Mùa hè nắng nóng khiến tình hình ở Gaza trở nên tồi tệ hơn

Khi quá trình đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas còn chưa có tín hiệu lạc quan nào, thì một mối đe dọa lâu dài, thầm lặng hơn đã bắt đầu làm tình trạng tồi tệ hơn đối với những người Palestine vốn đang khốn cùng vì chiến tranh. Đó là nắng nóng!

Nhiệt độ ở Rafah, thành phố cực nam của Gaza, đã tăng lên 39,1 độ C vào ngày 24/4, cao hơn 14 độ C so với mức trung bình trong 30 năm cùng ngày. Mùa hè năm nay thậm chí có thể khiến nhiệt độ ở Gaza cao hơn nhiều so với những đợt nắng nóng vào tháng 4 vừa rồi.

Người dân Palestine đang trú ẩn ở Rafah. Ảnh: AFP

Tommaso Della Longa, người phát ngôn của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết: “Nó (nhiệt độ) đang tạo thêm đau khổ cho tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc”. Cuộc sống trong những căn lều tạm bợ của người tị nạn trông “giống như sống trong nhà kính”.

Đợt nắng nóng tăng vọt vào tháng 4 đã làm dấy lên nỗi lo sợ về cái mà IFRC gọi là “kẻ giết người vô hình” của biến đổi khí hậu. Philippe Lazzarini, Tổng ủy viên cơ quan cứu trợ Palestine UNRWA, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng ít nhất hai trẻ em đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ.

Một phụ nữ Palestine 18 tuổi, Lara Sayegh, cũng chết trong đợt nắng nóng khi rời Gaza. Chỉ cách bờ biển hơn 100 km, thành phố Tel Aviv của Israel cũng đã phá vỡ kỷ lục nắng nóng kéo dài 85 năm trong tháng 4 và hàng chục người đã phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Hơn 1 triệu người di tản đến Rafah, giáp biên giới Ai Cập và sa mạc Sinai, sau khi rời bỏ nhà cửa ở miền trung và miền bắc Dải Gaza do chiến dịch tấn công toàn diện của Israel vào tháng 10 năm ngoái.

Và khi mùa hè đang đến gần, người Palestine và các tổ chức cứu trợ ngày càng lo ngại về nguy cơ nắng nóng ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.

Khitam Al-Dadla, 40 tuổi, đã sống trong lều cùng chồng và sáu đứa con trong nhiều tháng. Bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng đợt nắng nóng tháng 4 là “khúc dạo đầu cho những gì đang chờ đợi chúng ta trong mùa hè”.

Al-Dadla cho biết nước thải rỉ ra trong các con hẻm giữa các khu lều, tỏa ra mùi "nghẹt thở" và "thu hút muỗi vào ban đêm và ruồi vào ban ngày".

Louise Wateridge, nhân viên truyền thông của UNRWA ở Rafah, cho biết nắng nóng mùa hè cũng sẽ mang đến những con chuột truyền bệnh. Cô cho biết thêm bệnh tiêu chảy và viêm gan A đều là những vấn đề đáng lo ngại. Wateridge nói: “Không có nơi nào để loại bỏ rác một cách an toàn".

Trong vùng chiến sự, nhiệt độ thường là mối quan tâm ít hơn, sau sự an toàn, thực phẩm và nơi trú ẩn. Nhưng khi đạt tới mức cực đoan, chúng tấn công những người dễ bị tổn thương trước tiên.

Andrew Pershing, phó chủ tịch khoa học tại tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central cho biết, sức nóng của Gaza vào tuần cuối cùng của tháng 4 là “đặc biệt dữ dội”.

Một trong những tác động nguy hiểm nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu là nhiệt độ vào ban đêm tăng nhanh hơn ban ngày, khiến con người không thể hạ nhiệt trong các đợt nắng nóng.

Pershing giám sát việc phát triển Chỉ số Biến đổi Khí hậu, một công cụ tính toán và lập bản đồ ảnh hưởng của phát thải khí nhà kính đến nhiệt độ trên toàn thế giới.

Nó cho thấy sức nóng ban ngày vào tháng 4 vào năm 2024 có thể tăng gấp đôi so với trước cuộc Cách mạng Công nghiệp. Pershing cho biết khí thải nhà kính khiến nhiệt độ ban đêm ở Gaza tăng cao gấp 5 lần vào ngày 24 và 25 tháng 4.

Trung Đông là một trong những khu vực nóng lên nhanh chóng hơn trên hành tinh. Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã kết luận vào năm 2022 rằng nhiệt độ trong khu vực đang tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.

Ở Rafah, người dân đang sống trong những nơi trú ẩn tạm bợ khiến nắng nóng trở nên tồi tệ hơn. Với rất ít lều bạt, người dân phải sống dưới những khung gỗ thủ công phủ tấm nhựa. Những thứ đó giữ nhiệt vào ban đêm nên không thể hạ nhiệt.

Al-Dadla nói thử thách ở Rafah đặc biệt khó khăn đối với phụ nữ bởi vì “các chuẩn mực của xã hội chúng ta” quy định rằng họ phải dành phần lớn thời gian trong ngày trong lều của mình. “Đàn ông có thể cởi quần áo nhưng chúng tôi thì không. Chúng tôi phải che đầu mình”, cô nói thêm.

Wateridge cho biết những người tị nạn chỉ có trung bình chưa đến một lít nước mỗi ngày để uống, giặt giũ và tắm rửa.

Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới cho tình trạng khẩn cấp là 15 lít mỗi người mỗi ngày. Việc cung cấp nước không đầy đủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt, tạo thêm một mối lo ngại khác cho người dân Palestine.

Mai Anh (theo AFP, SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mua-he-nang-nong-khien-tinh-hinh-o-gaza-tro-nen-toi-te-hon-post294157.html