NSND Tường Vy - Người bồi đắp tâm hồn bằng tình thương nghệ thuật

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy được biết đến là người sáng lập 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để ươm mầm, chắp cánh ước mơ với những người hoàn cảnh kém may mắn yêu nghệ thuật

Tin "mẹ" Tường Vy qua đời, nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương từ thành phố Hồ Chí Minh cùng vợ bay ra thành phố Đà Nẵng ngay trong đêm để sáng sớm đến viếng người mẹ thứ 2 của mình. Hà Chương xuất thân là học sinh Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng, được Nghệ sĩ Tường Vy phát hiện và bồi dưỡng trong một lần bà về thăm, lưu diễn tại trường. Hà Chương kể, kỷ niệm với mẹ Tường Vy rất nhiều, nhưng khoảnh khắc được bà ôm vào lòng như mẹ hiền ôm con khi anh được giải quán quân tiết mục độc tấu đàn bầu nhạc phẩm 'Trống cơm' tại Vòng chung kết Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 1995 tổ chức ở thành phố Đà Nẵng làm anh nhớ mãi. Từ đó, Mẹ Tường Vy đã đi cùng anh trong những năm tháng vinh quang và cả đắng cay.

Ảnh thờ Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy.

Ảnh thờ Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy.

Hà Chương xem mẹ Tường Vy như là người mẹ thứ 2, người thầy vĩ đại của mình. Hà Chương vinh dự được nghệ sĩ Tường Vy đưa ra thăm thủ đô Hà Nội, được đưa đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hà Chương cũng là một trong những học trò đầu tiên của nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy khi mới thành lập Câu lạc bộ nghệ thuật tình thương, sau này là Trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội do bà sáng lập. Đặc biệt là thời điểm khi Hà Chương ra nhạc viện Hà Nội học, không có chỗ ở được mẹ Vy lo chỗ ở, rồi trả tiền xe ôm thuê người chở đi học hàng ngày. Thỉnh thoảng mẹ còn cho tiền mua bánh ăn.

Nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương đến viếng mẹ Tường Vy

Nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương đến viếng mẹ Tường Vy

Hà Chương cho biết, cái tên Hà Chương cũng do chính nghệ sĩ Tường Vy đặt cho: “Trong lòng của Chương, mẹ Tường Vy là người mẹ thứ 2 của mình, có vị trí rất quan trọng, đặc biệt trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình. Ngay từ bước đi đầu tiên, tôi luôn nhận sự theo dõi, quan tâm hỗ trợ lặng thầm của mẹ. Khi nghe tin mẹ mất, Chương rất bồi hồi, vì quá đột ngột nên 2 vợ chồng liên bay về để kịp đưa tiễn mẹ đi”.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, thu âm nhiều ca khúc được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát “Cô gái vót chông” như đóng đinh tên tuổi của bà, được xem là người thể hiện ca khúc này hay nhất và ấn tượng nhất vì giả tiếng chim rừng đại ngàn Tây Nguyên lồng vào bài hát. Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy còn được biết đến là người bồi dưỡng tâm hồn bằng nghệ thuật khi sáng lập và dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật và hoạt động xã hội.

Lễ di quan Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy

Lễ di quan Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy

Năm 1995, lúc đó nghệ sĩ Tường Vy đang luyện thanh ở Hà Nội, bất ngờ bà nhìn thấy bên ngoài của sổ có một em bé mồ côi gầy gò, đen đúa lặng lẽ đứng nhìn chăm chú cô hát. Hình ảnh đó luôn ám ảnh bà và ý tưởng thành lập trung tâm nghệ thuật tình thương ra đời từ ngày đó. Trung tâm đầu tiên ra đời tại thành phố Hà Nội, lúc đầu chỉ là một câu lạc bộ, sau này phát triển thành trung tâm. Vài năm sau đó, phát triển thêm 2 Trung tâm tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam- quê hương của bà.

Đã có hàng nghìn người được dạy học đàn, hát, sáng tác âm nhạc miễn phí tại các Trung tâm này. Nhiều người trong số đó đã thành danh và nổi tiếng trong giới nghệ sỹ như: Nhạc sỹ khiếm thị Hà Chương, nữ hoàng dancesport Khánh Thy, Nghệ sỹ Giáng Son, ca sỹ Thái Thùy Linh… Nhiều thế hệ trẻ mồ côi, khuyết tật, khiếm thị, có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn (Làng hy vọng), Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng, dù không tham gia học tại Trung tâm nghệ thuật tình thương nhưng vẫn luôn được nghệ sĩ Tường Vy quan tâm, dành tình yêu thương.

Chị Phạm Thị Trầm Yên, mồ côi cả cha lẫn mẹ, xem Nghệ sĩ Tường Vy như mẹ của mình

Chị Phạm Thị Trầm Yên, mồ côi cả cha lẫn mẹ, xem Nghệ sĩ Tường Vy như mẹ của mình

Chị Phạm Thị Trầm Yên mồ côi cả cha lẫn mẹ từng được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn (Làng hy vọng) kể: Những năm còn ở Làng Hy vọng và sau này khi ra học Đại học Sư phạm ở Hà Nội, chị luôn nhận được sự giúp đỡ của mẹ Tường Vy. Lúc đầu mới ra Hà Nội nhập học chị được mẹ Vy cho ở tại Trung tâm nghệ thuật tình thương, sau này khi ra ở nhà trọ, thỉnh thoảng mẹ cho tiền để mua thức ăn: “Mình có thời gian ở với mẹ Tường Vy, ở trung tâm nghệ thuật tình thương. Mình đến với mẹ và về nhà như về nhà mình vậy, tại vì mẹ với mình có tình cảm rất đặc biệt. Cuối tuần mình hay về nhà mẹ ăn cơm”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiển, ở Hà Nội đến viếng đồng nghiệp Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiển, ở Hà Nội đến viếng đồng nghiệp Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy

Nằm cuối đường Huỳnh Văn Hòe, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, nhiều năm qua, Trung tâm Nghệ thuật tình thương trở thành nơi chắp cánh ước mơ, ươm mầm năng khiếu nghệ thuật cho biết bao thế hệ trẻ hoàn cảnh kém may mắn. Đây là một trong 3 trung tâm nghệ thuật tình thương cùng với Hà Nội, tỉnh Quảng Nam do chính nghệ sĩ Tường Vy sáng lập. Mỗi em một hoàn cảnh bất hạnh như mồ côi, nhiễm chất độc da cam, khuyết tật, khiếm thị, tổn thương về tình cảm nhưng đều có chung niềm khát khao với âm nhạc, nghệ thuật.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy và các cháu tại Trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội đến thăm. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy và các cháu tại Trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội đến thăm. Ảnh tư liệu

Những năm cuối đời khi không còn sức khỏe, mọi công việc của các Trung tâm được bà bàn giao cho người con trai duy nhất là nghệ sĩ Trần Hùng. Nghệ sĩ Trần Hùng kể, Trung tâm là tâm huyết của mẹ tôi, bà đã làm việc bằng tất cả trái tim. Sau khi mẹ về hưu, bà dành hết tâm huyết truyền cảm hứng, tạo niềm tin cuộc sống cho biết bao mảnh đời khiếm khuyết. Bà gom góp những đồng lương hưu ít ỏi cùng với sự sẻ chia của bạn bè nghệ sĩ, nhà hảo tâm để bồi dưỡng tâm hồn người bất hạnh bằng tình thương nghệ thuật.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy dạy nhạc cho các cháu hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm nghệ thuật tình thương. Ảnh tư liệu

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy dạy nhạc cho các cháu hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm nghệ thuật tình thương. Ảnh tư liệu

Thấy cây đàn piano cũ cũng nghĩ ngay tới chuyện xin về cho tụi nhỏ. Bà đi đến từng làng mồ côi, từng trường khuyết tật, từng gia đình cựu chiến binh, giáo viên khó khăn tìm những em nhỏ có năng khiếu để gọi vào trường. Mỗi khóa như vậy trên dưới 50 em, có lúc cao điểm tới gần cả trăm em theo học.

Nghệ sĩ Trần Hùng kể, mẹ tôi luôn tâm nguyện và căn dặn phải có gắng duy trì hoạt động trung tâm, để chắp cánh ước mơ yêu nghệ thuật đối với những em hoàn cảnh khó khăn: “Trung tâm có từng giai đoạn, lúc bà vui nhất là tổ chức lớp học cho các cháu đông nhất. Bà có tình thương với các cháu, đi các nơi tuyển chọn tại các trường, các làng trẻ mồ côi, các địa phương đưa các cháu về trung tâm phục hồi tâm hồn cho các cháu hòa nhập cộng đồng. Mỗi lần như vậy, bà vui lắm cho nên được mọi người ủng hộ ”.

Nghệ sĩ Trần Hùng, con trai của Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy

Nghệ sĩ Trần Hùng, con trai của Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy

“Cô gái vót chông” đã đi xa, nhưng tiếng hát trong veo của Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy vẫn vang mãi như tiếng chim rừng đại ngàn Tây Nguyên.

Đình Thiệu/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nsnd-tuong-vy-nguoi-boi-dap-tam-hon-bang-tinh-thuong-nghe-thuat-post1095119.vov