Nhiều giải pháp bảo vệ đê điều, ứng phó thiên tai

Tại hội nghị tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) diễn ra ngày 10/4, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTT năm 2024 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Báo Bắc Giang trích đăng một số ý kiến.

Đại tá Vương Đình Vũ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh:

Sẵn sàng phương án xử lý tình huống

 Đại tá Vương Đình Vũ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.

Đại tá Vương Đình Vũ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.

Năm 2024, dự báo tình hình thời tiết biến đổi bất thường và phức tạp hơn so với năm trước. Bởi vậy, Bộ CHQS tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nội dung của Luật PCTT; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Quân khu và UBND tỉnh về công tác này. Bộ CHQS tỉnh duy trì nghiêm túc chế độ trực, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý tình huống; chủ động phối hợp với các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tổ chức trinh sát thực địa, xác định các vị trí xung yếu, xây dựng kế hoạch hiệp đồng về PCTT&TKCN.

Đầu tháng 4 này, Bộ CHQS tỉnh ký kết biên bản hiệp đồng về lực lượng, phương tiện, nhiệm vụ cụ thể với các đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng, Quân khu 1 đóng trên địa bàn; dự kiến các tình huống thiên tai để sẵn sàng xử lý. Đơn vị tham mưu với Ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh chỉ đạo huyện Lạng Giang làm tốt công tác chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với Sư đoàn 3 tổ chức diễn tập PCTT&TKCN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chỉ đạo các huyện, thị xã, TP tổ chức diễn tập ở cấp xã theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Như Long, Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh:

Chống ngập úng trong các khu công nghiệp

 Ông Nguyễn Như Long, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh.

Ông Nguyễn Như Long, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh.

Trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh hiện có hơn 500 dự án đang triển khai. Các KCN đã được xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và kết nối với hệ thống thoát nước chảy đến các trạm bơm tiêu. Tuy nhiên, thực tế vào mùa mưa bão, tại một số điểm trong KCN vẫn xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN), Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng phương án tiêu thoát nước cụ thể, chi tiết. Đồng thời, đánh giá tổng thể hiện trạng hệ thống tiêu thoát trong KCN và các cửa xả đấu nối vào hệ thống kênh tiêu thủy lợi bên ngoài để kịp thời cải tạo, nâng cấp. Các DN thứ cấp kiểm tra toàn bộ mái nhà xưởng, vị trí xung yếu của máng thoát nước; cải tạo, nâng cấp hệ thống đường ống, rãnh thoát nước, hố ga nhằm tránh ách tắc cục bộ; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, có giải pháp xử lý khi xảy ra ngập úng.

Đề nghị chính quyền địa phương có KCN phối hợp với các công ty thủy nông xử lý vi phạm về xây dựng trên kênh tiêu; tuyên truyền để người dân không xả rác thải xuống lòng kênh; thường xuyên vớt bèo, rác, bảo đảm thoát nước. Các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa các tổ máy bơm và cải tạo, nạo vét mở rộng hoàn thiện mặt cắt kênh và công trình trên kênh tiêu chính.

Trước thực tế KCN Quang Châu hay bị ngập úng vào mùa mưa bão, Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm rà soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp kênh tiêu T1, TQ2 và cống Trung Đồng trên kênh tiêu T1 thuộc địa phận phường Quang Châu, thị xã Việt Yên.

Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa:

Lãnh đạo xã cam kết bảo đảm an toàn các tuyến đê

 Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa.

Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa.

Huyện Hiệp Hòa có 39,6 km đê cấp III đi qua địa bàn 11 xã. Đê chạy qua nhiều khu dân cư, làng cổ nên có nhiều công trình vi phạm trong hành lang bảo vệ đê. Những công trình này làm cản trở dòng chảy vào mùa mưa bão, nguy cơ ảnh hưởng đến các tuyến đê.

Xác định PCTT&TKCN là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm, trước mùa mưa bão, huyện tổ chức ký cam kết với các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, thị trấn về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đê điều. Trong đó, yêu cầu các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các xã đi kiểm tra thực tế về đất đai, đê điều ít nhất 1 lần/tuần, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ dân tháo dỡ công trình xây dựng trong hành lang đê; kịp thời xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê. Kết quả, từ năm 2020 đến hết tháng 3/2024, toàn huyện đã xử lý, giải tỏa hơn 600 trường hợp vi phạm hành lang đê điều.

Thời gian tới, huyện đề nghị Cục PCTT và quản lý đê điều (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tăng cường tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về PCTT, giải tỏa công trình, nhà cửa trong hành lang bảo vệ đê. Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm tu bổ một số đoạn đê đã xuống cấp nghiêm trọng thuộc xã Hòa Sơn; sớm tổ chức thi công gia cố mặt đê thuộc xã Mai Trung, xã Đông Lỗ.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chu-dong-cac-giai-phap-bao-ve-de-dieu-ung-pho-voi-thien-tai-133041.bbg