Người gác tàu tự nguyện

Dù bị thương tật nhưng ông Đạo không ngại khó khăn, tình nguyện làm người gác tàu để bình yên theo mỗi chuyến tàu qua nơi làng quê yêu dấu.

Chuyến tàu khách rầm rập chạy qua làm ồn ã cả một góc làng. Đợi cho khoảng cách an toàn, ông Đạo mới chống nạng, nhấc chiếc barie làm bằng cây tre dài sơn màu trắng - đỏ cho xe đạp, xe máy, người đi bộ vượt qua. Công việc lặp lại hằng ngày này đã được ông Đạo cần mẫn làm hơn chục năm nay.
- Cháu chào ông Đạo!
Nam cất tiếng chào. Nhận ra người quen, ông Đạo gật đầu hồ hởi:
- Chào đồng chí cán bộ Đoàn.
Nghe ông Đạo đáp lại, Nam dừng xe nắm bàn tay chai sần, thô ráp của ông. Trên đường về, một cảm giác ấm áp tỏa lan trong Nam.
Ông Đạo là người gác tàu tự nguyện, không hề có một đồng công nào. Người không biết bảo ông bị gàn. Nhưng người dân quanh đây thì cảm ơn ông nhiều lắm. Bởi nhờ ông mà biết bao vụ tai nạn đường sắt đã không còn xảy ra.
Nhà ông Đạo ở giữa làng, cách khu vực ngã tư nơi có đường tàu chạy qua vài trăm mét. Mặc dù chỉ là đường dân sinh nhưng đây lại là đường huyết mạch của xã. Lưu lượng người dân trong làng và các khu vực lân cận qua lại ngã tư này mỗi ngày rất đông, nhất là đầu giờ sáng và lúc tan tầm khi công nhân các nơi đổ về khu công nghiệp làm việc. Khi nơi đây chưa có barie tre của ông Đạo, gần như năm nào cũng xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, thậm chí có người đã mất mạng. Chính vì vậy ngã tư này còn được gọi là ngã tư tử thần.
Liên tục chứng kiến các vụ tai nạn đường sắt thương tâm, nhiều gia đình mất người thân, ông Đạo trăn trở lắm. Ông mong những năm tháng cuối đời mình có thể đóng góp được gì có ích cho xã hội. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông giấu vợ con, viết đơn lên xã tình nguyện xin đứng gác tàu tại ngã tư này.
- Cái tâm của bác thật quý - khi nghe ông Đạo trình bày, đồng chí Chủ tịch UBND xã xúc động. Nhưng bác như vậy làm công việc đó có phù hợp không. Còn về phần gia đình nữa?
Ông Đạo cười khà khà:
- Tôi biết chú định nói gì. Chú đừng tưởng tôi tàn tật mà vô dụng. Bác Hồ chả từng dạy “tàn nhưng không phế” đó sao. Tâm niệm của tôi muốn được làm những việc có ích để chứng minh cho mọi người thấy tôi vẫn có thể cống hiến cho đời. Còn về phía gia đình chú khỏi lo. Tôi ngần này tuổi lại không thể tự quyết việc mình làm sao?
Nghe ông Đạo nói vậy, đồng chí Chủ tịch UBND xã gật đầu đồng ý nhưng không khỏi băn khoăn, ái ngại. Biết suy nghĩ của người cán bộ địa phương, ông Đạo cười:
- Chú cứ yên tâm. Tôi nói là tôi sẽ làm được. Tất cả là tôi tự nguyện.
Đúng là gia đình không chấp nhận quyết định của ông Đạo. Việc làm đó ngay với người khỏe mạnh còn vất chứ nói gì đến một người tàn tật. Bởi vậy khi biết tin ông Đạo làm đơn ra xã xin tình nguyện đứng gác tàu, vợ con ông phản đối kịch liệt.
- Ông có mất trí không đấy - bà Hải vợ ông Đạo gay gắt. Ông dẹp ngay cái ý định ấy đi cho tôi nhờ.
Con trai, con gái ông Đạo cũng hùa vào theo mẹ:
- Mẹ nói đúng đấy. Bố sức khỏe chẳng bằng ai lại còn đòi ra chỗ ngã ba ngã tư làm cái công việc vác tù và hàng tổng.
Ông Đạo cười xoa dịu vợ con:
- Khiếm khuyết thì đã sao. Việc vác tù và hàng tổng thì đã sao. Tôi tàn phế mà còn làm được việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội, mẹ con bà phải ủng hộ mới đúng chứ. Thôi. Tôi đã quyết rồi. Mẹ con bà không ủng hộ, tôi vẫn quyết làm.
Bà Hải rất hiểu tính chồng. Khi ông đã nói vậy thì sẽ không còn ai thay đổi được nữa. Tuy vậy, bà vẫn chưa chịu:
- Nhưng tôi lo lắm. Ông có biết ngã tư đó là nơi vắng vẻ, lại lắm kẻ gian manh. Nhỡ ông có mệnh hệ gì, mẹ con tôi biết trông cậy vào ai?
Ông Đạo dịu giọng:
- Tôi biết mẹ con bà cũng chỉ muốn tốt cho tôi. Mọi người cứ yên tâm. Tôi tin mình làm việc tốt sẽ được ông trời thương phù hộ.
Nói là làm, hôm sau, ông Đạo một mình chống nạng ra mảnh đất trống sát đường sắt, cắm cọc gỗ rồi vào xóm xin một cây tre dài sơn màu trắng - đỏ bắc ngang đường làm barie. Lúc đầu có người xì xào nói này nói nọ. Có người khó chịu phản ứng ra mặt khi bị ông chặn xe. Sau thời gian, mọi người biết ông thật lòng lo cho sự an toàn của họ nên ai cũng ủng hộ và nghiêm chỉnh chấp hành hiệu lệnh của ông mỗi khi tàu đến.
Việc làm người gác tàu tự nguyện cũng không hề đơn giản. Không có đèn tín hiệu đèn báo, ông Đạo phải tự căn giờ, lắng tai nghe tiếng còi tàu để ra hạ thanh chắn. Làm nhiều thành quen, dần ông đã nắm được hết các giờ tàu chạy. Từ ngày tự nguyện gác tàu ở ngã tư, chưa bao giờ ông Đạo rời khỏi vị trí. Bất kể mưa giông, cứ đúng giờ tàu chạy, ông Đạo lại kéo thanh chắn barie, cảnh báo người dân dừng đỗ đợi tàu đi qua. Đều đặn mỗi ngày ông Đạo túc trực ở chốt từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm.
Là người cùng làng, Nam rất khâm phục việc làm của ông Đạo. Thấy ông cứ phơi mình cả ngày ngoài ngã tư không kể nắng, mưa, anh huy động mấy đoàn viên thanh niên đến giúp ông quây bạt làm chòi, để có chỗ trú mưa nắng. Anh còn bàn với các đoàn viên trong chi đoàn thôn bố trí người trực hỗ trợ cho ông Đạo mỗi khi ông có việc phải nghỉ.
Có lần ngồi nói chuyện Nam nói vui:
- Ông Đạo ơi, ông có biết người dân gọi ông là gì không?
- Là gì? - Ông Đạo hỏi lại:
- Họ gọi ông là barie chạy "bằng cơm" khắc tinh của tử thần đấy.
Ông Đạo cười:
- Họ gọi thế cũng là quý thôi, chứ tôi không dám nhận đâu. Việc tôi làm cũng chỉ mong không phải chứng kiến các vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở ngã tư này nữa.
Nam gật đầu:
- Phải thừa nhận, ông giỏi thật đấy. Làm thế nào ông nhớ hết được lịch các chuyến tàu.
Ông Đạo cười sảng khoái:
- Cái gì làm đi làm lại thì sẽ thành quen thôi. Này nhé, trên tuyến đường sắt này, mỗi ngày đều đặn 8 chuyến tàu khách và 10 chuyến tàu hàng. Mỗi chuyến tôi đều ghi rõ giờ tàu đến để hạ rào chắn. Tàu khách chạy nhanh, phải ra hạ thanh chắn trước 5 phút để cảnh báo dân, còn tàu hàng chỉ cần hạ trước hai phút.
Từ ngày ông Đạo tự nguyện gác tàu, ngã tư đường sắt tử thần của làng không còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm nữa. Việc làm của ông giờ đã được gia đình, các cơ quan nhà nước và người dân ghi nhận.
Như một thói quen, mỗi lần đi làm hay về qua ngã tư nơi ông Đạo lập chốt canh, Nam đều dừng lại hỏi han công việc hằng ngày của ông. Buổi tối hoặc những ngày nghỉ, anh dành thời gian ra thăm hỗ trợ ông sửa lại cái chòi, đóng lại cái cột trụ, sơn lại cái barie. Hai người một già một trẻ, thuộc hai thế hệ khác nhau trở nên gần gũi như những người bạn tâm giao.
Có buổi tối, Nam ra chốt uống nước chè với ông Đạo.
- Ông từng nói mong muốn được một lần vào lăng viếng Bác Hồ phải không ạ?
Ông Đạo gật đầu:
- Đúng vậy.
Nam chân thành:
- Dịp 19/5 tới đây, Đoàn xã chúng cháu sẽ tổ chức một chuyến lên thủ đô báo công với Bác. Từ những việc ông đã làm cho cộng đồng, xã hội những năm qua, chúng cháu trân trọng mời ông tham gia với tư cách thành viên danh dự.
- Được thế tôi còn mong gì hơn.
Ông Đạo xúc động. Dường như ông chưa tin vào những điều tai mình vừa nghe thấy. Một lát trầm ngâm, ông Đạo hỏi Nam:
- Cậu có biết lý do vì sao tôi tự nguyện ra đây gác tàu không?
Nam nhìn ông Đạo vẻ lạ lẫm hỏi lại:
- Chẳng phải là ông không muốn ở ngã tư tử thần này xảy ra nhưng vụ tai nạn giao thông sao?
- Điều đó đúng. Nhưng vẫn còn một lý do khác nữa.
- Lý do gì ạ? - Nam ngạc nhiên hỏi.
Ông Đạo bỗng trở nên trầm ngâm:
- Đó là chuyện xưa rồi, từ thời chiến tranh cơ. Nhưng cũng là động lực để tôi quyết tâm làm việc hôm nay.
Nam tò mò:
- Chuyện từ thời chiến tranh ạ. Ông kể cho cháu nghe đi.
Ông Đạo gật đầu rồi kể: Đó là một buổi trưa năm 1965. Thời kỳ đó, giặc Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc. Địa bàn huyện ta là mục tiêu máy bay địch đánh phá hằng ngày.
Hôm đó, tôi cùng hai người bạn được giao nhiệm vụ ra đồng nhận trâu buổi trưa. Lúc ấy, trâu vẫn đang cày bừa nên tôi và bạn ngồi ở đường tàu đợi. Ngồi một lát, chúng tôi thấy từng tốp máy bay Mỹ từ cửa sông nối đuôi nhau gầm rú hướng về phía cầu phao đầu thị xã rải bom đen kịt. Vì đã quen với việc máy bay ném bom cầu phao hằng ngày nên chúng tôi bình thản quan sát từng tốp máy bay lượn trên đầu. Đúng lúc đó, thấy trước mặt một đoàn tàu chở hàng quân sự từ hướng Hải Phòng xuất hiện. Nếu không thông báo kịp thì đoàn tàu chắc chắn sẽ rơi vào vùng máy bay địch ném bom. Lập tức chúng tôi cùng bật dậy, hét lớn: "Đỗ lại. Có máy bay ném bom phía trước đấy". Sợ chú lái tàu không nghe thấy, vừa hét chúng tôi vừa dùng mũ vẫy, tay chỉ lên trời ra hiệu. Hiểu ý chúng tôi, đoàn tàu chạy chậm lại rồi dừng ở khu vực giữa làng có cây cối um tùm.
Sau sự việc, chúng tôi lại trở về với công việc chăn trâu cắt cỏ thường ngày. Ai dè, việc ba chúng tôi không ngại hiểm nguy lúc máy bay địch ném bom ra hiệu cứu đoàn tàu đã được lái tàu báo cáo lại với lãnh đạo ngành đường sắt. Sau đó, chúng tôi được nhà báo tìm về phỏng vấn, chụp ảnh, viết bài. Điều bất ngờ hơn là chúng tôi được suy tôn là "Cháu ngoan Bác Hồ" và vinh dự được Bác tặng huy hiệu. Hôm đón nhận huy hiệu, xã tổ chức một buổi lễ long trọng. Ba chúng tôi đeo khăn quàng đỏ, được lãnh đạo cấp trên cài huy hiệu lên áo và dặn dò: "Các cháu phải cố gắng học tập cho giỏi, phát huy thành tích, làm thêm nhiều việc tốt". Sau này chúng tôi cùng tham gia dân quân, tham gia công tác tải thương phục vụ các trận địa chiến đấu bảo vệ cầu phao.
Nghe ông Đạo kể, Nam thốt lên:
- Ông được tặng "Huy hiệu Bác Hồ" ạ. Thật bất ngờ quá.
Ông Đạo vẻ ngại ngùng:
- Cũng là chuyện ngày xưa rồi. Kể ra cậu đừng cười.
- Sao lại cười được ạ. Đây là một câu chuyện rất hay, rất đáng tự hào để cho lớp trẻ chúng cháu học tập. Tấm huy hiệu đó giờ ông vẫn giữ chứ?
- Sau hòa bình, tôi xin vào làm việc ở một xí nghiệp vận tải đường sông. Không may trong một lần tàu lấy hàng ở cảng Hải Phòng, tôi bị tai nạn cụt mất một chân thành người tàn tật như bây giờ. Mặc dù luôn coi đó là kỷ vật thiêng liêng nhưng cách đây 5 năm, Bảo tàng tỉnh kêu gọi quyên góp các kỷ vật về Bác, tôi đã mang tấm huy hiệu đó tặng lại để họ cất giữ trưng bày rồi.
Lại một chuyến tàu đến cắt ngang câu chuyện của 2 người. Ông Đạo bảo Nam cứ ngồi uống nước để ông ra hạ gác tàu. Để cháu ra cùng với ông - Nam vội đứng dậy đi cùng ông Đạo.

NGỌC HÙNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-gac-tau-tu-nguyen-381691.html