Những trường hợp nào bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước kể từ ngày 1/7?

Theo Luật Căn cước (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), thẻ Căn cước công dân (CCCD) sẽ đổi tên thành thẻ Căn cước. Vậy những trường hợp nào bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước kể từ thời điểm trên?

Việc đổi tên thẻ Căn cước công dân (CCCD) thành thẻ Căn cước để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới cũng đang sử dụng thẻ Căn cước - Identity Card). Việc thay đổi tên thẻ cũng để bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN).

Không chỉ thay đổi về tên gọi, mẫu thẻ mới được đề xuất nhiều điểm khác biệt so với thẻ CCCD. Theo đó, mục "Quê quán" đổi thành "Nơi đăng ký khai sinh", "Nơi thường trú" đổi thành "Nơi cư trú", đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay. Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thành "Bộ Công an".

Trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải - vốn là những thông tin quen thuộc thể hiện trên Chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD nhiều năm qua.

Theo Bộ Công an, việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhân dạng trên mẫu thẻ mới nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ. Tuy không còn thể hiện trên mặt thẻ nhưng những thông tin này vẫn sẽ được quản lý thông qua bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ (chíp điện tử). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin bằng các phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.

Mã QR trên thẻ căn cước cũng được đề xuất chuyển sang mặt sau, thay vì mặt trước như hiện hành. Thông tin trong mã QR bao gồm: họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số CMND 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).

Một quy định mới quan trọng nữa tại Luật Căn cước so với Luật CCCD, đó là người dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu chứ không bắt buộc). Để triển khai việc này, Bộ Công an đề xuất 2 mẫu thẻ dành cho người từ 6 tuổi trở lên và người từ 0-6 tuổi. Với người từ 6 tuổi trở lên, mẫu thẻ căn cước theo quy chuẩn chung, như đã đề cập ở trên. Với người từ 0-6 tuổi, mặt trước của thẻ căn cước sẽ không có ảnh của người được cấp thẻ.

Thẻ căn cước mới được đề xuất áp dụng cho người từ 6 tuổi trở lên. (Ảnh: Nguồn Bộ Công an)

Việc cấp thẻ Căn cước sẽ thực hiện từ ngày 1/7 và áp dụng với các trường hợp sau: thẻ CCCD hết hạn, công dân đến tuổi cấp lần đầu, người có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước hoặc có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân.

Theo Luật Căn cước, các trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước gồm: công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thẻ CCCD gắn chíp hết hạn sau ngày 1/7 (thời hạn in trên mặt trước, góc dưới cùng bên trái của thẻ) thì phải đổi sang thẻ căn cước.

Luật Căn cước quy định các loại CMND sẽ có giá trị đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời điểm này, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước. Ngoài ra, người dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu) trong một số trường hợp sau:

+ Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu, thông qua người đại diện. Đây là quy định mới tại Luật Căn cước so với Luật CCCD, nhằm mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước.

+ Công dân đã có thẻ CCCD gắn chíp nhưng muốn đổi sang thẻ căn cước.

+ Công dân có thay đổi thông tin về nhân thân, thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính…

Theo Luật Việt Nam

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/nhung-truong-hop-nao-bat-buoc-phai-doi-sang-the-can-cuoc-ke-tu-ngay-17-post1635348.tpo