Nhận diện và đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái, thù địch về xây dựng ý thức xã hội mới ở Việt Nam hiện nay

Ý thức xã hội mới mà chúng ta đang xây dựng là ý thức xã hội chủ nghĩa mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; ý thức xã hội mới phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân lao động và của cả dân tộc, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, nham hiểm, tấn công trên nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là lĩnh vực tư tưởng, lý luận, nhằm xóa bỏ vai trò nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP tỉnh Đăk Nông tọa đàm, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị, qua đó xây dựng người quân nhân có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao trong thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: Hồng Thắm

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP tỉnh Đăk Nông tọa đàm, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị, qua đó xây dựng người quân nhân có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao trong thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: Hồng Thắm

Thông qua các diễn đàn trên các trang mạng xã hội và các sự kiện của quốc tế, khu vực và trong nước, chúng đưa tin, phân tích, bình luận dẫn lái dư luận, chúng cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những điều kiện kinh tế - xã hội của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nên đến nay đã lỗi thời, lạc hậu. Sự thoái trào của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ XX là cái cớ để chúng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa C.Mác; chúng cho rằng chủ nghĩa C.Mác là sản phẩm của nền công nghiệp phương Tây, không phù hợp với văn hóa phương Đông và Việt Nam.

Lợi dụng những sự kiện chính trị của đất nước, những vụ án tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên trong thời gian vừa qua; tính chất phức tạp của ý thức xã hội trong thời kỳ quá độ hiện nay; sự đan xen, cùng tồn tại giữa ý thức xã hội cũ và ý thức xã hội mới mà chúng ta đang xây dựng..., các thế lực thù địch đã phủ nhận toàn bộ thành quả to lớn chúng ta đạt được trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Chúng còn đưa ra nhiều luận điệu sai trái hòng xuyên tạc, phủ nhận bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng xuyên tạc chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng hiện nay, chúng cho rằng đó là là duy tâm chủ quan, trống rỗng, phi thực tế, phản khoa học[1]...

Từ những nhận định trên đây, chúng ta có thể thấy rõ âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hiện nay là xuyên tạc, phủ nhận sự tồn tại và bản chất tốt đẹp của ý thức xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những luận điệu đó không chỉ phủ nhận tính khoa học, cách mạng của nền tảng tư tưởng xã hội mà nguy hiểm hơn là sự dẫn dắt định hướng dư luận xã hội, gây hoang mang, mất phương hướng trong cộng đồng, các tầng lớp dân cư, gây mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xây dựng ý thức xã hội mới hiện nay.

Một số giải pháp trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về xây dựng ý thức xã hội mới ở Việt Nam hiện nay

Nhận diện những quan điểm sai trái của các thế lực thù định, phản động về công cuộc xây dựng ý thức xã hội mới hiện nay; đấu tranh, phản bác lại những quan điểm này một cách hiệu quả chúng ta cần thực hiện một số nội dung, biện pháp cơ bản sau đây:

Một là, xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam hiện nay cần gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng con người mới Việt Nam với đầy đủ những phẩm chất, đạo đức mới và ý thức thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Lý luận nhận thức của triết học Mác - Lênin chỉ rõ, để nhận biết nhận thức, tư duy, lý luận cũng như các quan điểm của con người là đúng hay sai, phản ánh đúng hiện thực khách quan hay duy tâm chủ quan cần dựa vào thực tiễn - đó là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để kiểm tra chân lý. Bởi lẽ, chỉ có thực tiễn mới có thể vật chất hóa được tri thức, hiện thực hóa được tư tưởng, qua đó có thể chứng minh, kiểm nghiệm được nhận thức, chỉ dẫn đó là đúng đắn hay sai lầm. Những nhận định cũng như các chỉ dẫn lý luận hay những định hướng trong các văn kiện của Đảng hoàn toàn có thể nhận biết được tính đúng đắn, khoa học thông qua việc áp dụng vào quá trình cải biến xã hội.

Hai là, tấn công trực diện nhằm phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cần có những bài viết đấu tranh trực tiếp, tấn công trực diện với những dẫn chứng sinh động, các luận điểm đanh thép, cách tiếp cận thuyết phục để phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội XIII khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[2].

Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường cung cấp thông tin chính thức một cách kịp thời, hiệu quả, qua đó hạn chế tác động tiêu cực của những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.

Thực tiễn đặt ra, việc phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng đời sống ấm no cho người dân là một quá trình lâu dài, là mục tiêu trung tâm trong tiến trình cách mạng. Dù đạt được những thành tựu to lớn, song quá trình đổi mới đất nước còn một số bất cập, hạn chế. Vì vậy, cần nắm chắc tình hình tư tưởng, xử lý thông tin, định hướng dư luận kịp thời, tránh để các đối tượng cơ hội, thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá. Cần tận dụng triệt để mạng xã hội, đa dạng hóa hình thức giáo dục, tuyên truyền, động viên, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, các nhân tố tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bốn là, áp dụng các biện pháp pháp lý trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, xây dựng ý thức xã hội mới.

Cần thể chế hóa các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đẩy mạnh thực hiện Luật An ninh mạng là những căn cứ pháp lý quan trọng để phòng ngừa, đấu tranh với các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải các thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội.

Tóm lại, vấn đề xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam là một quá trình lâu dài, vừa “xây” vừa “chống”, trong đó, nhận diện và giải pháp đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái, thù địch về xây dựng ý thức xã hội mới ở Việt Nam hiện nay là một trong những vấn đề cơ bản, là nội dung không thể thiếu để xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, cần phát huy tính tích cực, chủ động của các chủ thể mà hạt nhân là Đảng, Nhà nước, cấp ủy các cấp, đồng thời không thể thiếu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”[3]. Vì vậy, việc nhận diện và giải pháp đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái, thù địch về xây dựng ý thức xã hội mới ở Việt Nam hiện nay cần phải tiếp tục được bổ sung trong tình hình của Việt Nam hiện nay.

Thiếu tá, ThS Lê Khắc Sơn, Khoa Triết học Mác - Lênin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

[1] Phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, lyluanchinhtrivatruyenthong.vn.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 181.

[3] Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, Báo Quân đội nhân dân, ngày 30/12/2019, tr.1.

-----------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, Báo Quân đội nhân dân, ngày 30/12/2019.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng: Tư tưởng, lý luận với đổi mới và phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhan-dien-va-dau-tranh-phong-chong-nhung-quan-diem-sai-trai-thu-dich-ve-xay-dung-y-thuc-xa-hoi-moi-o-viet-nam-hien-nay-post475842.html