Nhân ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5): Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai

Tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kĩ thuật Việt Nam diễn ra ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục tiêu, sứ mệnh cao cả của khoa học và công nghệ (KH&CN): 'Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi'... Phát biểu của Người đã trở thành kim chỉ nam cho KH&CN Việt Nam trong suốt chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ứng dụng khoa học và công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức.

Ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN (sửa đổi) năm 2013 với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ, trong đó Điều 7 quy định lấy “Ngày 18/5 hằng năm là ngày KH&CN Việt Nam”. Đây là ngày hội quan trọng của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, của các doanh nghiệp có tinh thần đổi mới sáng tạo (ĐMST); là điểm hẹn để cộng đồng KH&CN cả nước tổ chức các sự kiện có ý nghĩa thiết thực, vừa để ghi nhận những nỗ lực, thành công của ngành KH&CN đóng góp cho kho tàng tri thức cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa để thảo luận, định hướng các mục tiêu của ngành KH&CN nói riêng, của đất nước nói chung.

Với chủ đề năm 2024 “KHCN&ĐMST - Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai; “KHCN&ĐMST - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”, ngày KH&CN được tổ chức nhằm biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ KH&CN; tuyên truyền, phổ biến các thành tựu KH&CN, kết quả hoạt động ĐMST nâng cao vai trò, vị thế của KH&CN. Bên cạnh đó, thu hút các cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tích cực tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam; khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.

Xác định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm đến phát triển KHCN&ĐMST. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá đó là “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025”. Đặc biệt, để phát huy vai trò của KHCN&ĐMST, ngày 25/11/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5060/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển KHCN&ĐMST tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Với quan điểm, hoạt động KHCN&ĐMST phải được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, trong đó các tổ chức doanh nghiệp, HTX là trung tâm ĐMST, tổ chức KH&CN là chủ thể nghiên cứu chủ yếu. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển KHCN&ĐMST. Tập trung đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN&ĐMST; khai thác tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST đáp ứng với yêu cầu kỷ nguyên số. Cũng theo đề án, đến năm 2025 việc ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, hiện đại, các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0 để tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN, như hỗ trợ chuyển đổi số cho các nhà máy sản xuất quy mô lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp theo hướng nhà máy thông minh (smart factory). Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh triển khai phần mềm quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn và tích hợp thông tin vào mã QR phục vụ truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ xây dựng bệnh viện thông minh; hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến cơ sở xây dựng hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng... Trên cơ sở đó, các cấp, ngành cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch; trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Nhờ đó, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực. Điển hình như, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, các địa phương trong tỉnh đã hình thành hệ sinh thái KHCN&ĐMST với hệ thống các viện, trường, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp. Cùng với đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được đầu tư chuyên sâu hơn. Trong các lĩnh vực y tế, lĩnh vực công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học xã hội và nhân văn và bảo vệ môi trường; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và khởi nghiệp ĐMST của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động thông tin KHCN và công tác ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Tích cực triển khai tạo lập quản lý và quảng bá nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh và hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu...

Cùng với đó, hệ thống tổ chức KHCN công lập được sắp xếp, kiện toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, nhất là các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng thuộc ngành nông nghiệp. Nhân lực KHCN tăng cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh hiện có trên 3.100 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, tăng 8% so với năm 2015; có 32 doanh nghiệp KHCN, đứng thứ 3 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyển giao KHCN phục vụ công tác tư vấn, đánh giá, phát triển thị trường công nghệ; tổ chức đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả nghiên cứu KHCN không sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm KHCN tự nghiên cứu; hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN tham gia chợ công nghệ và thiết bị (TechMart), ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest), trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo); tiếp cận Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia...

Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa Trần Duy Bình cho biết: Để từng bước đưa KH&CN thực sự trở thành một khâu đột phá cho phát triển, thời gian tới các cấp, ngành cần chung tay, chung sức quan tâm đúng mức đến việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về KH&CN đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy, phát triển KHCN&ĐMST trong tình hình mới; cần có sự tập trung vào đầu tư nghiên cứu ứng dụng và phát triển, khuyến khích hợp tác và sáng tạo; đổi mới và áp dụng công nghệ mới và đảm bảo có nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ thích hợp đối với từng loại hình tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới công nghệ, thiết bị; phát triển sản phẩm mới; tiếp thu, ứng dụng các thành tựu KH&CN, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhan-ngay-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-18-5-nbsp-khoi-day-khat-vong-kien-tao-tuong-lai-214385.htm