Nghệ An kiến nghị Quốc hội phân cấp cho tỉnh một số nội dung cùng với bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển

Làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương phân cấp cho tỉnh một số nội dung cùng với bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển; cho phép thành lập Ban quản lý khu công nghệ cao tỉnh, đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

 Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Sáng ngày 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc làm việc với UBND tỉnh trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV để nghe tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2024 và một số vấn đề liên quan đến dự thảo nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp và tiến độ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A.

Các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham dự cuộc làm việc có các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

 Lãnh đạo HĐND tỉnh và các sở, ngành tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Lãnh đạo HĐND tỉnh và các sở, ngành tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 4 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh quý I/2024 ước đạt 6,38%, xếp thứ 21 cả nước, thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 13 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh tổng vốn đầu tư 16 lượt dự án/tăng 2.478,4 tỷ đồng. Có 719 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký thành lập hơn 13 nghìn tỷ đồng.

 Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Viết Dũng báo cáo kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh 4 tháng đầu năm và một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Trung ương. Ảnh: Mai Hoa

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Viết Dũng báo cáo kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh 4 tháng đầu năm và một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Trung ương. Ảnh: Mai Hoa

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo, tạo một số chuyển biến thông qua cải thiện một số chỉ số xếp hạng. Như chỉ số Par-Index xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 1 bậc so với năm 2022; chỉ số SIPAS xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 2 bậc so với năm 2022.

UBND tỉnh cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong quá trình thảo luận về dự thảo nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cần bảo vệ thành công đề xuất của tỉnh.

 Phó Giám đốc Sở Giao Thông vận tải Nguyễn Đức An báo cáo tiến độ giải ngân nguồn đền bù giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Ảnh: Mai Hoa

Phó Giám đốc Sở Giao Thông vận tải Nguyễn Đức An báo cáo tiến độ giải ngân nguồn đền bù giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Ảnh: Mai Hoa

Cụ thể, cho phép Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện; nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.

Mặt khác, phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030, để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Theo dự thảo nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 7 lần này, gồm 16 chính sách, thuộc 4 nhóm lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước có 5 chính sách; quản lý đầu tư có 7 chính sách; quản lý đô thị, tài nguyên rừng có 2 chính sách; tổ chức bộ máy và biên chế có 2 chính sách.

 Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trần Nhật Minh báo cáo tổng hợp các vấn đề cử tri kiến nghị, đề xuất thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trần Nhật Minh báo cáo tổng hợp các vấn đề cử tri kiến nghị, đề xuất thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

UBND tỉnh cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của Nghệ An. Như cho phép tỉnh thành lập Ban quản lý khu công nghệ cao tỉnh; hỗ trợ đầu tư cho các dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, nạo vét luồng lạch đảm bảo tàu cá hoạt động hiệu quả và an toàn…

UBND tỉnh cũng báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội về tiến độ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 110, ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Đến thời điểm này, tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ hơn 34 tỷ đồng tại 2 địa phương: thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu gần 20 tỷ đồng; đã lập và đang công khai phương án đền bù với tổng hơn 197 tỷ đồng tại các địa phương: thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã tiếp thu và trực tiếp giải trình một số vấn đề. Ảnh: Mai Hoa

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã tiếp thu và trực tiếp giải trình một số vấn đề. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, hiện nay do hồ sơ lưu trữ của một số trường hợp khác với hiện trạng và người dân có sự chuyển nhượng đất, nên việc xác định nguồn gốc, diện tích đất, chủ sử dụng đất có những khó khăn, vướng mắc.

Tại cuộc làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã thông tin đến UBND tỉnh một số vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Quốc hội tỉnh ghi nhận được.

Đáng quan tâm là kiến nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất rừng cho người dân quản lý, sử dụng; triển khai thực hiện các dự án, công trình phòng tránh, khắc phục thiên tai như sạt lở, ngăn lũ; cung ứng nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; duy tu, sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường và bồi thường giải phóng mặt bằng trong hành lang an toàn giao thông; tăng cường các giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Giải trình trách nhiệm giải quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã tiếp thu và trực tiếp giải trình, đồng thời giao trách nhiệm cho sở, ngành, địa phương giải quyết 25 vấn đề cử tri kiến nghị thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Nghệ An trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng giải trình và có chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ngành, địa phương trong giải quyết 9 vấn đề cử tri phản ánh, đề xuất ở các kỳ tiếp xúc cử tri trước nhưng chưa được giải quyết. Trong đó, liên quan đến kiến nghị di dời, tái định cư đối với các hộ dân xóm Hòa Lam (xã Hưng Hòa, thành phố Vinh), đồng chí Lê Hồng Vinh giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và thành phố Vinh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện dứt điểm kiến nghị cử tri.

 Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành rà soát, vào cuộc giải quyết hiệu quả các kiến nghị phản ánh của cử tri và đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành rà soát, vào cuộc giải quyết hiệu quả các kiến nghị phản ánh của cử tri và đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan kiến nghị cử tri về một số công trình, dự án kéo dài dang dở nhiều năm do chưa phân bổ được nguồn vốn, đề nghị các sở, ngành hướng dẫn các địa phương chấm dứt dự án để lập dự án mới triển khai nếu bố trí được nguồn vốn. Đối với kiến nghị đầu tư các dự án, công trình phòng tránh sạt lở, ngăn lũ; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định các công trình cấp bách để đưa vào kế hoạch đầu tư công ở giai đoạn mới, đồng thời kiến nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn để thực hiện thực hiện.

Kết thúc cuộc làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung tiếp thu, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để nghiên cứu, đưa vào chương trình làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đồng thời có văn bản kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giải quyết.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành rà soát, vào cuộc giải quyết hiệu quả các kiến nghị phản ánh của cử tri và đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nghe-an-kien-nghi-quoc-hoi-phan-cap-cho-tinh-mot-so-noi-dung-cung-voi-bo-sung-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-post289402.html