Ô tô cháy, nổ mùa hè: Nguyên nhân và cách phòng tránh đúng cách

Theo lời khuyên của các chuyên gia, việc người dùng độ đẽo các chi tiết của xe là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ chập điện gây cháy xe. Ngoài ra, thói quen sử dụng cũng được xem là nguyên nhân.

Thời tiết miền bắc trong giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ tỏa lên từ đường nhựa cộng với hiệu ứng đô thị có thể làm nhiệt độ ngoài đường lên tới 50-55 độ C.

Nếu đỗ xe ngoài đường thời gian dài không đảm bảo vật che chắn ánh nắng, nhiệt độ trong xe lúc này không khác gì một chiếc lò hơi, nguy cơ chập điện, cháy nổ xe là rất cao.

Mới đây nhất, tại Quận Hà Đông, Hà Nội, trưa ngày 2/5/2024, một chiếc ô tô hạng sang đỗ ven đường đột nhiên bốc cháy dữ dội không rõ nguyên nhân.

Chiếc xe sang BMW bị cháy còn "trơ khung" tại Hà Nội hồi đầu tháng 5/2024.

Việc xảy ra nhiều vụ cháy ô tô trong thời gian gần đây gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Chưa kể đến việc khắc phục hậu quả sẽ liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp phía sau như tìm rõ nguyên nhân gây ra cháy, có ảnh hưởng đến các phương tiện khác hay không, đơn vị nào sẽ cùng gánh vác trách nhiệm với chủ phương tiện khi xảy ra sự cố cháy?...

Trước khi sự việc không mong muốn xảy ra, chính bản thân người sử dụng phương tiện cần trang bị nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng về phòng chống cháy nổ để việc sử dụng xe được an toàn.

Anh Đặng Xuân Quyết, quản lý xưởng dịch vụ đại lý Toyota tại Hà Nội, đã chia sẻ về các nguyên nhân và đưa biện pháp phòng chống rủi ro cháy nổ xe.

"Theo thống kê, phần lớn các vụ cháy ô tô có nguyên nhân được cho là chập hệ thống điện. Việc chất lượng dây điện kém, bị xuống cấp bởi một thời gian sử dụng và đặc biệt là do độ đẽo các phụ kiện trên xe gây ra như độ đèn, âm thanh, camera...", anh Quyết nói.

Việc độ đẽo để lắp thêm các phụ kiện cho xe là tác nhân chính ảnh hưởng đến hệ thống điện của xe và nguy cơ gây chập, cháy.

"Trong quá trình độ đẽo, nhiều đoạn dây điện sẽ phải cắt nối, quấn, bọc…khiến hệ thống dây điện rất nhanh xuống cấp. Nhất là trong quá trình di chuyển khi gặp nhiệt độ cao, sinh ra tỏa nhiệt và tác động đến các hệ thống khác trong khoang động cơ của xe gây cháy nổ", anh Quý nói thêm. "Do đó, chủ xe nên hạn chế tối đa việc lắp đặt thêm những thiết bị điện không thực sự cần thiết và không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất trên xe của mình".

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, anh Quyết cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan của chính người sử dụng góp phần gây nên những sự cố như cháy, nổ xe.

Một số thói quen không tốt khác như: tiếp nhiên liệu cho xe xong không đóng nắp bình xăng chặt, hút thuốc lá trong xe, hay việc đỗ xe cạnh khu vực bãi rác vì ở những nơi như thế tiềm ẩn nguy cơ chuột có thể chui vào xe và cắn dây diện trong xe.

Cùng với đó, khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa, và không sử dụng, chủ xe nên tìm một vị trí thích hợp để đỗ xe. Hãy chọn khu vực có bóng mát, thoáng đãng, có thể dùng bạt phủ xe để che bớt tác nhân của ánh nắng mặt trời.

Không nên để trong xe để các lon nước có gas, bật lửa, nước hoa, dây sạc điện thoại hay các vật dụng dễ cháy nổ.

Thận trọng khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ, rác nilon…Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp cháy xe do đi qua các khu vực phơi nhiều rơm rạ.

Hãy thận trọng khi đi xe qua những khu vực có nhiều rơm rạ vì chúng có thể mắc kẹt dưới gầm xe, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể gây ra cháy.

Hãy kiểm tra tình trạng xe trước mỗi chuyến đi, không bơm lốp quá căng vì có thể gây nổ lốp giữa đường khi chạy liên tục thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao (cần có thời gian nghỉ phù hợp).

Chủ xe cũng cần trang bị trên xe bình chữa cháy, đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra còn có thể khắc phục kịp thời, tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng khác.

Bên cạnh đó, chủ phương tiện cũng nên thường xuyên mang xe của mình đi bảo dưỡng, bảo trì. Việc lười bảo dưỡng xe hoặc không để ý đèn cảnh báo trên taplo của xe dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Các chi tiết phụ tùng hư hại, gỉ sét...không được khắc phục và bảo dưỡng kịp thời sẽ làm giảm khả năng vận hành của xe khiến xe dễ bị cháy.

Hữu Khang

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/o-to-chay-no-trong-mua-he-nguyen-nhan-va-cach-phong-tranh-dung-cach-post175028.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat