Người Mỹ phản ứng thế nào khi TikTok bị cấm?

'Hậu quả tệ nhất không phải là TikTok bị cấm, mà là công chúng mất niềm tin vào nước Mỹ', một TikToker nói trong video phản đối lệnh cấm.

Những người ủng hộ TikTok đã tập trung trước Điện Capitol để phản đối dự luật buộc TikTok bán mình, hoặc bị cấm. Ảnh: New York Times.

Khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu vào hôm 24/4 về luật cấm TikTok, hàng loạt người dân nước này ngay lập tức bày tỏ sự phản đối dữ dội trên nền tảng.

Cụ thể, dự luật cấm TikTok, cùng với gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD đã được Tổng thống Joe Biden lý thành luật với tỷ lệ bỏ phiếu 79-18. Dự luật buộc chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok, ByteDance, phải bán ứng dụng này cho một tổ chức ở Mỹ trong vòng 12 tháng. Nếu không, nền tảng sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ở thị trường này. Hạ viện đã thông qua dự luật với tỷ lệ bỏ phiếu 360-58.

CEO TikTok Shou Zi Chew nói rằng lệnh cấm sẽ tước nền tảng này khỏi 170 triệu người dùng Mỹ. “Đừng nhầm lẫn, đây là lệnh cấm - lệnh cấm TikTok và lệnh cấm ảnh hưởng đến bạn và tiếng nói của bạn”, ông nói.

Theo MSNBC, TikTok có lượng người dùng khổng lồ và chủ yếu là giới trẻ. Nếu ứng dụng này bị cấm, thật khó để dự đoán họ sẽ phản ứng tiêu cực như thế nào trong thời gian tới.

“Đánh mất cả một cộng đồng”

Rebekah Ciolli (35 tuổi), một "mẹ bỉm sữa" ở bang Indiana, đăng ký tài khoản TikTok vào đầu năm ngoái. Trước đây, cô từng hy vọng lệnh cấm TikTok sẽ thành sự thật vì cô “không cần thêm một ứng dụng mạng xã hội tiêu tốn cuộc sống của mình”.

Người Mỹ lo lắng về việc mất quyền truy cập vào ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: MSNBC.

Nhưng hiện tại, cô dành vài giờ cho ứng dụng này mỗi ngày, tìm kiếm các nội dung như học thêm kiến thức tại nhà và các công thức nấu ăn cho gia đình. Cô còn tìm thấy những người dùng có cùng quan điểm với mình. Đối với cô ấy, mất TikTok đồng nghĩa với việc mất đi một cộng đồng quen thuộc.

“Tôi kết bạn với tất cả những bà mẹ này trên khắp thế giới, mặc dù chưa bao giờ thực sự gặp họ trực tiếp. Tôi chắc chắn sẽ rất buồn nếu mất đi điều đó”, Ciolli nói.

Đối với những người vừa có những trải nghiệm đau buồn, TikTok còn đóng vai trò như một cuốn “nhật ký số”.

Sau khi con gái qua đời vì bệnh ung thư hiếm gặp, Gabrielle Valdez (30 tuổi) đã dùng TikTok để nâng cao nhận thức về bệnh ung thư ở trẻ em và kết nối với những người khác đang trải qua mất mát tương tự.

Valdez cho biết việc phát triển cộng đồng trên TikTok dễ dàng hơn so với các nền tảng khác, nơi cô phải “trả tiền” để “được lắng nghe”. TikTok giúp cô có khả năng tiếp cận rộng khắp và mức độ tương tác tích cực nhờ các các hashtag.

Carson Drain (29 tuổi) dùng TikTok lần đầu vào năm 2022, sau khi mất cả cha lẫn mẹ. “Tôi sẽ mất cả một cộng đồng”, Drain chia sẻ cảm nghĩ về lệnh cấm TikTok. Cô đã tìm thấy một cộng đồng và sự trợ giúp về mặt tinh thần trên TikTok. “TikTok khiến tôi nhận ra rằng mình không đơn độc với nỗi buồn, sự tức giận và trầm cảm”, cô gái nói với Washington Post.

TikTok là “cần câu cơm” của nhiều người

Nhà sáng tạo nội dung Ariana Afshar, còn được gọi là @arianajasmine trên TikTok, thường làm video về tin tức chính trị. Sau khi Hạ viện thông qua luật TikTok, cô ấy đã tự quay phim, ghép phía trước ảnh chụp màn hình CNN đưa tin về dự luật. Cô nói: “Điều này sẽ chỉ làm tổn hại đến niềm tin của mọi người đối với chính phủ”.

Bởi vì hầu hết khán giả của cô là Gen Z và Millennials, Afshar lo lắng rằng việc Hạ viện và Thượng viện thông qua một dự luật như vậy sẽ khiến những người trẻ tuổi ít bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay. "Hiệu ứng cánh bướm sẽ lớn hơn nhiều so với những gì các nhà lập pháp đang dự tính lúc này”, cô nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký thành luật điều khoản buộc ByteDance (công ty mẹ của TikTok) phải thoái vốn khỏi Mỹ. Ảnh: Shutterstock.

Đối với nhiều người sáng tạo nội dung khác, TikTok còn là “cần câu cơm”. Họ xây dựng doanh nghiệp của mình trên TikTok và đây cũng là cách khách hàng biết đến họ. Tình trạng bấp bênh của TikTok đang khiến nhiều người trong số họ lo lắng về sinh kế của mình.

"Nó ảnh hưởng đến mọi thứ, thậm chí ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của chúng tôi", Nadya Okamoto, người sáng lập start-up August, chuyên bán các sản phẩm sức khỏe phụ nữ, cho biết.

"Chúng tôi đã có thể phát triển một cách tự nhiên. Nhưng điều đáng sợ là với tư cách là chủ doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi không biết sự phát triển này sẽ như thế nào trong tương lai”, cô chia sẻ với New York Times.

Okamoto thậm chỉ còn mở một chiến dịch gửi thư đến Tổng thống Biden để phản đối việc thông qua dự luật. Được cập nhật lần cuối vào 22/4, bức thư đã có 47 chữ ký từ những nhà sáng tạo nội dung TikTok.

V Spehar, chủ nhân một tài khoản chuyên tổng hợp và phân tích tin tức @UnderTheDeskNews trên TikTok, đã đăng 10 video trong tuần qua về luật này. Hôm 19/4, Spehar nói với hơn 3 triệu người theo dõi của mình về cuộc bỏ phiếu sắp tới

Anh gọi đây là cách chính phủ lạm dụng "đòn bẩy quyền lực mà họ nắm giữ để thông qua một đạo luật không được công chúng Mỹ ủng hộ”. "Hậu quả tệ nhất không phải là TikTok bị cấm, mà là công chúng mất niềm tin vào nước Mỹ”, người này nhận định.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-my-phan-ung-the-nao-khi-tiktok-bi-cam-post1472709.html