Mỹ và Ukraine tìm cách khắc chế 'vũ khí vô hình' của Nga

Hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã gây ra nhiều vấn đề cho vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Kiev đã sử dụng các loại vũ khí chính xác cao do Washington cung cấp, như Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường HIMARS và đạn tấn công trực tiếp đồng loạt phóng từ trên không, nhưng tác chiến điện tử của Nga thường xuyên làm giảm hiệu quả của những vũ khí này.

Tác chiến điện tử Nga gây thách thức cho Mỹ và Ukraine

Trung tướng Antonio Aguto, chỉ huy Nhóm Hỗ trợ An ninh-Ukraine, đã đề cập đến vấn đề này vào tháng 12/2023, lưu ý rằng tác chiến điện tử của Nga nhắm vào một số khả năng chính xác nhất của vũ khí Mỹ “là một thách thức”. Các quan chức khác của Mỹ cũng đã nhận ra những vấn đề này và nói thêm rằng Washington và Kiev đang nỗ lực tìm giải pháp ứng phó.

Bất kỳ giải pháp nào được phát triển nhằm giải quyết thách thức do tác chiến điện tử đặt ra sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Ukraine. Chúng cũng sẽ giúp Mỹ giải quyết các vấn đề mà Washington lo ngại khi nước này chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột giữa các cường quốc.

Hệ thống M142 HIMARS phóng tên lửa vào vị trí của Nga. Ảnh: Getty Images

Mark Cancian, đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng, giải pháp tạo ra tín hiệu GPS giả được sử dụng ở Ukraine làm tăng thêm tính cấp bách của việc tìm ra giải pháp để ứng phó với vấn đề này.

Tác chiến điện tử có thể được thực hiện bằng công nghệ giá rẻ nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Hệ thống này không chỉ được sử dụng để ngăn chặn các loại đạn dẫn đường chính xác, mà có thể gây nhiễu khả năng kết nối giữa người điều khiển và máy bay không người lái trinh sát hoặc tấn công.

Thomas Withington, chuyên gia về tác chiến điện tử và phòng không và là chuyên gia tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, cho biết, việc gây nhiễu của tác chiến điện tử tương đối đơn giản, giải thích rằng nó liên quan đến việc “làm nổ bộ thu hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS) bằng tiếng ồn khiến mục tiêu mất tín hiệu vị trí, điều hướng và thời gian từ người điều khiển”.

Ngoài ra, việc tạo tín hiệu GPS giả liên quan đến việc gửi thông tin GNSS sai đến hệ thống định vị của vũ khí, khiến nó đi chệch hướng. Việc gây nhiễu vũ khí dễ dàng hơn và có thể được thực hiện với các thiết bị giá rẻ, trong khi việc giả mạo GPS chỉ có thể được sử dụng trong các trường hợp cụ thể, chẳng hạn như để né tránh hỏa lực từ đối phương.

Cả hai công nghệ trên đều phục vụ cho các mục đích khác nhau, nhưng trong cả hai trường hợp, tác động của chúng đều gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với vũ khí dẫn đường chính xác.

Ukraine đã cố gắng thích ứng với thách thức này bằng cách định vị các địa điểm đặt hệ thống tác chiến điện tử của Nga và phá hủy chúng. Việc dựa vào các hệ thống thay thế không phụ thuộc vào GPS hoặc sử dụng các hệ thống điều hướng khác như hệ thống dẫn đường quán tính, sẽ giúp Ukraine giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đó không phải lúc nào cũng là một lựa chọn phù hợp.

Trong quân đội Nga, ngày càng có nhiều binh sĩ quan tâm đến việc sử dụng tác chiến điện tử trong chiến đấu, đặc biệt là trong khoảng một năm trở lại đây vì hệ thống rất hiệu quả trong việc chống lại vũ khí chính xác do Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Độ chính xác của các hệ thống vũ khí như đạn thông minh Excalibur và tên lửa GMLRS, có thể được bắn từ pháo M777 và HIMARS do Mỹ sản xuất, đang giảm dần do bị tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu.

“Đằng sau các loại vũ khí như đạn thông minh Excalibur và bom dẫn đường JDAM là sự phụ thuộc của chúng vào GNSS, ở một mức độ nào đó, được cho là mang lại mức độ chính xác nhất định khi nhắm mục tiêu”, chuyên gia Withington cho hay.

Daniel Patt, học giả cấp cao tại Viện Hudson, hồi tháng 3 nói rằng đạn pháo Excalibur 155mm được dẫn đường bằng GPS “có tỷ lệ hiệu quả 70% bắn trúng mục tiêu khi lần đầu tiên được sử dụng ở Ukraine”, nhưng sau 6 tuần, hiệu quả giảm xuống chỉ còn 6% khi Nga sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để chống lại vũ khí này.

“Vũ khí đạt hiệu quả cao nhất chỉ trong khoảng 2 tuần trước khi các biện pháp đối phó xuất hiện. Đây là thông tin có giá trị cho Mỹ nếu nước này chuẩn bị cho xác cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai”, ông Patt nói.

Mỹ tìm cách đối phó "vũ khí vô hình" của Nga

Một chuyên gia quốc phòng đánh giá, cuộc xung đột ở Ukraine là một “cơ hội tình báo” và mang đến cho Mỹ cơ hội tìm hiểu cách thức hoạt động của các loại vũ khí chính xác của nước này trước các mối đe dọa hiện đại như tác chiến điện tử.

Dựa trên những thông tin tình báo về xung đột, giới chức và các chuyên gia quân sự Mỹ cần nghiên cứu và thảo luận về tác động của tác chiến điện tử đối với kho vũ khí của Mỹ trong một cuộc xung đột giữa các cường quốc và Washington sẽ cần phải ứng phó như thế nào.

Ông Cancian cho biết, Mỹ đang nỗ lực khắc phục những mối đe dọa này bằng cách tập trung vào các biện pháp như sử dụng dải tín hiệu hẹp hơn hoặc tạo ra tín hiệu mạnh hơn có khả năng ngăn chặn các nỗ lực gây nhiễu. “Tuy nhiên, đối phương luôn tìm ra các biện pháp đối phó làm giảm hiệu quả của vũ khí”.

Các nhà quan sát nhận định, bất chấp những thách thức từ tác chiến điện tử, Mỹ không nên loại bỏ hoàn toàn vũ khí chính xác của mình.

“Ngay cả khi Nga sử dụng thành công tác chiến điện tử, thì nhiệm vụ của Mỹ là phải tìm ra cách để vũ khí vượt qua các cuộc tấn công bằng hệ thống này”, ông Withington nói, lưu ý rằng dù tín hiệu gây nhiễu mạnh của Nga có thể đạt hiệu quả cao nhưng chúng cũng dễ dàng bị phát hiện và ngăn chặn.

Tại một sự kiện truyền thông vào đầu tháng 5, Doug Bush, người đứng đầu bộ phận mua sắm của quân đội Mỹ, cho biết không có gì ngạc nhiên khi Nga có thể gây nhiễu vũ khí của Mỹ. Ông cho biết đây là một phần trong “chu kỳ đổi mới liên tục” của cả hai bên, nói thêm rằng Mỹ đang học được rằng “với bất kỳ loại vũ khí chính xác nào, cần có nhiều cách để dẫn nó tới mục tiêu”.

Đối với một số vũ khí, điều đó đã được thực hiện. Đầu tuần này, Không quân Mỹ đã công bố một hợp đồng cung cấp các thiết bị tìm kiếm bổ sung cho bom dẫn đường chính xác nhằm đối phó với các thiết bị gây nhiễu GPS của Nga.

Ông Bush cho biết, Lầu Năm Góc đã thành lập một nhóm tập trung vào việc điều chỉnh vũ khí của mình để ứng phó các vấn đề của tác chiến điện tử ở chiến trường Ukraine.

Nhà phân tích Withington cho biết, nỗ lực điều chỉnh vũ khí chính xác để ứng phó với tác chiến điện tử chỉ là một khía cạnh của giải pháp nhiều lớp. Các giải pháp khác cho vấn đề này liên quan đến việc sử dụng các loại vũ khí khác và ưu tiên nhắm mục tiêu vào điểm xuất phát của các tín hiệu tác chiến điện tử ngay từ đầu.

“Tuy nhiên, khi Mỹ và Ukraine điều chỉnh vũ khí để thích nghi với khả năng gây nhiễu của Nga và rút ra bài học từ cuộc xung đột, chu kỳ lại đổi mới liên tục”, ông Bush nói.

Mai Trang/VOV.VN Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-va-ukraine-tim-cach-khac-che-vu-khi-vo-hinh-cua-nga-post1094317.vov