Nghiên cứu kỹ lưỡng việc cải tạo, mở rộng đường Láng

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn để tổ chức nghiên cứu một cách cụ thể, kỹ lưỡng, từ đó đưa ra các kịch bản, phương án đầu tư dự án cải tạo, mở rộng đường Láng.

Thông tin trên được đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội khẳng định tại buổi trao đổi với báo chí về dự án cải tạo, mở rộng đường Láng trên trục đường Vành đai 2 vào sáng nay 10-5.

Đường Láng trên trục Vành đai 2 thường xuyên ùn tắc do lưu lượng giao thông tăng cao. Ảnh: Lê Khánh

Khép kín Vành đai 2 theo quy hoạch

Tại báo cáo của Sở GTVT Hà Nội về các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố đang được nghiên cứu, có dự án mở rộng Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, bao gồm cả trên cao và dưới thấp. Việc thực hiện dự án nằm trong kế hoạch khép kín các vành đai nội đô, giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành.

Cụ thể, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy dự kiến có tổng đầu tư khái toán trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

Do tổng đầu tư lớn nên Sở GTVT Hà Nội đề xuất tách thành hai dự án và ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Từ chiều rộng mỗi bên 10,5m hiện nay, khi cải tạo xong, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là đường trục chính đô thị.

Với dự án đầu tư xây dựng Vành đai 2 trên cao, điểm đầu kết nối với Vành đai 2 trên cao đã xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Tuyến đường dài 3,8km, rộng 19m, vận tốc 80km/h, là đường trục chính đô thị. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Trước thông tin này, đại bộ phận người dân cũng như các chuyên gia giao thông đều bày tỏ mong muốn dự án được triển khai nhằm sớm giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông.

“Mắc kẹt” là từ được chị Nguyễn Thị Thủy (khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân) nhắc tới cho cung đường hằng ngày từ Ngã Tư Sở lên Võ Chí Công (quận Tây Hồ). “Hầu như giờ cao điểm nào cũng tắc, người và phương tiện nhích từng mét trong khói bụi. Con đường chỉ dài gần 4km nhưng có những lúc phải mất cả tiếng đồng hồ di chuyển”.

Các phương tiện từ Vành đai 2 trên cao đến nút giao Ngã Tư Sở lại phải xuống thấp, gây áp lực lên nút giao Ngã Tư Sở và đường Láng. Ảnh: Lê Khánh

Còn theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, dự án kết nối, tăng thêm dung lượng cho Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy là cần thiết, cần được triển khai sớm. Tuyến Vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở đã được vận hành nhưng chủ yếu phục vụ ô tô, kết nối giữa khu vực nội thành và quận Long Biên. Sau đó, các phương tiện đều phải rời đường trên cao để xuống mặt đất. Điều này tạo ra áp lực giao thông rất lớn cho nút giao Ngã Tư Sở, đặc biệt ở chiều đi về phía đường Láng, Nguyễn Trãi và Tây Sơn. Do đó, nếu tuyến Vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy được thực hiện sẽ giải tỏa áp lực ùn tắc của cả đoạn Vành đai 2, ngoài ra còn giúp hạ tầng toàn tuyến được đồng bộ, hỗ trợ các khu vực lân cận.

Tìm phương án tối ưu

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại, dự án được triển khai lại tạo nên những con đường “đắt nhất hành tinh” do chi phí đầu tư lớn. Dự án chỉ dài khoảng 3,8km nhưng tiêu tốn theo dự kiến hơn 21.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đó thay vì dùng để mở rộng đường thì nên đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, sẽ dẫn tới nguy cơ dự án kéo dài.

Trước những lo ngại này, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch dài 39km khép kín, hiện còn 6,1km chưa được cải tạo, đầu tư mở rộng.

Trong đó, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện tại) dài 3,8km và đoạn dài 2,3km ở khu vực phía Bắc sông Hồng, việc ưu tiên hoàn thiện đầu tư khép kín Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, những thông tin liên quan là nghiên cứu sơ bộ. Tổng mức đầu tư dự án hơn 21.000 tỷ đồng mới chỉ là con số khái toán.

“Hiện Sở GTVT đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn để tổ chức nghiên cứu một cách cụ thể, kỹ lưỡng, từ đó đưa ra các kịch bản, phương án đầu tư cụ thể. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là chọn được phương án phù hợp, khả thi nhất. Đối với các dự án phức tạp, mang tính đặc thù như dự án này thì lại càng phải thận trọng!" - ông Phan Trường Thành cho hay.

Bảo tồn cả hàng cây xà cừ lâu năm là một trong nhiều yêu cầu được Sở GTVT Hà Nội đặt ra với đơn vị tư vấn. Ảnh: Lê Khánh

Cũng theo ông Thành, ngay từ giai đoạn nghiên cứu sơ bộ, Sở GTVT đã tính tới các phương án khác nhau, như: Mở rộng Vành đai 2 về phía sông Tô Lịch; làm Vành đai 2 trên cao về phía sông Tô Lịch, vừa không phụ thuộc dự án mở rộng dưới thấp và bảo tồn được hàng cây xà cừ hiện hữu; làm đường sắt đô thị thay vì mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp...

Từ đó, Sở GTVT đã đưa ra “đề bài” với rất nhiều yêu cầu cho đơn vị tư vấn, từ tính toán các yếu tố kỹ thuật, thoát nước, môi trường, hiệu quả đầu tư, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới người dân trong khu vực dự án cũng như có phương án bảo tồn hàng cây xà cừ lâu năm. Ngoài ra, để triển khai được dự án này thì thành phố cũng phải cân đối nguồn vốn, bởi Hà Nội đang tập trung nguồn lực cho Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

“Đây là dự án có quy mô phức tạp, sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, đặc biệt là người dân nằm trong vùng tác động của dự án. Quy trình thẩm định dự án rất chặt chẽ và thận trọng. Các cơ quan chức năng thành phố sẽ triển khai đầy đủ các bước theo quy trình, thủ tục. Nhanh nhất cũng phải tới cuối năm 2024, dự án tổng thể mới được hoàn thiện để trình HĐND thành phố xem xét” - ông Thành cho biết.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghien-cuu-ky-luong-viec-cai-tao-mo-rong-duong-lang-665926.html