Ô tô 'độ' lốp thế nào để được đăng kiểm?

Trên tem của nhà sản xuất dán ở vị trí cánh cửa ô tô có thể ghi nhiều kích thước thông số lốp, tuy nhiên, không phải mẫu xe nào cũng có thể sử dụng tất cả các lốp này. Thậm chí, nếu khác với giấy chứng nhận kiểm định còn có nguy cơ bị từ chối đăng kiểm.

Có cho phép sử dụng tất cả thông số lốp ghi trên tấm etiket gắn trên xe?

Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc ô tô VinFast Lux SA Plus có thông số lốp trên giấy đăng kiểm là 255/50R19, 285/45R19.

Chủ xe độ "lốp" với thông số 275/40R20, 315/35R20 và thấy trên cánh cửa xe có dán tem của nhà sản xuất cho phép xe dùng cả 2 kích thước lốp trên. Vậy ô tô có được đăng kiểm không?

Theo các trung tâm đăng kiểm, nhiều chủ xe "độ", thay thế lốp không đúng quy định khi đưa xe đi kiểm định đã bị trượt hạng mục kiểm tra về lốp và phải quay về khắc phục, gây tốn kém thời gian, chi phí.

Theo các trung tâm đăng kiểm, nhiều chủ xe "độ", thay thế lốp không đúng quy định khi đưa xe đi kiểm định đã bị trượt hạng mục kiểm tra về lốp và phải quay về khắc phục, gây tốn kém thời gian, chi phí.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tem dán trên cánh cửa mà bạn đọc thắc mắc về mặt kỹ thuật chính là tấm lắc (etiket nguyên thủy) gắn trên xe của nhà sản xuất.

Thông thường, nhà sản xuất có thể ghi nhiều kiểu, kích cỡ lốp nhà sản xuất cho phép ô tô sử dụng trên tấm lắc này.

Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp nhập khẩu nào cũng thực hiện thử nghiệm để được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại xe cơ giới với tất cả các thông số lốp đó.

Chỉ những lốp được lắp theo xe khi nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu, được ghi rõ trong các giấy chứng nhận này mới được phép lắp trên xe ô tô lưu hành tại Việt Nam.

Thực tế, các loại lốp này đã được thử nghiệm để đánh giá chất lượng và sự phù hợp với kiểu loại ô tô, đảm bảo an toàn khi vận hành.

Những lốp chưa được thử nghiệm, không có đủ căn cứ đánh giá về chất lượng cũng như khả năng phù hợp với kiểu loại xe, dù trên tem của nhà sản xuất có ghi cũng không được chấp nhận.

Các trường hợp "độ", thay thế lốp có thông số khác với thông tin trên giấy chứng nhận đăng kiểm cũ, nhưng trên tem của nhà sản xuất dán ở cánh cửa có thông số này, đơn vị đăng kiểm thực hiện tra cứu thông tin trên Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô sản xuất, lắp ráp (nếu là xe sản xuất, lắp trong trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (nếu là xe nhập khẩu) để xác minh, thông số lốp này có được ghi trên giấy chứng nhận này hay không.

Nếu có, đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định xe bình thường, khi đạt tất cả các hạng mục, trên giấy chứng nhận đăng kiểm mới cấp cho ô tô và hồ sơ phương tiện, đơn vị thực hiện ghi bổ sung thêm trường hợp thông số lốp cho phép sử dụng của xe.

Nếu không có, đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định, hướng dẫn chủ xe khắc phục, thay thế lốp phù hợp sau đó đưa xe đi đăng kiểm lại.

Các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo, chủ xe cần tìm hiểu kỹ thông số lốp quy định của xe tại giấy chứng nhận đăng kiểm hoặc giấy chứng nhận kiểu loại xe trong trường hợp cần thay thế sao cho phù hợp và không bị từ chối khi đi kiểm định.

Các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo, chủ xe cần tìm hiểu kỹ thông số lốp quy định của xe tại giấy chứng nhận đăng kiểm hoặc giấy chứng nhận kiểu loại xe trong trường hợp cần thay thế sao cho phù hợp và không bị từ chối khi đi kiểm định.

"Độ" lốp cần lưu ý điều gì?

Cục Đăng kiểm VN cho biết, đối với trường hợp kiểu loại lốp theo quy định của nhà sản xuất mà chủ xe không thể tìm mua được để thay thế, các đơn vị đăng kiểm căn cứ các Tiêu chuẩn Việt Nam theo hướng dẫn tại văn bản ghi nhận kích cỡ lốp của xe cơ giới khi kiểm định và các tài liệu kỹ thuật về lốp khác để tra kích thước cụ thể của lốp, từ đó, tra ra ký hiệu của loại lốp tương đương.

Trường hợp nhà sản xuất xe cơ giới quy định sử dụng cùng một kích cỡ lốp của tất cả các lốp lắp trên xe thì khi lắp lốp tương đương phải đảm bảo cùng kích cỡ lốp của tất cả các lốp. Các lốp trên mỗi trục phải đồng bộ và có cùng một ký hiệu kích cỡ, chỉ số tải và chỉ số tốc độ.

Lốp tương đương được sử dụng để thay thế phải thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, phù hợp với thiết kế của nhà sản xuất về các thông số như chiều rộng mặt cắt ngang của lốp, đường kính ngoài (đường kính lăn) phải nằm trong khoảng min – max của lốp xe theo tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất tra cứu theo QCVN 34:2011/BGTVT quy định về lốp hơi dùng cho ô tô.

Đối với vành bánh xe, cần đảm bảo lắp lên xe không làm thay đổi moay ơ, cơ cấu phanh, hệ thống treo, hệ thống lái và vị trí để lắp bánh xe và moay ơ so với thiết kế của nhà sản xuất xe cơ giới, không quản lý đối với kích cỡ vành bánh xe.

Ngoài ra, các loại lốp có kích cỡ tương đương được sử dụng để thay thế phải bảo đảm khả năng về tải trọng và tốc độ không nhỏ hơn so với lốp nguyên thủy.

Lưu ý, kích cỡ lốp ghi trên giấy chứng nhận kiểm định là kích cỡ lốp lắp trên xe khi xe cơ giới vào kiểm định theo các quy định trên.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-to-do-lop-the-nao-de-duoc-dang-kiem-192240518092952688.htm