Nhật Bản phải đối mặt với tình thế khó khăn khi đồng yên giảm giá

Các nhà phân tích ước tính Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chi gần 59 tỷ USD để bảo vệ đồng yên trong tuần này, giúp đưa đồng yên đạt hiệu suất hàng tuần tốt nhất trong hơn một năm.

Đồng yên đã tăng 5% so với mức thấp nhất trong 34 năm là 160,245 ghi nhận vào ngày 29/4, nhưng BOJ vẫn chưa xác nhận rằng cơ quan này đã thực hiện động thái can thiệp.

Tuy nhiên, đà tăng giá của đồng yên trong tuần này không hề mang tính tuyến tính trong bối cảnh đồng tiền này đang có xu hướng giảm giá rõ rệt, do có khoảng cách lớn giữa lợi suất cực thấp của đồng yên và lợi suất ở các nền kinh tế lớn khác.

Trước đó, chính quyền Nhật Bản đã can thiệp lần gần nhất từ tháng 9 đến tháng 10/2022 và cũng đã chi khoảng 60 tỷ USD để bảo vệ đồng tiền. Lúc đó đồng yên ở mức gần 152 yên mỗi đô la, nhưng trong vòng hai tháng kể từ lần can thiệp này, đồng yên lại trượt dốc.

Lịch sử hỗ trợ đồng yên của Nhật Bản

Kaspar Hense, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại BlueBay Asset Management cho biết: “Do chênh lệch lãi suất lớn, các nhà đầu cơ sẽ gặp rủi ro ở các giao dịch này”. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm là gần 4 điểm phần trăm.

Ben Bennett, chiến lược gia đầu tư châu Á-Thái Bình Dương tại Legal and General Investment Management cho biết, Bộ Tài chính Nhật Bản (MOF) nhận thức rõ ràng về việc các chính sách tiền tệ được áp dụng như thế nào so với đồng yên và chỉ hành động để kiềm chế tốc độ mất giá của đồng tiền.

Ngay cả sau khi BOJ đạt được cột mốc xóa bỏ lãi suất âm vào tháng 3, đồng yên vẫn là đồng tiền lớn rẻ nhất để vay và bán khống.

Các nhà phân tích cho rằng điều đó làm phức tạp thêm các dự báo về đồng yên, nhưng có vẻ như mức 160 là mức mà BOJ muốn bảo vệ.

Hirofumi Suzuki, chiến lược gia tiền tệ trưởng tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui cho rằng, các nhà chức trách Nhật Bản nhận thấy sự sụt giảm sau cuộc họp tháng 3 của họ là "mang tính đầu cơ và không thể chấp nhận được" và có thể đang nhắm đến việc đưa đồng yên trở lại mức 155 mỗi đô la.

Yujiro Goto, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ Nhật Bản tại Nomura cho rằng, các nhà chức trách chỉ muốn giúp các nhà nhập khẩu có được số đô la họ cần.

"Tôi nghĩ mức 150 là lý tưởng cho các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Tôi nghĩ quanh mức 152–152,5 có lẽ là mức MOF muốn có, nhưng nó đã không đạt đến mức đó, vì vậy có nguy cơ MOF có thể quay trở lại can thiệp trong một đợt khác”, ông cho biết.

Các nhà đầu cơ cũng nhận ra kho dự trữ ngoại hối của chính phủ là có hạn. Nhật Bản có khoảng 1.300 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhưng chỉ có khoảng 155 tỷ USD tiền gửi bằng USD là có thanh khoản.

Mặt khác, kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang giảm dần khi nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ, trong khi vị thế bán đồng yên đầu cơ đã ghi nhận mức lớn nhất trong 17 năm.

Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC cho biết, Nhật Bản chỉ đang cố gắng chấm dứt tình trạng đầu cơ bất cân xứng một chiều, thay vì bảo vệ bất kỳ mức giá đồng yên nào.

“Với thực tế lãi suất ở Mỹ cao hơn trong thời gian dài hơn, đây là một hoạt động quản lý kỳ vọng. Đây không phải là một hoạt động nhất thiết khiến đồng yên tăng giá nhanh chóng”, ông cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhat-ban-phai-doi-mat-voi-tinh-the-kho-khan-khi-dong-yen-giam-gia-post344534.html