Người mất tích nhiều năm, quyền và lợi ích hợp pháp của họ ra sao?

Một người mất tích nhiều năm, quyền và lợi ích của họ sẽ ra sao là điều mà nhiều người quan tâm

Mới đây, PLO có thông tin tới bạn đọc về thắc mắc pháp lý “Khi nào 1 người bị tuyên bố mất tích?”. Thông tin này nhận được câu hỏi phản hồi từ bạn đọc:

Trong đó, bạn đọc Văn Quý bình luận: Thưa luật sư, như vậy, việc xác định thời gian mất tích để tuyên bố đã chết phụ thuộc vào các trường hợp đã nêu tại Điều 71. Tức thời hạn có thể là 3 năm kể từ ngày tòa án trước đó ra quyết định tuyên bố mất tích hoặc 02 năm kể từ tai nạn hoặc 5 năm liên tục mà không có thông tin xác thực nào về việc người đó còn sống.

Vậy người mất tích nhiều năm tình trạng pháp lý ra sao? Luật sư có thể nêu rõ quy trình làm thủ tục tuyên bố mất tích?

 Một người mất tích nhiều năm, nhưng những người có liên quan không đề nghị tòa án tuyên bố mất tích, thì họ vẫn được xem là người bình thường như bao người khác, quyền và lợi ích của họ vẫn như người bình thường. Ảnh: AI

Một người mất tích nhiều năm, nhưng những người có liên quan không đề nghị tòa án tuyên bố mất tích, thì họ vẫn được xem là người bình thường như bao người khác, quyền và lợi ích của họ vẫn như người bình thường. Ảnh: AI

Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:

Về mặt luật pháp, một người dù không có thông tin liên lạc nhiều năm, nhưng những người có liên quan không đề nghị tòa án tuyên bố mất tích, thì họ vẫn được xem là người bình thường như bao người khác, quyền và lợi ích của họ vẫn như người bình thường.

Nếu một người bị người có quyền, lợi ích liên quan đề nghị tòa án tuyên bố mất tích, thì về mặt pháp lý, quyền và lợi ích của họ vẫn được bảo đảm theo Điều 69 BLDS năm 2015. Và nếu người này sau đó trở về, thì có thể đề nghị tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó theo quy định tại Điều 70 BLDS năm 2015.

Theo đó, nếu muốn làm thủ tục tuyên bố mất tích, thì cần liên hệ cơ quan tòa án để làm thủ tục theo Điều 387 BLTTDS năm 2015. Ngoài việc phải có đơn yêu cầu, thì người làm thủ tục cần cung cấp cho tòa án các chứng cứ có liên quan đến việc họ đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm (phải có giấy tờ chứng minh, không trình bày bằng miệng).

Cụ thể, phải có giấy tờ chứng minh là đã liên hệ với cơ quan công an nơi người mất tích cư trú, cuối cùng để thực hiện việc tìm kiếm hoặc các giấy tờ liên quan đến thông báo tìm kiếm được đăng trên báo đài; giấy xác nhận của cơ quan công an nơi cư trú cuối cùng của người mất tích.

Nếu lâu nay, chưa làm việc này, thì bây giờ phải thực hiện ngay các thủ tục thông báo tìm kiếm, để sau đó có đủ chứng cứ nộp cho tòa khi yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích đối với người bị mất tích.

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-mat-tich-nhieu-nam-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-ho-ra-sao-post791017.html