Nhói lòng tai nạn lao động

Vừa mới bước vào Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động không lâu mà đã xảy ra những vụ tai nạn lao động khủng khiếp.

Hiện trường vụ tai nạn nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (Đồng Nai)

Đầu tiên là vụ tai nạn xảy ra lúc hơn 8 giờ sáng 1/5 tại khu vực nồi hơi, xưởng bán thành phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (Đồng Nai) làm 6 người chết, 5 người bị thương.

Tiếp đó, khoảng 15 giờ ngày 6/5, một vụ sập lán trại do lũ quét xảy ra tại khu vực công trường thi công Dự án Đường dây 500kV mạch 3 qua tỉnh Hà Tĩnh, khiến 3 công nhân Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4 tử vong, 4 người bị thương.

Dù xảy ra ở các địa phương khác nhau nhưng khi nghe những thông tin này, ai cũng thấy rợn người, xót xa. Vừa thương cho những nạn nhân xấu số, chúng ta vừa lo lắng cho vấn đề an toàn lao động. Không phải đâu xa, ngay ở Hải Dương cũng từng xảy ra những vụ việc đau lòng. Như vụ cháy nổ xảy ra ngày 7/5/2018 tại Nhà máy thép Hòa Phát thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát (Kinh Môn) khiến 4 công nhân bị bỏng nặng, sau đó 3 người đã tử vong.

Hay gần đây là vụ công nhân Ngô Duy M. (45 tuổi, trú tại xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) bị ngã từ trên giàn thi công cầu Hợp Thanh 2 qua sông Thái Bình thuộc địa phận xã Thanh Quang (Thanh Hà) sáng 21/2/2024. Khoảng 2 giờ sau, lực lượng cứu hộ cứu nạn mới tìm thấy thi thể nạn nhân.

Rồi vụ 2 người tử vong tại chỗ khi đang sửa máy gặt ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) hồi tháng 10/2023. Trong quá trình sửa máy, hệ thống dẫn dầu thủy lực bị vỡ khiến guồng gạt đè lên người...

Điểm lại những vụ việc đau lòng ấy để thấy tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở mọi loại hình lao động, xảy ra với bất cứ ai nếu chúng ta sơ sểnh. Ở nhiều làng nghề hay những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong tỉnh, vấn đề an toàn lao động chưa được chú trọng. Xem clip “Tai nạn lao động rình rập ở làng mộc Đông Giao” mới đây trên Báo Hải Dương điện tử mà tôi thấy lo thay cho những người lao động. Làm việc với máy cắt, cưa, đục, chỉ cần sơ sểnh là xảy ra tai nạn nhưng những lao động ở làng mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) lại hầu như không trang bị đồ bảo hộ lao động.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy năm 2023, toàn quốc xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ gây chết người với 699 người chết.

Còn tại Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 145 vụ tai nạn lao động làm 156 người bị nạn, giảm 6,5% số vụ tai nạn và 6,4% số người bị tai nạn lao động so với năm trước đó.

Tổng hợp, phân tích từ các vụ tai nạn lao động chết người trong nhiều năm qua, tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá: Tần suất thanh tra đang rất thấp, tần suất kiểm tra cũng hạn chế, thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Cách thức thanh tra, kiểm tra về an toàn vẫn tương đối cũ, mô phỏng, dẫn đến kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn.

Để thực hiện tốt khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù” thì các đơn vị sử dụng lao động, nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra thi công công trình; đồng thời có biển cảnh báo để người dân dễ dàng nhận biết…

Quan trọng nhất, chính mỗi người lao động phải hình thành, xây dựng ý thức an toàn cho mình. Yêu cầu được trang bị bảo hộ, làm việc trong điều kiện an toàn là những đòi hỏi chính đáng của người lao động.

KIM THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhoi-long-tai-nan-lao-dong-381171.html