Nơi 'một đời người, bốn đời cây'

Những ngày đầu Xuân, chúng tôi về xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), rồi như 'lạc lối' giữa những vườn cây ăn quả đang độ mơn mởn xanh. Hương hoa bưởi, hồng xiêm, hoa dại ven đường… hòa quện, thoảng đưa làm dịu êm tâm hồn.

Gia đình anh Hoàng Văn Bạo (ở xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) có kinh tế khá giả nhờ trồng cây ăn quả.

Gia đình anh Hoàng Văn Bạo (ở xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) có kinh tế khá giả nhờ trồng cây ăn quả.

Sau ít phút nhận được tin chúng tôi ghé thăm, chị Nguyễn Thị Thu, Trưởng xóm Yên Ngựa, mới từ lưng chừng núi về tới nhà. Chị đon đả mời vào nhà uống trà, nhưng chúng tôi thích ngồi giữa bao la cây trái nên từ chối. Vậy là chủ và khách ngồi quây quần bên hiên nhà như những người bạn. Chị bảo: Xóm Yên Ngựa có 76 hộ thì gần như toàn bộ sống bằng nghề trồng trọt, nên vào xóm các cô mới có cảm giác như lạc giữa rừng cây. Làm nghề gì thì cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Đối với nghề trồng cây ăn quả thì cái khó nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Quả thu hoạch về nếu không có cách bảo quản, không bán được nhanh sẽ bị thối hỏng. Như vậy, bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn vào gần như mất trắng.

Chính vì thế, người dân xóm Yên Ngựa, bao năm qua cứ vẫn loay hoay trong vòng xoáy trồng - chặt. Lúc đầu trồng cây cam canh, hồng xiêm, rồi đến cây nhãn, cây bưởi, cây ổi, nay hơn 90% số hộ lại đầu tư trồng cây na. Cứ như vậy, một đời người chăm chút cho 4-5 đời cây.

Chị Thu cho biết: Không ai muốn như vậy cả, đã trồng cây gì là muốn gắn bó lâu dài, bởi từ khi cây bằng gang tay đến lúc cho thu hoạch ít nhất từ 2-4 năm (tùy vào từng loại cây). Mỗi lần chặt bỏ để thay thế chồng cây mới là rất “xót xa”, nhưng thị trường bão hòa, cam, bưởi thu về chất thành đống, bán rẻ như cho cũng không có người mua nên buộc người dân phải phá bỏ để trồng cây khác… Người và cây dựa vào nhau để vươn lên, để duy trì cuộc sống.

Nói đến đây, chị Thu dừng lời, mắt hướng về những cây nhãn trước vườn nhà, giọng trùng xuống: Gia đình tôi trồng hơn 100 gốc nhãn, 100 gốc bưỡi Diễn… nhưng sắp tới chắc cũng phải phá bỏ để trồng cây na. Vụ vừa qua, cả vườn bưởi thu được hơn 1 triệu đồng; tư thương đến vườn trả có 6 nghìn đồng/kg nhãn… không đủ tiền mua phân bón chăm sóc.

Không chỉ gia đình chị mà hầu hết các gia đình ở xóm Yên Ngựa đều có chung thực trạng như vậy. Nhưng họ không nản lòng, chừng nào còn sức khỏe, có đất đai, họ còn trồng cây trái để đất luôn hồi sinh, với hy vọng một ngày không xa, sẽ có một loại cây ăn quả trụ lại vững bền trên đồng đất Yên Ngựa.

Bởi cũng nhờ trồng cây ăn quả mà số hộ nghèo của xóm giảm dần qua từng năm, đến nay chỉ còn 3 hộ nghèo. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xóm đã được phủ xanh bởi hơn 20ha cây na, và hang chục ha cây ăn quả khác. Giờ, cây na không chỉ mọc ngoài bãi, trong vườn mà đã “leo” lên tận đỉnh núi cao, đang dần thay thế cho cây nhãn, cây cam…

Cây na trồng trên núi đá ở Võ Nhai đã cho ra những trái ngọt với vị thanh mát riêng biệt mà ít vùng đất nào sánh kịp, nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, bán giá khá cao từ 25-30 nghìn đồng/kg. Chúng tôi hy vọng, cây na sẽ thực sự ở lại, gắn bó với người nông dân xóm Yên Ngựa cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Võ Nhai để giúp người dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Trước khi chia tay, chị Thu như chợt nhớ ra, níu tay tôi nói: Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, cả xóm đã có gần 10ha cây na được chăm sóc, thu hai, bảo quản theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/noi-mot-doi-nguoi-bon-doi-cay-af609c8/