Ninh Bình: Kiến trúc độc đáo đền vua Đinh Tiên Hoàng tại Cố đô Hoa Lư

n thờ vua Đinh Tiên Hoàng là di tích quan trọng nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt thuộc Quần thể danh thắng Tràng An. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng đất Cố đô.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII với lối kiến trúc độc đáo.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII với lối kiến trúc độc đáo.

Đinh Tiên Hoàng Đế (tức Đinh Bộ Lĩnh) sinh năm 924 ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Năm 968 sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Tương truyền khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, nhân dân đã xây dựng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trên nền cung điện xưa để tưởng nhớ hai vị anh hùng đã có công lao to lớn đối với đất nước.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được tọa lạc trên vị trí đắc địa, phía trước có núi Mã Yên làm tiền án, phía sau có dãy núi Phi Vân làm hậu chẩm. Đền được xây dựng theo phong cách đăng đối trên trục thần đạo, bắt đầu từ hồ bán nguyệt và kết thúc ở chính điện. Đền được xây dựng mô phỏng theo lối cung điện, kết cấu kiểu “nội công, ngoại quốc” với trục chính đạo hướng Đông. Đền gồm 3 tòa chính là: Bái đường, Thiêu hương và Chính cung.

Long sàng - Bảo vật quốc gia tại đền vua Đinh Tiên Hoàng.

Long sàng - Bảo vật quốc gia tại đền vua Đinh Tiên Hoàng.

Trước gian giữa của Bái đường ngay trên sân rồng là sập Long sàng được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2017, làm từ đá xanh nguyên khối kết hợp với nghệ thuật chạm khắc vô cùng tinh tế với những đường nét, hoa văn vô cùng đặc sắc thể hiện sự tài năng và thẩm mỹ cực kỳ cao của các nghệ nhân thời bấy giờ. Mặt Long sàng được chạm khắc họa tiết rồng khá lớn, ngoài biểu tượng cho quyền lực của vương quyền thì rồng còn là linh vật cầu mưa thuận gió hòa - ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.

Các nghệ nhân sử dụng nghệ thuật chạm trổ tinh xảo ở trên cả chất liệu đá và gỗ.

Các nghệ nhân sử dụng nghệ thuật chạm trổ tinh xảo ở trên cả chất liệu đá và gỗ.

Trên các ngưỡng cửa đá và chân tảng đá cổ bồng các nghệ nhân đã sử dụng nghệ thuật chạm lộng, chạm nổi tinh xảo với nhiều đề tài như: “Tứ linh”, “Tứ quý”, “Long hí thủy”, “Long hàm thọ”… Ở đây, người nghệ nhân còn chạm trổ những phong cảnh nổi tiếng của vùng đất Cố đô như: Cầu Đông, cầu Dền, chùa Tháp, đình Ngang… những hình ảnh này đã gợi nhớ về các địa danh nổi tiếng thuộc Kinh đô Hoa Lư. Rồng còn được các nghệ nhân chạm trổ sinh động với kỹ thuật và tay nghề rất cao trên hầu hết các phần gỗ của đền.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo, điêu khắc quý giá từ thế kỷ thứ XVII. Sau nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đền có xuống cấp nhưng đã được chính quyền địa phương duy tu, sửa chữa nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn kiến trúc của đền cũng như những nét chạm trổ, điêu khắc tinh xảo từ thời Hậu Lê.

Anh Tú

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ninh-binh-kien-truc-doc-dao-den-vua-dinh-tien-hoang-tai-co-do-hoa-lu-375665.html