu hướng phát triển trên thế giới. Với Việt Nam, chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, trở thành ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận kinh tế cho đất nước.

“Văn hóa là kinh tế, lâu nay ta cứ hiểu văn hóa chỉ là tiêu tiền, nhưng thực tế ngành văn hóa là ngành đem lại rất nhiều tiền” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét và nêu ví dụ về các ngôi sao ca nhạc nổi tiếng đã đem lại nhiều lợi nhuận cho các quốc gia.

Làm rõ căn cứ xác định tổng mức vốn cho chương trình

Về dự kiến nguồn lực, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình là khá lớn, cao hơn so với các CTMTQG đã và đang thực hiện. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình.

Bên cạnh đó, về ngân sách địa phương (NSĐP), nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ NSĐP chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. ủy ban đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách trung ương (NSTW) và vốn NSĐP; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ NSĐP; đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn NSĐP và tính toán đề xuất mức bố trí NSĐP phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ căn cứ và tính khả thi của việc xác định tổng nguồn vốn huy động hợp pháp thực hiện chương trình; xác định rõ các nhiệm vụ, dự án có khả năng sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đồng thời, nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với khu vực tư nhân, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Giải trình tại phiên họp về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại thời điểm hiện nay, về pháp lý thì chưa đủ cơ sở để thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho kế hoạch giai đoạn 2026 – 2030.

Tuy nhiên, qua 2 kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, có thể ước tính con số thông lệ là tổng số vốn đầu tư công giai đoạn 5 năm sau bằng khoảng gấp rưỡi giai đoạn 5 năm trước. Như vậy, tính toán sơ bộ thì mức vốn tối đa 50.000 tỷ NSTW cho chương trình này là hợp lý, Thứ trưởng Trần Quốc Phương ước tính.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải thích tờ trình này để trình Quốc hội cho thông qua chủ trương đầu tư. Sau khi Quốc hội thông qua thì Chính phủ mới giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành các bước cụ thể như làm hợp đồng tư vấn, báo cáo đầu tư, lộ trình… Tới lúc đó mới có đầy đủ, chi tiết danh mục.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, văn hóa là lĩnh vực rất trừu tượng, có nhiều nội dung định tính, không thể định lượng. Nhiều mục tiêu trong chương trình không cần đến nguồn lực. Thực tế, trọng tâm chính của chương trình là các nội dung lớn như bảo tồn di sản; thiết chế văn hóa ở cấp địa phương, quốc gia… Do đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn được Quốc hội ủng hộ chủ trương này./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phan-dau-cong-nghiep-van-hoa-dong-gop-8-vao-gdp-ca-nuoc-150776-150776.html