Ngồi xuống uống một ly trà

Ông Sáu bảo còn sớm thì pha trà uống đi. Mặc kệ, bão cũng bão rồi, cây ngã thì cũng ngã rồi, còn người thì phải sống, phải vui chứ! Mấy người cười ồ trước giọng điệu lạc quan của ông nhưng trà ở đâu mà uống. Ông già móc ra gói trà trong cái bọc đen ông mang theo bên người. Một người đàn bà lanh lẹ lấy ấm ra thùng nước mưa ngoài hiên đổ đầy, bật bếp ga trong nhà trú ẩn lên nấu. Nước sôi, bà lấy vài nhúm trong bịch trà của ông Sáu bỏ vào ấm...

Tháng 10, Đỉnh Gió đã dùng dằng mưa. Đứng trong nhà nhìn ngược lên những dãy núi trập trùng chỉ thấy toàn mây là mây. Mấy người đàn bà đứng trong nhà, thở dài rồi đành gác cuốc, mưa gió vầy sao mà lên rẫy được. Ông Sáu buồn thiu, dòm chái bếp đang bị nước mưa tạt vào nghĩ ngợi, chưa kịp kiếm đủ củi thì mùa mưa ập tới. Ông lẩm nhẩm tính, mùa mưa về sớm hơn năm ngoái một tháng, không khéo lại sắp bão.

Miền sơn cước của miền Trung này nhìn ngược nhìn xuôi gì cũng nhìn thấy núi. Núi trập trùng, núi xanh biếc, núi nắm tay nhau vây quanh làng, quanh xã. Từ hồi lẫm chẫm, đến giờ ở tuổi 70, trong đôi mắt đã kéo màn mây của ông chỉ rặt một màu của núi. Mùa mưa, gió cứ thổi hun hút qua làng. Những ngày mưa, ông hay ngồi hút thuốc, nghĩ ngợi vẩn vơ. Có lẽ ở Đỉnh Gió không ai buồn nhiều như ông. Người ta có vợ có chồng, có con cái ngồi ăn bữa cơm, nói chuyện hỉ hả thì nỗi buồn cũng vơi đi. Còn ông, cô độc một mình, nỗi buồn ngày một nhiều thêm chứ chẳng hề vơi bớt. Tuấn mỗi độ tạt qua nhà thường lén giấu bọc thuốc của ông. Anh bảo hút thuốc có hại, ông đã già, phổi yếu, hút vào đêm lại ho sòng sọc. Ông ừ hử, rồi lại lén lút hút. Mà cũng may còn có Tuấn hay tạt qua nhà ngó nghiêng ông, chứ ở tuổi xế chiều với đôi mắt mờ, cái chân đau nhức thì ông còn biết bầu bạn với ai nữa. Ông không có con, vợ ông đã về với đất chục năm có lẻ rồi.

Đang nghĩ đến Tuấn thì có tiếng xe máy rẽ vào sân. “Cái thằng linh thiệt”, ông dòm dòm rồi lẩm nhẩm. Trời đã nhập nhoạng, Tuấn mặc áo mưa màu xanh nhạt của công an đi nhanh vào nhà. Tuấn để lên bàn một bọc ni lông, ông mắt kém chẳng thể đoán được trong cái bọc có gì.

- Bánh xèo đó Sáu, trời mưa vợ con đổ. Sáu ăn đi, con chạy qua xóm bên chút. Mới về nghe mùi bánh thơm quá, chưa kịp ăn thì ông Tâm gọi điện xóm bên có mấy ông ngồi nhậu lại choảng nhau chảy máu.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Vừa nói, Tuấn vừa tra chìa khóa vào chiếc xe Wave cũ, phóng ra bầu trời đen kịt. Ông cố dòm theo nhưng đôi mắt yếu chẳng thấy gì ngoài những dòng nước mưa đang chảy xuống hiên nhà. Ông tặc lưỡi, cái thằng lúc nào cũng vội vàng. Người làng Đỉnh Gió gọi Tuấn là Tuấn “Lẹ”. Tới lẹ, đi lẹ, làm cái gì cũng lẹ.

Ông nhớ Tết năm ngoái, có người bà con ở Thái Nguyên gửi cho gói trà. Họ nói trà cổ thụ quý lắm. Trà quý dĩ nhiên để mời người quý. Vậy mà bữa đó ấm trà mới pha chưa kịp rót, Tuấn chưa kịp nhấm ngụm trà thơm thì đã nghe Thôn Thượng xảy ra tai nạn. “Bữa khác con ghé nha”, ông già nghe chưa dứt câu đã thấy Tuấn phóng xe ào ra ngõ. Rồi cái bữa khác của Tuấn kéo dài từ Tết đến tận bây giờ.

*

Nhà ông già cuối làng, nhà Tuấn đầu làng. Miền sơn cước núi non trập trùng, dân ít nhưng nhà cửa nằm rải rác y hệt cách người ta cầm những viên đá cuội mà quăng đi thật xa, mỗi hướng một viên. Vợ Tuấn tên Thoa, cũng như những người đàn bà ở Đỉnh Gió này, quanh năm cắm cúi cuốc đất, bẻ bắp, nhổ mì... Tới mùa xắn quần lội giữa những thửa ruộng thắt thẻo, cạn xợt dưới chân núi gieo mạ, dặm lúa. Ông nhớ mái tóc dài đen mượt của con bé mỗi bận đứng bắt xe ở ngã ba đầu làng xuống thị trấn học cấp ba. Mới vài năm mà chẳng thấy con bé xõa tóc nữa. Tóc được búi lại, quấn một lớp khăn giấu sau vành nón cời. Xứ này mùa nắng như nung, mùa mưa thối đất lại hay kèm bão, cái khó nhọc khiến chẳng người đàn bà nào còn thảnh thơi gội đầu ngồi ngoài hiên hong tóc như thời con gái.

Ở Đỉnh Gió nhà ai cũng nghèo. Tiền kiếm được nhờ vào sắn bắp, lúc nông nhàn lên núi gùi măng, kiếm mật, lượm ươi bay... Nhà khác vợ chồng cùng làm, có đôi có cặp, cực mấy cũng nhìn mặt mà vui. Còn Thoa, những công việc nặng nhọc đa phần làm một mình. Tiền thuê mướn người làm cao nên lúc nào Thoa cũng ráng. Thoa nói Tuấn y hệt một con ngựa, cứ rong ruổi ngoài đường, ai gọi là cắm cổ chạy, chẳng biết sau lưng mình có gì. Nửa đêm người ta bắt quả tang ngoại tình cũng gọi công an. Người ta lái xe máy đụng nhau cũng gọi công an ra giải quyết. Chiều, đang ăn dở bát cơm, người ta cũng gọi vì có ông già say rượu cứ cầm con dao dứ sang nhà hàng xóm đòi chém... Thoa vừa rơm rớm nước mắt, vừa kể. Làm vợ ba năm, có được ngày lễ tết nào anh thủng thẳng ngồi ăn bữa cơm với vợ, với họ hàng hay lúc nào cũng đi trực. Người ta đón Giao thừa, tổ chức lễ hội thì anh phải làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự.

Thoa bảo hay anh nghỉ làm công an xã đi. Lương thấp mà cực quá chừng! Về làm lúa, làm sắn, đi rừng mà sống, đêm ngủ cho nhẹ cái đầu, đỡ cực cái thân, lại được nhiều thứ hơn làm công an. Tuấn cười, xoa xoa vào lưng vợ, bảo rằng làm công an được nhiều thứ chứ. Anh trầm ngâm, những thứ quý nhất luôn là những điều không nhìn thấy được. Bà con ở đây cần anh, sự bình yên cũng cần có người canh giữ chứ không phải tự nhiên mà có được.

Có bận lúa cong mình chờ gặt, bữa đó Chủ nhật, khi Tuấn cầm liềm cắt vài nhát lúa lại có điện thoại giục đi. Công việc của chồng, Thoa hiểu, nhưng không thể tránh những phút yếu lòng mà rơi nước mắt. Xong công việc, Tuấn tất tả về thì trời nhập nhoạng. Vội vã thay áo rồi xắn quần ra ruộng. Trăng lên, rải ánh sáng loang loáng lên cánh đồng. Tuấn ôm những bó lúa vợ cắt xếp thành từng đống. Anh nghĩ đến gương mặt thảm hại của người đàn bà ngồi bên bậc cửa hồi chiều.

Chưa bao giờ Tuấn thấy một gương mặt buồn đến thế. Không đúng, phải nói là tuyệt vọng và đơn độc. Tuấn đã vặn ga xe máy hết cỡ nhưng đến nơi, gã chồng sau cơn giận dữ đã buông thanh củi trên tay xuống. Hàng xóm gọi điện cho Tuấn bảo gã chồng đã rút một cây củi mà quất ràn rạt vào người vợ. Vừa quất, hắn vừa chửi. Người vợ không né đòn, đứng trơ trơ hứng chịu. Một cái gai còn sót lại móc vào tay chị, cào rách một đường, máu ứa ra. Tuấn nhìn những lằn đỏ rịn máu chi chít trên người chị. Trên tay những vết thương ứa máu bên những vết sẹo đã bong mày, những vết thâm tím chằng chịt. Rõ ràng, đây không phải là lần đầu bị đánh.

Khi thấy Tuấn, gã vênh mặt thách thức, bảo chuyện riêng của gia đình, không cần Tuấn can thiệp. Tuấn nuốt cục giận đang dâng lên nghẹn ứ khi nhìn người vợ như mầm cây bị giẫm nát sau trận đòn, anh nói hành động của gã là bạo hành vợ, có thể ngồi tù... Nghe đến chữ ngồi tù, gã sững người nhìn Tuấn. Điều không ngờ với anh là chị vợ đang ngồi bỗng giật mình đứng dậy, y hệt như đang đi bị giẫm phải miểng chai.

- Thôi, Tuấn. Chuyện không có chi đâu. Tại chị. Đừng để anh ấy đi tù. Ảnh còn đi nương, đi rừng kiếm tiền mua gạo, đóng tiền học, mua thuốc cho con Út đang bịnh nữa - chị cầm tay Tuấn van nài.

Tự nhiên anh thương những người đàn bà xứ này. Cái cực khổ như lặm vào tim vào máu thịt, họ quên cái tay đang chảy máu chỉ để nghĩ cho chồng con. Anh gật đầu xoa dịu chị.

- Chị Tâm à, chị phải hiểu cho dù là chồng hay bất kì ai đi nữa cũng không được phép đánh đập, bạo hành chị. Chị đừng có cam chịu như rứa nữa.

Người đàn bà cúi đầu. Rồi anh bảo người chồng vào nhà nói chuyện. Tuấn cúi người bước vào căn nhà thấp lè tè, mùi khăm khẳm của nước tiểu trẻ con làm anh khó chịu. Anh ngồi xuống chiếc chõng tre, nó rung lên, kêu cót két. Căn nhà gỗ tuềnh toàng, chẳng có vật dụng gì đáng giá. Một đống khoai sắn ngổn ngang, có củ đã loe ngoe những mầm. Một bé gái ốm nheo đang trùm chăn, nghe tiếng cót két gượng đầu nhìn anh rồi lại nằm xuống.

Người đàn ông ngồi xuống bậc thềm. Lúc này anh mới quan sát kĩ gã. Cái đầu rối bù như tổ quạ, làn da đen nhẻm. Bộ đồ cũ mèm rộng thùng thình chẳng ăn nhập gì với dáng người còm nhom. Gã không mang dép, thỉnh thoảng đưa tay gãi sồn sột mấy kẽ chân bị nước ăn. Nhà vợ chồng gã nghèo quá. Cái nghèo làm người ta tù túng, chật hẹp và thường giải quyết vấn đề bằng nắm đấm, đòn roi.

Tuấn nhỏ nhẹ, đàn ông to khỏe mà dùng đòn roi đánh vợ thì hèn lắm. Dùng sức ấy mà đi rẫy, ra ruộng kiếm tiền mua gạo, mua sữa cho con. Vợ của mình, sống với mình cả đời mà nỡ lòng nào lại làm tổn thương như thế. Anh bị người ta đấm một cái có đau không, mà vợ anh chịu đánh đập hết lần này đến lần khác? Mặt gã dài ra, liếc nhanh một cái ra ngoài sân nhìn vợ. Cái liếc nhanh của gã khiến Tuấn nhận ra với gã phải “mưa dầm thấm lâu”.

Chị vợ xuống bếp nhen lửa, khói tù mù bốc ra loang trên mái lá. Một đứa bé mắt mũi tèm nhem bám chân chị đòi ăn. Chị vừa dỗ con, vừa đưa tay lau vội dòng nước mắt. Chẳng biết khói cay hay xót phận mình. Tuấn đưa tay sờ lên trán đứa bé đang nằm trên giường, anh thụt tay lại khi nhận ra nó đang sốt hầm hập.

- Con sốt như rứa, không lo mà còn đánh đập vợ. Sao không mua thuốc hay ra trạm xá, để nó sốt cao nguy hiểm lắm.

- Tiền mô mà mua thuốc với đi trạm xá...

Tuấn vội vã nổ máy xe ngược ra trung tâm xã. Phải chạy xe tầm mười cây mới tới được tiệm thuốc, anh mua thuốc rồi tất tả quay ngược lại. Anh chìa ra gói thuốc, bảo chị vợ cho con ăn cháo rồi cho con bé uống thuốc hạ sốt, con sốt thì đừng trùm chăn kín mít như thế. Anh để trên bàn hai lốc sữa, bảo cho con bé uống thêm, nếu uống hạ sốt không đỡ thì nhất quyết phải ra trạm xá. Gã đàn ông gãi đầu, lí nhí câu gì đó. Anh lại tất tả chạy xe về nhà. Đầu óc anh dãn ra khi bắt gặp những thửa ruộng vàng óng đẹp như tranh chạy theo dáng hình chân núi. Mùi lúa chín quyện trong không gian buổi chiều tà. Chợt nhớ tới đám ruộng nhà mình đang chờ gặt, Tuấn vặn mạnh ga xe.

*

Mưa kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Cái lạnh ban đầu mơn man trên lớp quần áo, sau một tháng đã luồn lách từng thớ vải mà chui vào thịt da làm người ta rùng mình. Mùa mưa, ông Sáu không sợ đói mà sợ không có cái sưởi ấm. Nhà nào nhà nấy chất ở chái bếp, mái hiên những đống củi cao để dành cho mùa mưa. Những ngày lạnh lẽo, mấy ông bà già hơ đôi bàn tay lạnh cóng, nhăn nheo vào bếp củi. Ông Sáu nóng hơ cái ruột, mùa lạnh này lấy củi đâu mà sưởi. Một bữa Tuấn chạy tới nhà đưa cho ông một cái chăn bông dày cộm, lại khệ nệ mang vào nhà một bao than.

- Mền của các Mạnh Thường Quân tặng xã mình, còn than nhà con. Tuấn không cởi áo mưa mà cứ để nguyên ôm bao than vào trong nhà.

- Ờ, chứ bây làm chi mà hấp tấp như ma đuổi rứa. Ngồi uống ly trà cho ấm bụng. Trời lạnh quá.

- Dạ, chừ con chạy đi mang mền cho mấy người xóm bên nữa. Bữa khác con ghé.

Chưa kịp để ông trả lời, Tuấn lại vặn ga ào đi. Mưa vẫn cứ lê thê, lạnh lẽo. Dòng sông hiền hòa, xanh biếc nghiêng soi bóng núi giờ đục ngầu, hung hãn. Tuấn ghé nhà gã đàn ông đánh vợ hôm bữa, gửi hai cái mền. Từ sau dạo ấy, thỉnh thoảng Tuấn cũng ghé. Tuấn hiểu ra cơ sự cho việc gã thường xuyên đánh vợ là do vợ không chịu đẻ đứa thứ năm sau một hơi làm liền bốn đứa con gái. Gã bảo vợ là kẻ không biết đẻ, không chịu sinh cho gã một người con trai để chống gậy. Tuấn giải thích, mình nghèo, đẻ đông lấy gì nuôi con, đau ốm không có đồng nào mua thuốc. Gái trai gì cũng là con mình dứt ruột đẻ ra. Vả lại, sinh gái hay trai đâu phải do đàn bà, mà đàn ông mới quyết định. Mà lỡ đứa thứ năm là gái, chẳng lẽ đẻ đứa thứ sáu, thứ bảy, thứ tám... rồi nghèo hoài, nghèo mãi... Gã ngồi im nghe, rít từng hơi thuốc. Từ dạo ấy gã hiểu ra, không còn đánh vợ nữa. Nhìn người đàn bà vừa nấu cơm, vừa nựng con khiến Tuấn thấy vui trong lòng.

Buổi trưa, đang ăn cơm chợt Tuấn nghe trên tivi có tin bão khẩn cấp trên Biển Đông. Mùa bão năm nào cũng có cây cối ngã đổ, mái tôn bay loạn xạ y như những cái liềm khổng lồ cắt gió... Bão đi qua, những người đàn bà rưng rưng nhìn ngược lên mái nhà trống lốc. Những người đàn ông thở dài nhìn cây cối trong vườn chỉ còn lại một đống hoang tàn. Một lát sau, loa phóng thanh khắp các thôn đã phát đi bản tin phòng, chống bão. Mọi người đang ăn trưa, buông đũa nghiêng tai lắng nghe.

Sắp bão nhưng bầu trời trong xanh lạ thường, mấy đám mây nhởn nhơ bay. Chứng kiến bao nhiêu cơn bão trong đời, Tuấn hiểu sự đánh lừa thời tiết này dễ khiến nhiều người chủ quan. Tuấn chạy xe máy, tạt nhà này nhà kia nhắc mọi người chằng chống nhà cửa. Trâu bò trên rẫy thì dắt vào chuồng. Gà vịt nhốt lại cẩn thận. Chuẩn bị nến, đèn pin, áo mưa, thuốc men... Những người đàn ông vác rựa đi chặt tre, mua dây thép, vác những bao cát nặng trĩu lên mái nhà... Đàn bà lùa gà, lùa vịt vào chuồng, chạy ra tiệm tạp hóa mua đồ dự trữ.

Mồ hôi Tuấn rịn ra khi leo lên mái nhà ông Sáu. Mái tôn cũ kĩ, hoen gỉ. Dưới đất, mấy người đàn ông hò nhau đưa mấy bao cát lên mái tôn. Xứ này là vậy, nghèo nhưng cái tình cái nghĩa chẳng bao giờ cạn. Chằng chống nhà mình xong rồi thì chạy qua nhà các ông bà già neo đơn để giúp. Ông Sáu đứng ngó nghiêng, dòm trời dòm đất. Lại bão, lại lụt... Ông thở dài.

Trên tivi, radio liên tục phát bản tin bão, biển đang động dữ dội, gió giật cấp 12, 13. Dự kiến cơn bão lần này mạnh hơn những cơn bão trước rất nhiều. Cánh cửa căn nhà lánh nạn đã mở, loa phóng thanh yêu cầu những nhà có nguy cơ sập đổ về trú ẩn. Bà con dùng dằng không đi. Còn trâu bò, còn lúa giống, còn nhà cửa... Tuấn mướt mồ hôi chạy nhà này nhà kia vận động bà con về nơi trú bão. Trâu bò heo gà quý nhưng so với tính mạng, cái nào quý hơn? Còn người là còn tất cả... Mọi người nghe theo, kéo nhau về nhà trú. Tuấn cùng thanh niên trai tráng dìu đỡ trẻ em, cụ già. Ông Sáu run run khom người khi Tuấn bảo leo lên lưng anh cõng. Ông bảo sao ông trời cứ gieo tai ương cho xứ mình hoài?

Thoa ngồi trong đám đàn bà ngước ra nhìn bầu trời. Nhà của Thoa cũng cũ hết rồi, không khéo chẳng chống chọi được với cơn bão này. Khi mọi người về hết nhà trú, Tuấn ngồi thở dốc, đưa tay quệt mồ hôi ướt đầm trên trán. Thoa nhìn chồng, tự nhiên thấy lòng mình có cảm giác y hệt cái lần nhìn anh lần đầu mặc bộ trang phục công an. Ở cái tuổi ba nhăm, Tuấn mạnh mẽ, rắn rỏi. Một niềm tự hào rất đỗi đàn bà khi có một người chồng giỏi giang, tử tế dâng lên trong lòng Thoa...

Và rồi, đêm ấy trời bắt đầu mưa. Ban đầu lắc rắc trên mái tôn như người ta chơi trò vãi lúa giống ngoài đồng rồi nặng hạt dần. Gió ban đầu thổi u u, sượt qua đám cây cối trong vườn. Rồi gió như gã điên trong cơn lên đồng càng lúc càng thổi điên cuồng. Cả Đỉnh Gió nín thở chờ bão. Điện đã cúp, những ánh nến leo lét trong nhà được thắp lên. Mọi người căng tai nghe gió. Rắc... một cái cây vừa bị gãy. Xoảng... một viên ngói bật tung rơi xuống nền nhà. Tiếng heo kêu eng éc. Tiếng trâu mẹ lạc con nghé ọ liên hồi. Gà thảng thốt kêu lên chiêm chiếp... Tiếng tôn bay vèo vèo trong gió nghe rợn người. Lũ con nít rúc vào người mẹ.

Có những khoảng lặng gió, êm ru. Khi mọi người tưởng chừng tâm bão vừa quét qua thì lại tiếp một cơn gió ào ào. Im lặng. Rồi một cơn gió khác mạnh hơn. Bão cũng giống hệt trò quyền Anh. Cứ sợ đối thủ chưa ngã, chưa nếm đủ đòn, chưa đủ đau nên cứ bồi hết cú này đến cú khác. Khi mọi người thắc thỏm hỏi nhau bão đã hết chưa thì một trận rào rào hung hãn kéo qua. Rầm... Ai đó giật mình kêu lên, nhà ai vừa sập. Những tiếng răng rắc không đơn lẻ mà đồng loạt vang lên như một gã khổng lồ đang bẻ xương kẻ thù. Tấm cửa được xây dựng kiên cố cũng rung lên bần bật... Ai đó thút thít khóc.

Gió im một lúc lâu. Chỉ còn vài cơn tàn dư như cố đuổi theo tâm bão. Mọi người thở phào khi biết tâm bão đã đi qua. Mấy đứa bé ngủ mê mệt trên người mẹ. Tuấn mở cửa, bầu trời ngoài kia đã hưng hửng. Mấy người đàn ông ngồi đốt thuốc kể chuyện xa gần, những mùa mưa lụt trực thăng bay vù vù trên đầu thả xuống những thùng mì tôm... Tuấn nhắc chừng mọi người đợi trời sáng hẳn hãy về nhà. Giờ còn chưa rõ mặt người, đi đứng lại giẫm phải thứ này thứ kia nguy hiểm.

*

Ông Sáu bảo còn sớm thì pha trà uống đi. Mặc kệ, bão cũng bão rồi, cây ngã thì cũng ngã rồi, còn người thì phải sống, phải vui chứ! Mấy người cười ồ trước giọng điệu lạc quan của ông nhưng trà ở đâu mà uống. Ông già móc ra gói trà trong cái bọc đen ông mang theo bên người. Một người đàn bà lanh lẹ lấy ấm ra thùng nước mưa ngoài hiên đổ đầy, bật bếp ga trong nhà trú ẩn lên nấu. Nước sôi, bà lấy vài nhúm trong bịch trà của ông Sáu bỏ vào ấm...

Đỉnh Gió đã bình minh. Không khí trong trẻo đến nỗi người ta không thể tưởng tượng được đêm qua gió đã quần nát một vùng. Những ly trà nóng hổi, thơm tho được chuyền tay nhau... Họ ngồi nhấm nháp, nhìn ra ngoài kia quê hương vừa bị giẫm đạp. Những trái bưởi non theo gió bay đến tận nơi này. Một mảnh tôn, một chiếc áo. Mấy cây vú sữa gãy ngang của mảnh vườn bên cạnh... Một bình minh rất lạ lùng, có mùi trà thơm lẫn những suy nghĩ ngổn ngang. Tuấn đứng ngoài sân, anh gọi điện hết người này đến người kia trong ủy ban xã, đồng chí của mình để biết tin thiệt hại của thôn khác.

- Ngồi xuống uống một ly trà đi anh công an. Anh còn nợ tôi một bữa trà từ Tết tới giờ, nhớ không?

Tuấn cười, đút cái điện thoại Nokia cũ mèm vào túi quần. Anh đưa tay nhận ly trà, đi vào ngồi xuống cạnh ông già.

- Nay coi như con trả nợ rồi nghe. Xíu nữa con nhờ em thanh niên cõng Sáu về, con phải chạy đi khắc phục bão với anh em...

- Chuyện đâu còn có đó, mi ơi. Cả mớ thanh niên, trai tráng đó. Giờ cứ uống trà đi đã...

Tuấn nhấp ngụm trà, vị đắng chát loang trong miệng. Bão lớn, nhiều hư hại nhưng Tuấn mừng khi mọi người báo trong xã không có thiệt hại về người.

Anh biết, uống xong ly trà này anh sẽ có rất nhiều việc để làm...

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/ngoi-xuong-uong-mot-ly-tra-i731430/