Người mua bảo hiểm nhân thọ nên lưu ý những điều khoản gì trong hợp đồng trước khi đặt bút ký?

Dưới đây là những lưu ý về các điều khoản mà người mua bảo hiểm nhân thọ nên cân nhắc, đọc kỹ và tìm hiểu rõ thông tin với tư vấn viên hoặc các nguồn tin chính thống tham chiếu trên internet trước khi đặt bút ký mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT).

 Nên đặt một số câu hỏi cơ bản để có được câu trả lời rõ ràng hơn trước khi đặt bút ký mua BHNT (Ảnh minh họa)

Nên đặt một số câu hỏi cơ bản để có được câu trả lời rõ ràng hơn trước khi đặt bút ký mua BHNT (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thống kê đến hết năm 2012, tỉ lệ người tham gia BHNT tại Việt Nam vào khoảng 11%, đây là tỉ lệ thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia (~50% dân số tham gia BHNT, Singapore có tới ~80% dân số tham gia và Mỹ ~90% có BHNT).

Dư địa thị trường lớn tại Việt Nam về BHNT còn rất lớn, tuy nhiên vài năm gần đây, những lùm xùm về BHNT giữa tư vấn viên và khách hàng mua BHNT đã khiến người mua có cái nhìn thiếu thiện chí về BHNT.

Thực tế, rất nhiều khách hàng tham gia mua BHNT nhưng không phải ai cũng hiểu hết về các gói sản phẩm và các thuật ngữ chuyên môn phức tạp trong hợp đồng bảo hiểm, một hợp đồng BHNT thường có độ dày đến 20 trang với rất nhiều bảng biểu minh họa và các tình huống giả định chi tiết, chỉ riêng việc đọc và hiểu câu chữ trong một hợp đồng BHNT cũng cần phải có kiến thức và sự tìm hiểu kĩ lưỡng mới có thể hiểu đúng, chính xác những thông tin trong hợp đồng đó.

Người mua BHNT ở tất cả các ngành nghề trong xã hội, trình độ nhận thức không đồng đều, vì thế khi quyết định mua BHNT, khách hàng thường dành niềm tin gần như tuyệt đối với nhân viên tư vấn. Lúc này, kĩ năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của tư vấn viên phải được đặt ở mức cao nhất, nếu tư vấn viên tư vấn không đúng, không trúng nhu cầu của khách, không giải thích rõ các điều khoản trong hợp đồng thì khi có sự cố xảy ra, khách hàng sẽ là người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu thông tin về BHNT trước khi quyết định mua thực ra khá đơn giản, ngoài việc tra cứu thông tin chính thống trên internet, khách hàng có thể đặt ra các câu hỏi cơ bản dưới đây để có thể hiểu rõ sản phẩm mình đang có nhu cầu mua, từ đó có thể nắm bắt được các gói sản phẩm mà tư vấn viên (TVV) giới thiệu. Thậm chí, khách hàng có thể tự xây dựng cho mình một gói BHNT đúng theo nhu cầu và nguyện vọng.

Nhu cầu của người mua là gì?

Trả lời được câu hỏi này càng chi tiết, người mua sẽ biết được TVV đang tư vấn gói sản phẩm có phù hợp cho mình không. Ví dụ, người mua muốn mua sản phẩm BHNT truyền thống là bảo vệ sức khỏe, thì sẽ tập trung vào việc mua gói sản phẩm đó với tổng phí chiếm tối thiểu 80% tổng phí hợp đồng. Các sản phẩm phụ (hay còn gọi là sản phẩm bổ trợ, quỹ liên kết đầu tư) chiếm không quá 20% tổng giá trị gói hợp đồng. Điều này giúp người mua bảo toàn được số tiền đóng theo năm không bị cấn trừ (do các sản phẩm bổ trợ chỉ có hiệu lực theo từng năm, nếu không mua tiếp thì sẽ hết hiệu lực bảo vệ khách hàng).

Thực tế không ít đại lý, TVV phân bổ tổng phí hợp đồng BHNT không đồng đều, phí đóng gói chính thấp, trong khi các sản phẩm bổ trợ phí đóng rất cao, tư vấn không tận tâm làm người mua hiểu nhầm rằng tổng phí bảo hiểm mà khách mua là toàn bộ phí sẽ được nhận lại khi hợp đồng kết thúc.

Tài chính của người mua hàng tháng

Đây là việc nên đặt ưu tiên hàng đầu trong khi xem xét và cân nhắc mua gói bảo hiểm nào. Theo các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân tư vấn thì tổng phí bảo hiểm trong một năm không quá 20% thu nhập trong một năm/ người. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức phí đóng bảo hiểm theo tỉ lệ trên được cho là cao so với tài chính bởi nhiều chi phí sinh hoạt phát sinh nên việc một người lao động chính có thu nhập 10 triệu/ tháng, bỏ ra 2 triệu đồng/tháng để đóng phí BHNT được cho là bất hợp lý.

Về lý thuyết việc này có thể thực hiện được, tuy nhiên mới mức phí sinh hoạt cao như hiện nay và các chi phí phát sinh đột ngột khác, người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng ở các khu đô thị lớn như Hà Nội được coi là hộ nghèo thì việc đóng phí BHNT 2 triệu/tháng là không phù hợp.

Chi phí tối đa với mức thu nhập trên chỉ nên đóng phí BHNT khoảng 500 nghìn đồng/ tháng. Chủ yếu đóng ở khoản sản phẩm chính là phù hợp với tình hình tài chính của đại đa số người mua có thu nhập thấp, chỉ có một nguồn thu.

Các sản phẩm bổ trợ có ý nghĩa như thế nào?

Bảo hiểm bổ trợ là loại bảo hiểm phụ được đính kèm khi mua bảo hiểm nhân thọ chính, mục đích là để nâng cao quyền lợi và phạm vi bảo vệ giúp người tham gia được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện. Loại bảo hiểm bổ trợ này đóng theo từng năm một và được tái tục theo nhu cầu của khách hàng.

Trên thực tế, rất nhiều khách hàng không hiểu được ý nghĩa của sản phẩm bổ trợ mà lầm tưởng rằng gói sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ là một. Điều này dẫn đến khi sự cố phát sinh, khách hàng muốn tất toán sản phẩm trước hạn, nhận thấy phần phí hoàn lại quá thấp so với mức đóng phí hàng năm, vì thế sẽ xảy ra tranh cãi, khiếu nại.

Người mua cần phải hiểu rõ sản phẩm bổ trợ là sản phẩm được bán kèm sản phẩm chính, sản phẩm bổ trợ không có giá trị hoàn lại sau khi kết thúc hợp đồng. Sản phẩm bổ trợ chỉ có hạn bảo vệ trong vòng 1 năm, nếu người mua không sử dụng đến quyền lợi này thì khi hết hạn, gói sản phẩm bổ trợ sẽ hết hiệu lực. Có thể hiểu đơn giản rằng sản phẩm bổ trợ giống như bảo hiểm ô tô, xe máy, phải mua hàng năm.

Phí rơi được hiểu ra sao?

Phí rơi là khoản phí mất đi, chi trả cho dịch vụ bảo vệ, không tích lũy và không hoàn trả lại cho khách hàng. Khoản phí này thường để các công ty bảo hiểm chi trả hoa đồng cho đại lý, CTV và chi phí để các đại lý chăm sóc, theo dõi hợp đồng của khách hàng. Vì thế, trong 2 năm đầu, nếu người mua ngưng đóng phí BHNT hoặc tất toán BH trước hạn thì hầu như không được chi trả chi phí hoàn lại, coi như mất trắng số tiền đã đóng.

Tất toán trước hạn hợp đồng người mua gặp thiệt hại gì?

Luật kinh doanh bảo hiểm đã quy định, kể từ năm thứ 10 trở đi, giá trị hoàn lại mới tương đương với số phí người tham gia đã đóng. Nếu rút tiền bảo hiểm nhân thọ trước hạn trên, bên mua bảo hiểm có thể không được nhận giá trị hoàn lại như kỳ vọng. Trong 2 năm đầu, người mua coi như mất trắng khoản phí đã đóng, theo giải thích về phí rơi phía trên.

Vì sao phải khai trung thực về tiền sử bệnh lý?

Đây là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của khách hàng khi tham gia BHNT. Nghĩa vụ báo thông tin trung thực, chính xác rất quan trọng. Trong trường hợp người mua bảo hiểm tiến hành kê khai thông tin sức khỏe không đúng so với thực trạng thì khi có sự cố xảy ra, công ty bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường khi có rủi ro xảy ra. Nên hiểu rằng, các công ty BHNT đều liên kết với tất cả các bệnh viện trong nước và quốc tế. Các hồ sơ yêu cầu chi trả đều có bộ phận giám định về việc khách hàng đã từng khám chữa bệnh gì, ở đâu,... Vì thế, nếu khách hàng cố tình khai man, thì công ty BH hoàn toàn có quyền từ chối đền bù.

Cuộc gọi xác nhận của công ty BHNT có ý nghĩa như thế nào?

Trong vòng 21 ngày cân nhắc khi khách hàng đã ký hợp đồng, nhân viên chăm sóc khách hàng của phía công ty BHNT sẽ gọi điện cho người mua, hỏi về việc người mua đã hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng chưa, có thắc mắc gì không, đại lý tư vấn đã tư vấn rõ cho khách hàng hiểu chưa, khách hàng có cần hỗ trợ gì nữa không, nếu các câu trả lời là không, người mua đã hiểu thì điều đó cũng có nghĩa là khách hàng hoàn toàn đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng. Cuộc gọi của khách hàng sẽ được ghi âm lại toàn bộ để đề phòng có tranh chấp xảy ra.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nguoi-mua-bao-hiem-nhan-tho-nen-luu-y-nhung-dieu-khoan-gi-trong-hop-dong-truoc-khi-dat-but-ky.html