Niềm vui của bố

Năm năm sau ngày mẹ tôi mất, bố tôi cũng về với đất. Tôi nhớ ông chỉ ốm đúng một tuần lễ rồi thanh thản ra đi.

Mẹ tôi mất khi bố tôi bước sang tuổi bảy mươi. Nhà chỉ có hai chị em, chị tôi cùng chồng sang Mỹ định cư, còn tôi thì đang sống và làm việc trên thành phố. Không đành lòng để ông cụ lủi thủi một thân cô quạnh nơi quê nhà cho nên sau khi cúng mẹ trăm ngày tôi đón bố lên sống cùng gia đình tôi. Kể ra như vậy là hơi vội vã, nhưng cũng không còn cách nào khác, bởi đây là ước nguyện của mẹ tôi lúc còn sống và cũng là tâm nguyện của chúng tôi muốn làm tròn chữ hiếu khi bố mẹ đã cao tuổi. Dù tôi biết, với bố phải xa bà con lối xóm, mồ mả tổ tiên và nhất là ngôi nhà nhỏ thân thương với khu vườn rộng rãi, nơi mà ở đây ông cùng mẹ tôi đã gắn bó hơn nửa đời người thì thật là cả một quyết định không hề đơn giản.

Ở phố, nhà tôi tương đối khang trang, ngôi nhà 3 tầng tọa lạc trên mảnh đất hơn 300 m2 rất đẹp và hiện đại, phía trước và bên trái là sân vườn rộng rãi cách ly với đường giao thông, có thể coi đây là một biệt thự nhỏ cũng được. Có được cơ ngơi như vậy quả là mơ ước của nhiều người vốn dĩ có gốc gác từ quê nghèo như chúng tôi.

Âu đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của vợ chồng tôi. Ngày đầu tiên lên đây, bố vui lắm, ông mừng cho vợ chồng tôi có được cơ ngơi vững chãi như thế này, đồng thời cũng dặn dò hai con tôi cố gắng học hành để mai kia thành người có ích góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước, làm rạng danh gia đình, dòng họ.

Biết tính bố luôn yêu thiên nhiên, lại thích có không gian để được động tay động chân, thay vì trồng rau quả như mảnh vườn ở quê, trước ngày bố lên, tôi đã nhờ các bạn thân mua giúp nhiều giống phong lan đẹp, tạo thành một vườn địa đàng trước nhà, hơn trăm chậu với đủ các giống như: vũ nữ, bạch ngọc, quế hương, hồ điệp… Đúng như câu nói “Vua chơi lan, quan chơi huệ”, vườn lan không chỉ giúp cha thư thái hơn ra mà vô tình đã làm cho ngôi nhà của tôi như sang lên rất nhiều.

Thế nhưng cái giống lan vốn không dễ chơi, tôi chỉ thích ngắm hoa chứ còn chăm hoa thì bó tay, hay nói đúng ra là không có thời gian để dày công săn sóc chúng. Còn bố, nhiều năm ở chiến trường, ông quen với những nhánh lan rừng dễ nuôi. Lan càng quý, càng khó sống chứ đừng nói chi là mong chúng ra hoa. Thế là vườn lan của bố vàng vọt, rồi chết dần chết mòn theo năm tháng.

Nhiều lúc thấy bố buồn, nhưng tôi cũng không biết làm gì hơn. Vợ tôi là giảng viên đại học, tôi đang công tác tại cơ quan trên thành phố, hai con đang đi học đại học nội trú chỉ ngày lễ, Tết mới về nhà, thành ra thời gian gia đình nhỏ của tôi dành cho bố rất ít. Nhiều đêm làm việc tới khuya nhìn sang phòng, thấy bố ngồi trầm ngâm, hiếm hoi lắm hai bố con mới có dịp trò chuyện với nhau. Những lúc như vậy, ông thường bảo đang nhớ mẹ tôi, cả cuộc đời bố đi bộ đội, mẹ một mình vất vả nuôi hai con khôn lớn, giờ đây mẹ lại bỏ bố ra đi. Với bố, khi chứng kiến mẹ ra đi chẳng khác nào đời ông phải chết hai lần.

Thời gian trôi, sau ngày giỗ đầu của mẹ tôi không lâu, tôi nghe bà con khu phố kháo nhau về việc bố có “tình cảm” mới, đó là một người phụ nữ buôn đồng nát đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Bà ở quê lên, không chồng không con, thỉnh thoảng đạp xe qua khu phố tôi thu mua phế liệu.

Nhà tôi thỉnh thoảng cũng có ít vỏ đồ hộp hay vài lon bia, lon nước ngọt từ những cuộc bù khú của tôi cùng đám bạn bè tại gia. Bố tôi nhặt những thứ đó cất đi, đợi lúc nào bà nhôm nhựa đi ngang thì mang ra cho, thậm chí người ta bảo có bữa không có thứ gì để mang ra thì bố cũng đứng trước nhà và nói chuyện với bà thu mua nhôm nhựa rất lâu. Thực hư thế nào tôi không rõ lắm, nhưng chuyện đó ít nhiều làm tôi khó chịu.

Mẹ tôi mới mất, tôi không muốn bố có người phụ nữ khác, dù đó chỉ là trong tâm tưởng. Hơn nữa, vợ chồng tôi đều là dân trí thức, tôi đường đường là một cán bộ cấp cao, tôi không muốn gia đình mình phải mang điều tiếng như vậy. Tình cờ, một hôm có việc về nhà sớm hơn thường lệ, nhìn thấy bố đang đứng trước sân, bên cạnh có một túi vỏ lon bia và chai nhựa, sẵn có chuyện không vui ở cơ quan, lúc này tôi đã không kìm nén được sự khó chịu trong người và xách luôn túi rác nhôm nhựa vứt ra đường rồi bước thẳng vào nhà. Bố đứng lặng lẽ không nói gì, nhưng kể từ đó tôi không nghe người ta nói chuyện về bố tôi như trước đây nữa. Nhiều lần tôi có điện thoại tâm sự với chị gái, nghe xong chị chỉ cười, có vẻ như cảm thông với bố lắm thì phải.

Năm năm sau ngày mẹ tôi mất, bố tôi cũng về với đất. Ông chỉ ốm đúng một tuần lễ rồi thanh thản ra đi. Trước ngày lâm chung, ông gọi tôi đến và nói với tôi rằng cuộc đời này không ai có thể thay thế được mẹ tôi và bố cũng không có ý định cưu mang người phụ nữ đó, thật ra bố chỉ cần một ai đó để được trò chuyện, những câu chuyện ngắn ngủi, bình dị, mộc mạc nơi thôn quê qua lời người phụ nữ đó chính là hạnh phúc bình dị, nhỏ nhoi mà bố mong ước hằng ngày, ngoài ra không có gì hơn.

Bố khuyên tôi sống phải biết suy nghĩ theo hướng tích cực, cuộc sống không chỉ xoay quanh tiền bạc và danh vọng, thành công và thất bại luôn song hành cùng nhau. Vì vậy cần phải yêu quý, tin tưởng cuộc sống và niềm tin vào chính mình, làm được điều đó để khi khó khăn gian khổ ta vẫn thấy mình tự tin và hạnh phúc. Vì hạnh phúc là do chính bản thân ta tự cảm nhận.

SÔNG CÔN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/niem-vui-cua-bo-380985.html