Một thói quen nấu nướng dễ gây ung thư dạ dày

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra việc ăn quá nhiều loại gia vị này có thể tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.

 Ăn quá nhiều muối có thể tăng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày lên tới 40%. Ảnh: Pexels.

Ăn quá nhiều muối có thể tăng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày lên tới 40%. Ảnh: Pexels.

Theo một nghiên cứu mới trên Tạp chí Ung thư dạ dày, những người thường thêm muối vào thức ăn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 40% so với những người không thêm muối.

Theo tác giả nghiên cứu Selma Kronsteiner-Gicevic, Trung tâm Y tế Công cộng thuộc Đại học Y Vienna (Áo), các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc ăn muối và bệnh ung thư dạ dày ở các nước phương Tây.

Bên cạnh đó, nghiên cứu này cho hay các báo cáo cũng xác nhận việc ăn nhiều muối có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở các nước châu Á, nơi thường tiêu thụ nhiều thực phẩm mặn.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập từ hơn 470.000 người trưởng thành trên khắp Vương quốc Anh từ năm 2006 đến năm 2010.

Những người tham gia đã được hỏi một số câu hỏi như "Bạn có thường xuyên thêm muối vào thức ăn của mình không?". Câu trả lời của bảng câu hỏi sẽ được so sánh với với nồng độ muối được phát hiện trong nước tiểu của bệnh nhân ung thư.

Từ đây, các nhà khoa học phát hiện ra những người thường xuyên hoặc luôn thêm muối vào thức ăn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 39% trong khoảng thời gian 11 năm so với những người thêm ít hoặc không thêm muối.

"Kết quả của chúng tôi cũng dựa trên việc xem xét các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế xã hội và lối sống và bệnh sử của mỗi người", chuyên gia Kronsteiner-Gicevic thông tin thêm.

Ở Việt Nam, theo kết quả Điều tra Yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPs) năm 2015, mức tiêu thụ muối trung bình là 3,76 mg natri, tương đương với 9,4 g muối/người/ngày.

Con số này cao gần gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, mỗi người chỉ nên ăn 2 mg natri, tương đương với 5 g muối/người/ngày.

Đến năm 2020, mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt đã giảm xuống còn 8,4 g muối/người/ngày. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO.

 Người Việt thường có thói quen sử dụng đa dạng các loại gia vị, đặc biệt muối, nước mắm hầu như không thể thiếu trong căn bếp. Ảnh: Pexels.

Người Việt thường có thói quen sử dụng đa dạng các loại gia vị, đặc biệt muối, nước mắm hầu như không thể thiếu trong căn bếp. Ảnh: Pexels.

Bên cạnh đó, người Việt cũng có xu hướng ăn nhiều gia vị hơn rau quả. Theo Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020 tại Việt Nam, lượng rau quả mỗi người ăn vào trung bình chỉ đạt 66,4-77,4% khuyến nghị. Trong khi đó, người dân lại dùng nhiều mì ăn liền, các loại gia vị nhiều muối như bột canh, nước mắm, nước tương, bột ngọt.

Ăn thừa natri là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, tạo ra áp lực lớn đối với xã hội, ngành y tế và chính bản thân người bệnh.

Tại Việt Nam, ung thư dạ dày có số bệnh nhân nhiều thứ 5 trong số các bệnh ung thư với 16.277 người, chiếm 9% tổng số người bệnh ung thư. Căn bệnh này cũng là nguyên nhân gây ra cái chết cho hơn 13.000 người bệnh, đứng thứ 3 về tỷ lệ tử vong do mắc ung thư.

Thống kê trong 5 năm qua, Việt Nam phát hiện tới 25.458 ca mắc ung thư với tỷ lệ mắc trên 100.000 dân là 6,2%.

Theo nghiên cứu GLOBOCAN của Hiệp hội Ung thư toàn cầu, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 5 và là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong liên quan đến ung thư. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, tuổi tác, hút thuốc, viêm dạ dày mạn tính và béo phì.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày trong đời là khoảng 1/101 đối với nam giới và 1/155 đối với phụ nữ.

Ở Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư dạ dày là khoảng 33%. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống sót sau 5 năm sẽ tăng lên 72%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 bệnh ung thư dạ dày ở Mỹ được chẩn đoán ở giai đoạn đầu này.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mot-thoi-quen-nau-nuong-de-gay-ung-thu-da-day-post1475334.html