Nâng cao hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tích cực đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường, xác định đo lường chất lượng là một trong những công cụ, giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bà Trần Thị Thúy Thuần, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đồng thời tích cực tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hằng năm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham mưu đổi mới hoạt động đo lường; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng quốc gia... Chi cục đã tham mưu cho tỉnh tham gia góp ý vào 11 dự thảo luật, thông tư, quyết định, kế hoạch gửi lên Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước được đo lường thông qua việc áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Hệ thống quản lý chất lượng yêu cầu cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp, đồng thời nêu rõ quy trình xử lý công việc, kết quả xử lý cuối cùng, thời gian hoàn thành.

Trong năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã kiểm tra tại 67 đơn vị và kiểm tra qua báo cáo 126 đơn vị việc áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống ISO 9001:2015, từ đó các cơ quan công quyền đưa ra biện pháp để giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính; giúp vận hành cơ chế một cửa và một cửa liên thông thấy rõ trong hoạt động của nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc có những vướng mắc, chồng chéo để liên tục cải tiến các quy trình xử lý công việc cho phù hợp, phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn. Kết quả được khẳng định qua việc Lào Cai đứng thứ 6 toàn quốc về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (tăng 5 bậc so với năm 2022) và Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 7 toàn quốc (tăng 4 bậc so với năm 2022).

Đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nhiệm vụ này, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Thị Thúy Thuần khẳng định: Chi cục tập trung triển khai nhiệm vụ gắn với yêu cầu thực tế đặt ra. Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế gian lận trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đẩy mạnh kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm và nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường, chú trọng các loại phương tiện đo như các loại cân khối lượng thông dụng tại các chợ, cột đo xăng dầu... nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường tại cơ sở. Năm 2023, chi cục đã đôn đốc, hướng dẫn 107 cơ sở sử dụng phương tiện đo thực hiện kiểm định theo quy định; phối hợp với 4 ban quản lý chợ (Bắc Hà, Phố Mới, Văn Bàn, Nguyễn Du) kiểm định 189 cân thông dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có 18 chiếc không đạt và tiêu hủy theo quy định. Cùng với đó, chi cục phối hợp với một số cơ quan có liên quan xử lý 17 đơn, thư, kiến nghị công dân về việc kiểm tra sai số phương tiện đo.

Để đảm bảo công tác quản lý đo lường, chất lượng đi vào chiều sâu, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo công bằng, văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ tính riêng năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã kiểm tra 250 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng quản lý trên địa bàn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch lưu thông trên thị trường. Qua kiểm tra đã xử lý vi phạm đối với một số cơ sở kinh doanh không đúng nhãn mác hàng hóa. Các đơn vị được công nhận khả năng kiểm định trên địa bàn tỉnh đã kiểm định được 28.687 phương tiện đo các loại, trong đó có 1.125 phương tiện không đạt yêu cầu. Việc tổ chức hoạt động kiểm tra tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh được xem là “điểm nóng” của tình trạng gian lận về đo lường, chất lượng hiện đang được người tiêu dùng và dư luận quan tâm như xăng dầu, vàng, đồng hồ đo nước lạnh, điện...

Công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã có nhiều đổi mới, dựa trên nền tảng công nghệ và ngày càng công khai, minh bạch, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng của tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của đơn vị, doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thông qua các cuộc kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và kiên quyết xử lý các vi phạm đã góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước...

Ông Bùi Khắc Hiền, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tieu-chuan-do-luong-chat-luong-post384239.html