Nhờ cơ chế đặc thù, Đà Nẵng sẽ bật lên 'như chiếc lò xo'

Đà Nẵng Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn khẳng định: 'Nếu có cơ chế, chính sách đặc thù thì Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và bền vững'.

Với mục tiêu “tạo động lực phát triển mới cho Đà Nẵng giai đoạn tới”, dự kiến trong kì họp Quốc hội thứ 7, khóa XV lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua “Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”.

Đà Nẵng phải trở thành chỗ tiêu tiền, thiên đường vui chơi, giải trí

Theo định vị của ông Trần Thanh Mẫn, với định vị là một thành phố biển trung tâm miền Trung, một thành phố du lịch, Đà Nẵng mong các tỉnh xung quanh làm ra tiền để Đà Nẵng phải biến thành chỗ tiêu tiền, là thiên đường ăn uống, thiên đường vui chơi, giải trí, thiên đường mua sắm cho các tỉnh miền Trung, cho khách du lịch quốc tế đến tiêu tiền.

Đà Nẵng hướng tới trở thành thiên đường giải trí, mua sắm cho du khách.

Đà Nẵng hướng tới trở thành thiên đường giải trí, mua sắm cho du khách.

Để kích hoạt những thế mạnh, nội lực tiềm ẩn cho giai đoạn phát triển mới, Đà Nẵng cần được “tiếp sức” bởi cơ chế, chính sách mang tính đột phá. Vì vậy, trên cơ sở đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết đang áp dụng cho Đà Nẵng, Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết mới, với 30 chính sách cụ thể đề nghị thí điểm, gồm 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (khu thương mại tự do…).

Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, cần chú trọng các chính sách để Đà Nẵng phát huy tính đặc thù riêng biệt. Đầu tư phát triển Đà Nẵng thành cảng biển đô thị quốc tế, tâm điểm kết nối của miền Trung. Tương lai của Đà Nẵng là phát triển dịch vụ để nâng mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao đời sống nhân dân. Các lĩnh vực thế mạnh như du lịch cần được đầu tư…

Đà Nẵng vừa công bố kế hoạch phát triển các dự án ven sông Hàn.

Đà Nẵng vừa công bố kế hoạch phát triển các dự án ven sông Hàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh thì khẳng định, có cơ chế, chính sách đột phá đặc biệt, đặc thù thì sẽ giúp khơi thông nguồn lực để Đà Nẵng phát triển.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng gọi đây là cơ hội để Đà Nẵng có thể bứt phá lên “và nó sẽ như một lò xo bật ra và chắc chắn Đà Nẵng sẽ phát triển rất tốt”. Ông Dũng dẫn chứng về tầm quan trọng của cơ chế đặc thù, ví như câu chuyện thủ tục 1 cửa mà nếu không làm nhanh, làm mạnh thì không thể cạnh tranh được với các nước trong thu hút đầu tư. Có những nước, để xây dựng nhà máy ô tô Tesla, mọi công đoạn từ lúc khởi công tới khi khánh thành chỉ vỏn vẹn làm trong… 11 tháng.

Đà Nẵng là đô thị “đáng đầu tư”

“Khởi thông nguồn lực đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng” cũng là nhiệm vụ mà lãnh đạo Thành phố đáng sống hàng đầu Việt Nam xem là mục tiêu của năm 2024, như chia sẻ của Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh với báo giới thời gian gần đây.

Về đầu tư, trong quý 1-2024, thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy phép xây dựng cho 14 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, dự kiến trong quý 2-2024 cấp phép cho nhiều dự án khác với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; nhiều dự án đã được điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, pháp lý..

Nhiều mục tiêu cụ thể đã được thành phố quyết liệt triển khai, như hiện thực hóa đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông, tỷ lệ 1/2000, nhằm “thay áo mới”, tái thiết khu vực hai bên bờ sông Hàn, tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho khu vực trung tâm đô thị biển Đà Nẵng. Các dự án trọng điểm, dự án tồn đọng cũng sẽ được thành phố tháo gỡ dần nút thắt...

Cầu Vàng (Ba Na Hills) - biểu tượng của du lịch Đà Nẵng.

Cầu Vàng (Ba Na Hills) - biểu tượng của du lịch Đà Nẵng.

Về du lịch, là nơi hiếm hoi sở hữu đồng bộ hạ tầng giao thông: “không-thủy-bộ-sắt”, mỗi năm Đà Nẵng đón gần 8 triệu lượt khách trong và ngoài nước ghé thăm, tham gia các lễ hội pháo hoa thường niên, trải nghiệm những tổ hợp, công trình du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế như: Sun World Ba Na Hills, Cầu Vàng, khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort…. Ở khía cạnh “đáng sống”, hiện nay Đà Nẵng có hàng chục nghìn người nước ngoài sinh sống, riêng Hàn Quốc là hơn 11.000 người. Kỳ vọng khi những cơ chế, chính sách đặc thù được thông qua, Đà Nẵng sẽ được kích hoạt nội lực, phát triển bền vững, thu hút người tài, người giàu đến định cư lâu dài.

Bởi nói như Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành: “Bản thân Đà Nẵng đã có những tiềm năng, hữu xạ tự nhiên hương. Người ta quan tâm đến Đà Nẵng vì thấy đây là nơi có thể kinh doanh tốt, đầu tư tốt. Nhìn vào quy hoạch chung của Đà Nẵng, có thể thấy dư địa phát triển cực lớn, do đó sẽ có vô số cơ hội đầu tư, kinh doanh và việc làm ở thành phố biển này. Do đó, Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để trở thành một đô thị đáng đầu tư”.

P.V

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nho-co-che-dac-thu-da-nang-se-bat-len-nhu-chiec-lo-xo-88109.html