Những nỗi đau không thể chữa lành

Rất nhiều bà mẹ ở Gaza đối mặt nỗi đau không thể nguôi ngoai khi mất những đứa con họ thương yêu.

Theo đài CNN, hơn 4.800 người đã được sơ tán khỏi Gaza để điều trị y tế. Tuy nhiên, phía Israel đã từ chối 42% yêu cầu sơ tán y tế trong thời gian gần đây. Ngoài ra, việc đóng cửa khẩu Rafah khiến tất cả hoạt động sơ tán y tế cho những người bị bệnh nặng và bị thương bị tạm dừng.

Việc sơ tán chậm trễ ảnh hưởng rất lớn đến bệnh nhân. Dù vậy, sơ tán và điều trị kịp thời cũng chưa chắc chữa lành tất cả vết thương của người dân Gaza.

 Một bà mẹ đang chăm sóc con gái bị thương, tại bệnh viện Hamad (Qatar). Những bà mẹ ở Gaza đối mặt nỗi đau không thể nguôi ngoai. Ảnh: CNN

Một bà mẹ đang chăm sóc con gái bị thương, tại bệnh viện Hamad (Qatar). Những bà mẹ ở Gaza đối mặt nỗi đau không thể nguôi ngoai. Ảnh: CNN

Tại khu Gaza, bệnh viện Hamad ở Doha (thủ đô của Qatar), đằng sau mỗi cánh cửa phòng bệnh là câu chuyện về sự sống sót kỳ diệu, nhưng cùng với đó là nỗi đau khó có thể nguôi ngoai. Tại đây, những bà mẹ bị thương ở Gaza đang được điều trị. Trong số họ, có người đã mất con, có người đối mặt việc suy giảm khả năng chăm sóc các con.

“Tôi đã làm việc trong ngành chỉnh hình được khoảng 21 năm. Loại vết thương, mức độ nghiêm trọng của vết thương, loại mất xương và loại nhiễm trùng mà chúng tôi thấy ở các bệnh nhân ở Gaza đều vượt quá [bất cứ điều gì] mà tôi từng thấy trước đây” – ông Hasan Abuhejleh, bác sĩ tại bệnh viện Hamad ở Gaza, cho biết.

Nỗi đau kéo dài ở Gaza

Vào tháng 10-2023, khi tiếng máy bay không người lái bay qua tòa nhà của cô Raneem Hijazi ở Gaza ngày càng to hơn, cô có cảm giác rằng điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra. Cô Hijazi quyết định ôm chặt đứa con trai 1 tuổi Azzouz vào người. Khi ấy, cô đã mang thai được 8 tháng.

Một cuộc không kích xảy ra, trúng vào nhà cô Hijazi. “Bạn không cảm nhận được đòn tấn công. Khi mở mắt ra, bạn đã thấy mình ở dưới đống đổ nát” – cô nói.

Khi cuộc không kích qua đi, cô bắt đầu đảo mắt tìm Azzouz. Đột nhiên, cô nghe thấy tiếng mẹ chồng hét lên.

“Mẹ chồng tôi tìm thấy Azzouz trên bụng tôi. Bà bế con tôi lên. Cơ thể của Azzouz nằm trong tay mẹ tôi và đầu của Azzouz gục xuống bụng tôi” – cô nhớ lại.

Vào thời điểm đó, cô gần như không cảm nhận được nỗi đau thể xác cô đang trải qua.

“Tôi không nhìn thấy chân mình. Tay tôi gần đứt lìa khỏi cơ thể. Tôi đã đặt cánh tay lên bụng” – cô Hijazi kể.

Cô cho biết khi đến bệnh viện các bác sĩ ban đầu cho rằng cô đã chết. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật để cứu đứa con trong bụng của cô.

“Khi con gái tôi – bé Mariam thở hơi đầu tiên, tôi đã sống lại. Các bác sĩ nói với tôi rằng đó là một phép lạ” – cô nói.

Cô Hijazi kể lại câu chuyện của này bằng giọng yếu ớt khi nằm trên giường bệnh ở Doha. Cánh tay trái của cô bị cắt cụt và cả hai chân đều bị tổn thương nặng, cần phải ghép xương để có thể phục hồi.

“Con gái tôi là người đã cứu tôi. Tôi thậm chí không thể ngẩng đầu lên. Tôi không thể nhìn thấy con bé, chứ đừng nói đến việc chăm sóc con” – cô Hijazi nói. Cô hy vọng một ngày nào đó con gái sẽ tiếp thêm nghị lực cho cô để tiếp tục cuộc sống.

Tuổi của bé Mariam gần bằng với thời gian cuộc xung đột tại Gaza xảy ra. Cô bé đang ở với ông bà tại Ai Cập và có đôi má phúng phính giống như người anh trai quá cố.

Cô Hijazi chứng kiến quá trình Mariam trưởng thành thông qua cuộc gọi video. Cô đã không được ôm con trong hơn 6 tháng qua. Tại Doha, các bác sĩ cho biết nếu có thể phẫu thuật, cô Hijazi có thể đi lại được.

Tuy nhiên, với cô Hijazi, nỗi đau vẫn sẽ còn âm ỉ.

“Cuộc sống đã kết thúc. Không còn niềm vui nào nữa. Tôi nhắm mắt lại và mọi kỷ niệm tràn ngập trong tôi. Tôi nhớ cảnh đến trung tâm mua sắm và tìm loại sữa bột mà tôi dùng cho con trai mình. Tôi không chịu nỗi khi tôi nhìn thấy hình ảnh, video, đồ chơi hoặc quần áo của con” – cô Hijazi nói.

"Tôi không thể chữa khỏi cho trái tim mình"

Cô Shaimaa Al-Ghoul cũng là một trong những bà mẹ bị thương ở Gaza. Cô đã mất chồng và 2 trong số 4 đứa con trong một cuộc không kích ở Rafah vào tháng 2. Cô kể khi cả gia đình cô đang ngủ trong một phòng thì đột nhiên “chiếc giường bị tách làm đôi và tôi ngã xuống tầng trệt”.

“Tôi nghe Hothaifa [đứa con trai 11 tuổi của cô] cầu xin lực lượng cứu hộ đừng bỏ rơi cậu bé. Tôi không nghe thấy tiếng chồng tôi, Jenan hay Mohamed [hai đứa con khác của cô], nên tôi biết họ đã mất” – cô Al-Ghoul nói.

Vào thời điểm đó, cô Al-Ghoul đang mang thai 9 tháng. Cô tin rằng mảnh đạn trúng bụng cô cũng đã ảnh hưởng đứa con chưa chào đời của cô. Cô sinh con trong ngày hôm sau, nhưng không may, đứa bé tử vong khi vừa ra đời.

Về phần Hothaifa, chân của em bị thương đến mức đi lại khó khăn. Từ ngày bị thương, em ít cười đi hẳn.

Hothaifa tại bệnh viện Hamad (Qatar). Mẹ của em là một trong những bà mẹ bị thương ở Gaza, do cuộc không kích của Israel. Nguồn: CNN

Cũng tại bệnh viện Hamad, cô Shahed Alqutati (23 tuổi) bị cắt cụt chân trái do bị thương và chân còn lại được bọc trong một thiết bị cố định. Vào tháng 10-2023, đợt không kích trúng vào căn hộ của cô ở phía bắc Gaza, khiến chồng cô – anh Ali bị văng ra đường. Khi ấy, cô đang mang thai đứa con đầu lòng và được dự sinh vào 2 tháng sau.

Quá sốc, cô mở mắt ra thì thấy chân mình bị thương và máu khắp nơi.

“Chồng tôi ở trước mặt tôi. Anh ấy cũng bị thương. Anh ta bị mất cả hai chân và một bàn tay. Tôi hét lên ‘Ali, Ali’. Anh ấy nghe thấy tôi và anh ấy cũng hét lên ‘Shahed’. Anh ấy nhìn vào cánh tay bị thương và hỏi ‘bàn tay của anh đâu’” – cô Alqutati hỏi.

Cả hai được đưa đến bệnh viện nhưng anh Ali đã không qua khỏi. Cô bị mất tình yêu của đời mình. Con cô cũng chết hai ngày sau khi được sinh ra.

“Một tuần trước chiến tranh, chúng tôi mua mọi thứ cho đứa bé, từng bộ quần áo, từng chiếc áo phông. Chúng tôi rất vui mừng” – cô nhớ lại.

Cô Alquatati sau đó được sơ tán khỏi Gaza.

“Sẽ không có ai cảm nhận được nỗi đau của tôi. Khi có mặt mọi người, tôi mạnh mẽ, vui vẻ, cười đùa. Nhưng khi ở một mình, tôi cảm thấy có gì đó đau đớn ở đây” – cô nói và chỉ vào trái tim mình.

“Tôi không thể chữa khỏi cho trái tim mình” – cô nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-noi-dau-khong-the-chua-lanh-post790674.html