Nuôi cá tầm trên sông Kinh Thầy

Nhiều người nghĩ cá tầm chỉ có thể nuôi được ở những vùng có khí hậu quanh năm mát mẻ như Sa Pa (Lào Cai) hoặc một số tỉnh miền núi. Nhưng có những nông dân đã 'liều lĩnh' nuôi cá tầm ngay trên sông Kinh Thầy ở Hải Dương và đã thành công.

Mạnh dạn thử nghiệm, một số nông dân Hải Dương đã nuôi cá tầm thành công

Quyết định “liều lĩnh”

Men theo triền đê sông Kinh Thầy, chúng tôi đến thăm khu vực lồng cá của anh Lương Quang Nam, Giám đốc Hợp tác xã Thu Nam Toản Trí Hải tại xã Nam Tân (Nam Sách). Ngoài những loại cá quen thuộc như chép giòn, trắm giòn, anh Nam còn nuôi cả cá tầm.

Từ năm 2022, những thành viên của Hợp tác xã Thu Nam Toản Trí Hải ở Nam Sách đã đi đến một quyết định có phần liều lĩnh đó là thử nghiệm nuôi cá tầm ngay tại Hải Dương. Anh Nam nhớ lại, thời điểm đó, anh cùng một số thành viên hợp tác xã đã đến Sa Pa (Lào Cai) - một trong những nơi nuôi nhiều cá tầm ở miền Bắc. Những chuyến đi giúp họ trang bị nhiều kiến thức về đặc điểm sinh trưởng và phát triển của loài cá này cũng như học hỏi kinh nghiệm trong quá trình nuôi.

Cá tầm có giá trị kinh tế cao nhưng đòi hỏi kỹ thuật nuôi, nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là nguồn thức ăn và con giống. Loài cá này rất “khó tính”, đòi hỏi quy trình chăm sóc, phòng bệnh nghiêm ngặt, điều kiện nhiệt độ khắt khe hơn so với những loài cá khác. Điều đặc biệt là cá tầm chỉ sống khi nhiệt độ nước lạnh và phải nuôi trong hơn 1 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. “Sau khi tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm sinh trưởng, môi trường sống, chúng tôi nhận thấy với kiểu khí hậu ở Hải Dương thì khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau phù hợp nhất để nuôi cá tầm. Bởi lúc này thời tiết mát mẻ và trở lạnh, nhiệt độ nước cũng giảm", anh Nam cho biết.

Cũng bởi vậy, đàn cá tầm khi được Hợp tác xã Thu Nam Toản Trí Hải mua và vận chuyển từ Sa Pa về Hải Dương đã được nuôi hơn nửa năm, cá đã khá to, mỗi con có trọng lượng hơn 500 g, mức giá từ 180.000-200.000 đồng/con. Quá trình vận chuyển phải bảo đảm các điều kiện như nhiệt độ nước, oxy… Trong những lần đầu, do quãng đường vận chuyển xa, lại chưa có kinh nghiệm nên có nhiều con đã bị chết trước khi được đưa xuống lồng nuôi.

Sau khi đưa cá về, nông dân phải giúp cá làm quen với môi trường mới. Đây cũng là lúc người nuôi bận rộn, phải theo dõi cá sát sao từng giờ để kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu bất thường, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Lúc nhỏ, cá tầm cần nhiều đạm hơn so với các loài cá khác nên nông dân thường cho ăn trùn quế; sau đó dần dần mới chuyển sang ăn cám.

Bước đầu thu “trái ngọt”

Tại Hải Dương, cá tầm thường được nuôi từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau để bảo đảm điều kiện thời tiết

Thời gian đầu, anh Nam cũng như các thành viên hợp tác xã khá lo lắng, thậm chí đã có lúc anh không khỏi hoài nghi chính quyết định của mình. Lo đến mất ăn, mất ngủ vì chưa có kinh nghiệm, chưa rõ hiệu quả mang lại ra sao.

Ngoài các yếu tố tự nhiên như thời tiết, nhiệt độ, yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá tầm vì loài cá này chỉ ưa môi trường nước sạch, có dòng chảy, lượng oxy hòa tan cao, nếu không cá sẽ dễ mắc bệnh và chết. Không chỉ lắp đặt hệ thống camera xung quanh khu vực nuôi cá lồng, bố trí các máy sục khí bảo đảm cá được cung cấp đủ oxy và tạo dòng chảy liên tục mà đối với những lồng nuôi cá tầm, anh Nam và những thành viên khác của hợp tác xã đều bố trí, lắp đặt hệ thống camera dưới nước tại khu vực các lồng nuôi. Qua đó có thể thường xuyên quan sát và nhanh chóng phát hiện khi cá có những biểu hiện bất thường để xử lý kịp thời.

Trong năm đầu tiên nuôi thử nghiệm, hợp tác xã chỉ nuôi 2 lồng cá tầm. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, đầu năm 2023, những lồng cá tầm đầu tiên của hợp tác xã đã cho thu hoạch với trọng lượng trung bình từ 2-2,2kg/con, sản lượng đạt khoảng 1,7 tấn/lồng. Cá tầm được bán từ 210-000-230.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên đến 250.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với một số loại cá như chép giòn, trắm giòn. Nông dân thu lãi từ 60-70 triệu đồng/lồng, cao hơn 30% so với nuôi chép giòn, trắm giòn. “Nối tiếp thành công bước đầu ấy, cuối năm 2023, các thành viên đã mở rộng quy mô nuôi với tổng số hơn 60 lồng. Thời điểm đầu năm 2024, cá tầm bắt đầu cho thu hoạch và tiến độ này được đẩy nhanh trong tháng 4 này”, anh Nam cho biết.

Việc thành công bước đầu trong quá trình nuôi cá tầm của những nông dân ở xã Nam Tân đã góp phần đa dạng các loài thủy sản của Hải Dương, đồng thời mở ra cơ hội mới với những người nông dân, giúp họ có điều kiện nâng cao thu nhập.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nuoi-ca-tam-tren-song-kinh-thay-379348.html