'Những cánh chim không mỏi' trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Đại học Đà Nẵng

Là đại học vùng trọng điểm quốc gia với đội ngũ cán bộ, giảng viên gần 2.600 người (trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt gần 47%), các nhà khoa học, chuyên gia và sinh viên của Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã có nhiều công trình nghiên cứu giàu hàm lượng khoa học và bám sát nhu cầu thực tiễn đời sống.

PGS.TS Nguyễn Tấn Hưng-Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ tiên tiến ĐH Đà Nẵng là một điển hình cán bộ, giảng viên trẻ có nhiều dự án, đề tài mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” do PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng cùng cộng sự chủ trì thực hiện đã được Quỹ Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Vingroup (VinIF) tài trợ, đánh giá, công nhận hoàn thành, có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Điểm nhấn từ kết quả nghiên cứu đã phát triển được Hệ thống thông tin quang thông minh có dung lượng truyền dữ liệu cực lớn (10¹² bit/s) cho mạng Internet tương lai. Kết quả đã được cấp Bằng Bảo hộ sáng chế uy tín patent bởi Cơ quan Sở hữu Trí tuệ (USPTO, The United States Patent and Trademark Office), Hoa Kỳ.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng trao Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học thường niên, khích lệ, nuôi dưỡng ước mơ khoa học.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng trao Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học thường niên, khích lệ, nuôi dưỡng ước mơ khoa học.

Thay vì thực hiện các nghiên cứu “an toàn” (chỉ cần thực hiện để có sản phẩm đầu ra đúng như cam kết thuyết minh), nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Tấn Hưng đã quyết định lựa chọn các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn hơn, chấp nhận rủi ro cao, đúng như nội hàm của hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến ĐH Đà Nẵng nhận Chứng nhận hoàn thành Dự án của Quỹ VinIF.

PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến ĐH Đà Nẵng nhận Chứng nhận hoàn thành Dự án của Quỹ VinIF.

“Một sản phẩm công nghệ để được công nhận Patent bởi USPTO đòi hỏi phải đáp ứng, vượt qua quy định, quy trình phản biện, bảo vệ và chứng thực nghiêm ngặt, có khoa học và pháp lý cao”- PGS.TS Nguyễn Tấn Hưng chia sẻ.

Mới đây, PGS.TS Bùi Quang Bình-giảng viên Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế- ĐH Đà Nẵng vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen vì “đã có nhiều đóng góp vào công tác lập Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Là giảng viên uy tín, có nhiều kinh nghiệm được nhiều địa phương, sở, ngành mời tham gia viết bài, báo cáo tại các hội thảo và phản biện chính sách phát triển, đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực như “cánh chim không mỏi” đóng góp trí tuệ tham gia tích cực trong các hoạt động nghiên cứu, tham vấn và góp ý, phản biện chính sách của PGS.TS Bùi Quang Bình. Đó cũng là vinh dự không chỉ đối với PGS.TS Bùi Quang Bình mà còn là trách nhiệm của trí thức góp phần thể hiện vai trò của Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng nói riêng, ĐH Đà Nẵng nói chung.

PGS.TS. Bùi Quang Bình, Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng tích cực góp ý, xây dựng và tham vấn chính sách cho các địa phương.

PGS.TS. Bùi Quang Bình, Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng tích cực góp ý, xây dựng và tham vấn chính sách cho các địa phương.

PGS.TS Bùi Quang Bình nhìn nhận, người làm khoa học cần dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu, vận dụng cơ sở lý thuyết, đồng thời phải dựa trên yêu cầu thực tiễn, khách quan để lắng nghe, phát hiện và đề xuất giải pháp phù hợp trước yêu cầu mới. Ý kiến đóng góp có ích cho địa phương thì sẽ được ghi nhận, có thêm cơ hội tham gia các đề tài, dự án tiếp theo.

Là một sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, Lê Thọ Minh Hiếu, sinh viên Trường Y-Dược, ĐH Đà Nẵng đã sở hữu hành trang có 2 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (chỉ số Q1) cùng một số bài báo, công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước.

Sinh viên Lê Thọ Minh Hiếu-Trường Y Dược, ĐH Đà Nẵng có các bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.

Sinh viên Lê Thọ Minh Hiếu-Trường Y Dược, ĐH Đà Nẵng có các bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.

Xuất phát từ niềm say mê nghiên cứu khoa học trong màu áo blouse trắng, nhất là góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em, bắt đầu từ năm thứ hai, Hiếu đã có những đề tài đầu tiên cấp trường.

Nhờ các thầy, cô, nhất là các chuyên gia tâm huyết, kinh nghiệm đến từ các bệnh viện là đối tác của ĐH Đà Nẵng tận tình hướng dẫn, từ năm thứ 2 đại học, Hiếu đã gặt hái niềm vui khi đề tài nghiên cứu “Tỷ lệ trầm cảm của sinh viên hậu COVID-19” được vào chung kết Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka năm học 2021-2022.

Đề tài nghiên cứu phân tích tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ của Hiếu từng đạt giải Nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường được công bố quốc tế trên Tạp chí Y khoa với xếp hạng Q1. Đề tài “Tỷ lệ sinh mổ của các bà mẹ và các yếu tố liên quan” đạt Giải Nhất giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học ĐH Đà Nẵng năm học 2022-2023…

Truyền cảm hứng say mê khoa học và đổi mới sáng tạo cho sinh viên.

Truyền cảm hứng say mê khoa học và đổi mới sáng tạo cho sinh viên.

Với những nỗ lực bền bỉ, Lê Thọ Minh Hiếu được ĐH Đà Nẵng giới thiệu và là sinh viên duy nhất vinh dự được nhận Học bổng hạng Diamond (100 triệu đồng/suất) của Chương trình Phát triển Nhân tài Việt Nam năm học 2023-2024...

Sự nỗ lực không mệt mỏi của nhiều giảng viên, sinh viên trong nghiên cứu khoa học đã góp phần giúp ĐH Đà Nẵng ngày càng khẳng định rõ nét vai trò, vị thế là địa chỉ đào tạo tin cậy nguồn nhân lực chất lượng cao, là điểm hội tụ, lan tỏa, truyền cảm hứng say mê khoa học và đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và cộng đồng.

Thành An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/nhung-canh-chim-khong-moi-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-va-doi-moi-sang-tao-tai-dai-hoc-da-nang-i731281/