Nỗ lực tìm giải pháp 'hạ nhiệt' giá vé máy bay

Chuyện về giá vé máy bay còn 'nóng' hơn thời tiết và hóa đơn tiền điện. Đó là ví von của các đại biểu dự hội thảo 'Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?' do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 17/5.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Vì sao giá vé tăng?

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA), thừa nhận giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15- 20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76%, có chặng chỉ 43% so với quy định.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76-77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của VNA mà là chung cho các hãng hàng không.

Thí dụ với xăng, so với năm 2019, mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của VNA cũng như tất cả các hãng hàng không.

Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200-300 ngày, thậm chí đến 1-1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet cũng cho rằng, giá vé máy bay tăng là do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch Covid-19. Các nhà sản xuất động cơ máy bay yêu cầu các hãng phải đưa tàu bay đi sửa các lỗi, khiến một số tàu bay phải nằm bãi, giảm 15-20% tàu bay.

Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không sụt giảm và nhu cầu của khách hàng chi tiêu cho ngành hàng không giảm cũng là nguyên nhân khiến giá vé tăng.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines (VU) cung cấp thêm thông tin, còn khá nhiều quy định hiện đang "trói" doanh nghiệp. Đơn cử, quy định hiện nay chỉ cho phép mỗi hãng được 30% thuê ướt máy bay bổ sung. VU hiện có 3 máy bay, muốn thuê thêm cũng chỉ được 1 tàu.

Đây là điểm cản khi VU muốn thuê thêm tàu để tăng tải, tăng cung ứng vào giai đoạn cao điểm. Đồng thời, một số cảng hàng không còn hạn chế các chuyến bay đêm, như sân bay Quy Nhơn. Ông Dũng mong muốn, các cơ quan quản lý nhanh chóng giải quyết các bất cập này, gỡ khó cho các hãng hàng không có cơ hội tăng năng lực, hỗ trợ hạ nhiệt giá vé cho người dân và ngành du lịch.

Nói về phí dịch vụ mặt đất cũng ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm vé máy bay, ông Nguyễn Cao Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, hiện nay tổng 4 nhóm giá dịch vụ (dịch vụ hạ cất cánh; dịch vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách; dịch vụ cảng, thuê tại quầy thủ tục, ống lồng, băng chuyền; dịch vụ kỹ thuật mặt đất) mà ACV đang thu khoảng 118.000-120.000 đồng, cộng thêm khoản thu hộ nhà nước thì cũng chưa tới 150.000 đồng/khách. Mức thu này không tăng từ năm 2019 đến nay.

Theo ông Cường, dù phải đầu tư các dự án lớn như: Cảng hàng không Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất… nhưng trong thời gian qua, ACV đã nỗ lực hỗ trợ hãng hàng không. Đơn cử, ACV không thu phí bến đỗ sân đậu, không phạt lãi trả chậm trong 2 năm 2021-2022…

Giải pháp hạ giá vé máy bay

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, để giảm giá vé máy bay, VNA đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại.

Tuy nhiên, về lâu dài, nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không. Từ đó, giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay, tăng tần suất, tăng năng lực vận hành khai thác, giảm giá dịch vụ các khung giờ bay đêm để tăng cường các chuyến bay đêm phục vụ hành khách.

Ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet cũng kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm các loại thuế, phí hiện hành, giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các nguyên liệu thay thế nhằm bảo vệ môi trường và tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thực hiện các chiến lược, chương trình quảng bá du lịch ở tầm quốc gia với sự thống nhất và tận dụng các nguồn lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân nhằm thu hút thêm nhiều hơn nữa du khách quốc tế đến với Việt Nam cũng như người dân Việt Nam ủng hộ du lịch Việt Nam. Các hãng hàng không đã làm nhiều rồi, nhưng cần làm nhiều hơn nữa, kích cầu hơn nữa.

Ngoài ra, theo ông Toán, Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng các kế hoạch truyền thông đồng bộ và nhất quán để người dân và du khách quay trở lại với thói quen lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày, lựa chọn các kênh bán vé chính thức, chủ động theo dõi các thông tin từ hãng hàng không để có được giá vé máy bay hợp lý cũng như hỗ trợ ngành hàng không lên kế hoạch và chủ động hơn trong hoạt động khai thác, đặc biệt là những dịp cao điểm lễ, Tết…

Đây là thông lệ của ngành hàng không quốc tế, của ngành du lịch khi đặt vé sớm sẽ được mua vé rẻ hơn. Khi đặt mua vé, thanh toán ở các kênh chính thống sẽ giảm chi phí trung gian. Hiện, hãng Vietjet cũng đã mở nhiều kênh để bán vé, để khách hàng thanh toán được tiện lợi, dễ dàng hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-ha-nhiet-ve-may-bay-post809831.html