Nâng tầm giá trị ẩm thực thành sản phẩm du lịch mới mong hút khách

Ẩm thực Hà Nội được biết đến với sự phong phú và tinh tế, chứa đựng chiều sâu văn hóa đất kinh kỳ từ hàng trăm năm nay nên rất hấp dẫn du khách.

Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị ẩm thực thành sản phẩm du lịch cần tạo điểm nhấn trong việc xây dựng, quảng bá tour cũng như món ăn. Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Đình Cương khi nói về việc phát triển du lịch ẩm thực.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Đình Cương

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Đình Cương

Phát triển còn tự phát, manh mún

Ông đánh giá về tiềm năng du lịch ẩm thực Hà Nội trong thu hút khách quốc tế đến với Thủ đô?

- Đặc sản ở Hà Nội cũng vô cùng đa dạng, có cái bắt nguồn từ mảnh đất Tràng An nhưng có những đặc sản xuất xứ từ địa phương khác. Dù vậy, các món đều được người Hà Nội chế biến theo phong cách của mình, bởi thế những đặc sản này có hương vị riêng, chuyển tải nét văn hóa riêng có của Hà Nội.

Nhắc đến ẩm thực Hà Nội là nhắc đến những món ngon gắn liền với mảnh đất Hà thành như: phở Lý Quốc Sư, phở Thìn, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, măng mực Bát Tràng, cốm làng Vòng, bún thang, nem, cà phê trứng...

Có thể nói, ẩm thực Hà Nội hội đủ yếu tố vật chất (chất liệu, mùi vị, màu sắc) và yếu tố tinh thần (ứng xử, giao tiếp trong ăn uống, nghệ thuật chế biến, cách trang trí, không gian thưởng thức và những câu chuyện xung quanh thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa…). Do đó, văn hóa ẩm thực Hà Nội không chỉ là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô.

Đa số khách quốc tế đánh giá ẩm thực Hà Nội là điểm hấp dẫn bậc nhất. Hà Nội có đủ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm ẩm thực của Đông Nam Á và châu Á. Mới đây, trang du lịch nổi tiếng Tripadvisor công bố bình chọn Hà Nội là một trong 25 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2022.

Trong năm 2023, có 3 nhà hàng của Hà Nội được gắn 1 sao Michelin (Giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới), 45 nhà hàng khác được vinh danh và một giải thưởng dành cho đầu bếp trẻ xuất sắc.

Trong quá trình đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch, theo ông, Hà Nội đã gặp những khó khăn, thách thức nào?

- Trong quá trình phát triển, ẩm thực Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, đa phần chỉ mang tính chất tự phát, manh mún, chưa quy hoạch cụ thể nên chủ yếu tập trung cho du lịch quốc tế. Điều này khiến dù Việt Nam có vô vàn các món ngon đường phố, chẳng thua kém gì Thái Lan, Trung Quốc nhưng chưa để lại được ấn tượng sâu sắc cho du khách. Các hạn chế này bắt nguồn từ cách phục vụ, giới thiệu ý nghĩa món ăn và văn hóa địa phương vẫn chưa được chú trọng.

Bên cạnh đó, mặc dù ẩm thực Việt mặc dù mang nhiều nét tinh hoa văn hóa nhưng chưa được chú trọng quảng bá, đầu tư đúng nghĩa. Hoạt động xúc tiến quảng bá chỉ mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chưa có chiến lược lâu dài. Các chương trình quảng bá ẩm thực địa phương còn nhỏ lẻ, phạm vi bó hẹp, chưa thật sự tạo được thương hiệu và hình ảnh cho khách du lịch. Nhiều tỉnh, thành dù có đặc sản hấp dẫn nhưng chưa thể tiếp cận được với lượng lớn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Các khu ẩm thực gắn liền với chợ truyền thống được xây dựng từ lâu với các nguyên liệu tự nhiên thô sơ, theo thời gian nên xuống cấp, gây khó khăn cho việc chế biến, bảo quản thực phẩm cũng như quá trình trải nghiệm ẩm thực của du khách. Ngoài ra, ẩm thực Việt còn gắn với ẩm thực đường phố nên việc đầu tư còn chưa tập trung, rải rác, tự phát. Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là trở ngại rất lớn khi cơ sở hạ tầng cho khu vực ẩm thực còn khiêm tốn khiến ẩm thực Việt chưa thể đạt đến sự hoàn hảo.

Xây dựng chiến lược phát triển

Vậy để có được tour chuyên nghiệp cần sự phối hợp gì giữa các nhà hàng với DN thưa ông?

- Hiện du lịch chưa xây dựng được tour ẩm thực chuyên biệt, đa phần sử dụng hình thức lồng ghép với tour truyền thống. Theo đó, DN tổ chức các tour tham quan di sản, trải nghiệm văn hóa, các sinh hoạt cộng đồng… sau đó là ăn trưa, ăn tối và kết thúc tour. Như vậy, ẩm thực chỉ mang tính đóng góp, làm phong phú thêm cho tour, chưa phải là sản phẩm “đinh” tạo ra yếu tố quyết định để DN hút khách.

Để có thể xây dựng được tour ẩm thực chuyên biệt phải tìm được món ăn, điểm nhấn từ đó quảng bá, xây dựng hệ thống nhà hàng chuyên nghiệp về ẩm thực Việt. Bên cạnh sự cố gắng của DN đòi hỏi các cơ quan chức năng xem xét lại chiến lược, kinh nghiệm và cả về truyền thông, marketing… một cách bài bản. Qua đó, du lịch và ẩm thực mới trở thành một sản phẩm đặc trưng có tính liên kết mạnh mẽ, thu hút được đông đảo khách du lịch đến với Thủ đô, đến với Việt Nam.

DN lữ hành và nhà hàng phải tìm tiếng nói chung nhưng để làm được điều này thì Cục Du lịch Quốc gia cần cơ chế thông thoáng trong việc áp dụng chính sách kích cầu du lịch của Nhà nước; tăng cường quản lý, hướng dẫn và nghiên cứu xây dựng thiết chế bắt buộc đối với các đơn vị DN hoạt động kinh doanh du lịch và ẩm thực.

Để phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực phù hợp chất lượng cao, ông đánh giá ra sao về nguồn nhân lực khai thác du lịch ẩm thực?

- Mặc dù yêu cầu, đòi hỏi chất lượng nhân lực du lịch ẩm thực cao nhưng hiện này nguồn nhân lực du lịch nói chung và du lịch ẩm thực nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chất lượng lao động qua đào tạo cũng không đồng đều. Ở các đơn vị quản lý, cơ sở đào tạo, lữ hành, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100%; nhưng lao động qua đào tạo ở các khu, điểm du lịch, nhà hàng chỉ đạt 26,1% - thấp nhất trong ngành. Nguyên nhân là bởi hầu hết là gia đình tự quản lý, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.

Để khắc phục khó khăn này đòi hỏi các cơ sở giáo dục trong quá trình đào tạo phải gắn chặt trang bị lý thuyết với yêu cầu thực tế của DN. Ngoài kiến thức còn cần được trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng tự học, kỹ năng quản lý, phổ cập công nghệ và ngoại ngữ, kỹ năng tự học và nâng cao nhận thức, tư duy có trách nhiệm và hướng đến cộng đồng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các học sinh tham gia trao đổi giao lưu, tham quan thực tế, trải nghiệm hoạt động với các đơn vị DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch.

Để đưa ẩm thực thành sản phẩm đặc trưng, thời gian tới ngành du lịch cần có kế hoạch, giải pháp gì thưa ông?

- Theo quan điểm của tôi, thứ nhất, cần quảng bá rộng rãi, đầu tư, hệ thống hơn, để ẩm thực Việt vang danh thế giới, trước hết những người làm “nghệ thuật” ẩm thực phải có niềm tin với giá trị tinh hoa của dân tộc, đồng thời cần nhiều hơn hình thức quảng bá thông qua việc tổ chức lễ hội văn hóa ẩm thực truyền thống qua đó thu hút khách du lịch.

Việc tổ chức lễ hội ẩm thực vừa giúp quảng bá thương hiệu ẩm thực, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, thưởng thức và mua sắm đặc sản của du khách. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá cùng với nâng cao chất lượng tour mang tính thương hiệu của du lịch Việt Nam, bởi đây là biện pháp quan trọng để tạo lập hình ảnh và vị thế du lịch trong và ngoài nước.

Thứ hai, xây dựng các chương trình chuyên về ẩm thực Việt Nam: sản phẩm du lịch liên quan đến ẩm thực đã được thực hiện từ nhiều năm. Chương trình du lịch dạy nấu ăn đưa vào thành một nội dung trong tour du lịch đã mang lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt.

Theo đó thay vì vào nhà hàng thưởng thức đồ ăn, họ được tự chế biến và thưởng thức thành quả của mình dưới sự hướng dẫn của các đầu bếp, nghệ nhân. Đây là loại hình du lịch rất thu hút du khách quốc tế, vừa góp phần truyền bá văn hóa của điểm đến, vừa góp phần tăng sự thú vị của chuyến đi, đem lại doanh thu, hiệu quả cho người tổ chức.

Thứ ba, cần sự sáng tạo trong ẩm thực Việt Nam: ẩm thực luôn cần đến sự sáng tạo. Mỗi người đầu bếp luôn tìm tòi tạo phong cách, hướng riêng để khai phá, sáng tạo ra những lối đi mới. Nhờ sự sáng tạo của từng cá nhân, ẩm thực ngày càng thêm phong phú.

Có thể nói nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân và tạo nguồn thu cho địa phương.

Vì vậy, các đơn vị lữ hành đều chú trọng tạo ra sản phẩm mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho du khách như tham gia lễ hội ẩm thực truyền thống ở nhiều vùng miền, làng quê, kể cả tham gia các lớp nấu ăn, tour chuyên ẩm thực để khám phá trọn vẹn các món ngon Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Minh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-tam-gia-tri-am-thuc-thanh-san-pham-du-lich-moi-mong-hut-khach.html