Nghị quyết số 33-NQ/TW: Hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ! (Bài 1): Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Diện mạo nền văn hóa Việt Nam ngày nay là thành quả được kết tinh từ hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và trí tuệ, sức lao động của triệu triệu con người Việt Nam. Để đến lượt nó, văn hóa cũng chính là nhân tố nòng cốt, góp phần hun đúc nên khí phách, tâm hồn, bản lĩnh Việt Nam, cũng như định hình thế đứng và vóc dáng dân tộc trong 'biển' hội nhập.

Di tích lịch sử Lam Kinh - điểm tham quan, học tập, nghiên cứu lịch sử - văn hóa hấp dẫn.

Sức mạnh nội sinh

Bắt đầu từ “Đề cương văn hóa Việt Nam” (năm 1943) có giá trị như là “ngọn đuốc soi đường” hay “tuyên ngôn văn hóa” đầu tiên của Đảng, đến nay Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị quan trọng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được đánh giá là những nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Với các nghị quyết đó, Đảng ta một lần nữa khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển của một dân tộc; là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, với xã hội và với thiên nhiên; vừa là một động lực thúc đẩy, vừa là một mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Có thể nói, nền văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, đã đạt được một bước tiến dài, với nhiều thành tựu rất quan trọng, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa như là nền tảng tinh thần của xã hội. Mặc dù vậy, trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, đang diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ như hiện nay, càng đòi hỏi văn hóa phải khẳng định và làm tốt vai trò nền tảng của nó trong mọi sự phát triển. Bởi lẽ, “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đồng thời, những thách thức nội tại của nền văn hóa như tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng... Tất cả những hạn chế, yếu kém đó đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa và chấn hưng văn hóa dân tộc, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Trước đòi hỏi thực tiễn, ngày 9/6/2014 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết số 33-NQ/TW). Nghị quyết số 33-NQ/TW đã đề ra “kim chỉ nam” để phát triển văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Đó là “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển bền vững đất nước, do đó Nghị quyết số 33-NQ/TW một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta, đó là văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Đồng thời nhấn mạnh, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Thấm sâu vào đời sống

Sự ra đời của Nghị quyết số 33-NQ/TW được đánh giá là có giá trị chính trị mang tính thời đại và ý nghĩa thực tiễn to lớn. Trong đó, việc Đảng ta gắn chặt giữa phát triển văn hóa với phát triển con người Việt Nam là hoàn toàn phù hợp và có tính chất biện chứng. Bởi, con người chính là chủ thể sản sinh ra văn hóa, quyết định bản chất và tính chất của những giá trị văn hóa.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Theo TS Nguyễn Hồ Phong và ThS Đoàn Đình Lâm, thì “Nghị quyết số 33-NQ/TW nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới của việc xây dựng và phát triển đất nước toàn diện, bền vững, cũng như sự phát triển tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, đó cũng là minh chứng hùng hồn, sinh động và đầy thuyết phục về sự sáng suốt, kịp thời điều chỉnh chủ trương, định hướng phát triển văn hóa trước những thay đổi mau lẹ, sâu sắc, toàn diện của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước”.

Trên cơ sở về mục tiêu, quan điểm và định hướng quan trọng, trong suốt 10 năm qua, Nghị quyết số 33-NQ/TW đã và đang được triển khai sâu rộng, tạo điểm tựa quan trọng cho việc tạo dựng nền văn hóa Việt Nam hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Theo đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đang có chuyển biến tích cực. Trong kế hoạch, chiến lược phát triển của Trung ương, địa phương đều đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện ở vị trí trung tâm. Phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người được coi trọng phát huy. Tầm vóc, thể lực con người Việt Nam có bước cải thiện. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao. Xây dựng môi trường văn hóa đã được chú trọng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Đời sống văn hóa của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Một số chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, được ban hành. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động. Thị trường văn hóa bước đầu được hình thành. Hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại ngày càng chủ động hơn...

Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW vẫn đang cho thấy những hạn chế. Có thể kể đến như việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần... Trước thực trạng đó, việc nhận thức đúng vai trò, vị thế để đặt văn hóa vào đúng vị trí của nó càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi, chỉ khi nhận thức đúng vai trò của văn hóa như là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thì khi ấy văn hóa mới thật sự trở thành sức mạnh nội sinh to lớn, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Đó cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, văn hiến và văn minh.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Bài 2: Con người Việt Nam - nhân tố nòng cốt của văn hóa dân tộc.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nghi-quyet-so-33-nq-tw-huong-den-cac-gia-tri-chan-thien-my-bai-1-van-hoa-la-nen-tang-tinh-than-cua-xa-hoi-214452.htm