Mỹ nối lại thử nghiệm hạt nhân cận tới giới hạn sau 3 năm

Cơ quan Quản lý an ninh hạt nhân Mỹ (NNSA) cho biết nước này đã tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân cận tới giới hạn hôm 14/5. Đây là vụ thử hạt nhân kiểu này đầu tiên của Mỹ kể từ tháng 9/2021 và là thử hạt nhân thứ 3 dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Một cột khói hình nấm trong vụ thử hạt nhân tại Nevada (Mỹ) năm 1952. Ảnh minh họa: AP

Một cột khói hình nấm trong vụ thử hạt nhân tại Nevada (Mỹ) năm 1952. Ảnh minh họa: AP

Cuộc thử nghiệm được thực hiện ở Phòng thí nghiệm ngầm chính dành cho Thí nghiệm cận tới giới hạn thuộc Khu vực an ninh quốc gia Nevada, để thu thập dữ liệu cần thiết liên quan đến đầu đạn hạt nhân của Mỹ.

Trong một thông báo ngày 16/5, NNSA, cơ quan thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, cho biết họ "dựa vào các thí nghiệm cận tới giới hạn để thu thập thông tin giá trị nhằm hỗ trợ cho sự an toàn, an ninh, độ tin cậy và hiệu quả của đầu đạn hạt nhân Mỹ, mà không cần tiến hành thử nghiệm nổ hạt nhân". Mỹ đã đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân ngầm vào năm 1992 và bắt đầu các cuộc thử nghiệm hạt nhân cận tới giới hạn 5 năm sau đó.

Vì các cuộc thử nghiệm hạt nhân cận tới giới hạn không dẫn đến một vụ nổ hạt nhân, nên Mỹ khẳng định vụ thử không bị cấm theo Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) mà Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn.

NNSA cho biết cùng với cuộc thử nghiệm mới này, tổng số các cuộc thử nghiệm hạt nhân cận tới giới hạn mà Mỹ đã tiến hành đến nay là 34 cuộc, không gây ra phản ứng dây chuyền tự duy trì, tới hạn và do đó phù hợp với lệnh hoãn thử nghiệm hạt nhân mà nước này tự áp đặt kể từ năm 1992.

Lan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-noi-lai-thu-nghiem-hat-nhan-can-toi-gioi-han-sau-3-nam-20240518161143807.htm