Mối lo ngại về 'chiến tranh tiền tệ' ở châu Á

Trong thời gian gần đây, chứng kiến việc đồng Yen Nhật Bản liên tục lập đáy mới kể từ năm 1990, một số nhà đầu tư đã bắt đầu nghĩ đến một kịch bản gần như khó có thể tưởng tượng ra ở châu Á. Kịch bản đó là một loạt cuộc phá giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh, khởi đầu cho một cuộc chiến tranh tiền tệ mới ở khu vực này.

Rủi ro khi đồng Yen giảm sâu

Sau khi đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD, các nhà chức trách Nhật Bản đã bị nghi ngờ về việc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, cuộc can thiệp được cho là sẽ không có tác dụng kéo dài vì điều này sẽ dẫn tới một đợt mất giá nữa của đồng Yen vốn dĩ đang rất yếu do khoảng chênh lệch lãi suất rộng giữa Mỹ và Nhật Bản.

Hơn nữa, việc đồng Yen rớt giá có thể đẩy căng thẳng cạnh tranh với các nước láng giềng là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lên đỉnh điểm, đồng thời gây áp lực lên Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng đồng nhân dân tệ sẽ bị mất giá.

Theo lý thuyết, sự sụt giảm gây bất ổn của đồng Yen có thể là nguyên nhân buộc các nước láng giềng của Nhật Bản phải hành động cực đoan. Điều này hoàn toàn có khả năng ngay cả khi những nỗ lực của các nền kinh tế trong khu vực từ đầu năm đến nay là tập trung hỗ trợ tiền tệ, thay vì “đầu hàng” trước đồng USD và để mặc đồng nội tệ trượt dốc. Mặc dù đây mới là quan điểm thiểu số chứ không phải quan điểm về sự lặp lại của khủng hoảng tài chính châu Á, song quan điểm này đang nổi lên trong kịch bản nếu đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá cao và giữ giá lâu hơn.

Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

Trưởng bộ phận thị trường toàn cầu tại công ty State Street Corp Henry Quek nhận định rằng, đã từ lâu rồi họ không còn nghe tới cụm từ “phá giá đồng tiền để cạnh tranh”, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các nước đang ở trong tình huống có khả năng xảy ra một loạt những hành động mang tính cạnh tranh nếu đồng Yen tiếp tục suy yếu hơn nữa.

Trong khi các ngân hàng trung ương châu Á hiện đang tích cực tìm cách bảo vệ tỷ giá đồng tiền mỗi nước trước áp lực của đồng USD, thì sự sụt giảm của đồng Yen làm xói mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các nước láng giềng với Nhật Bản. Chính thực trạng này có thể dẫn tới căng thẳng ngay cả khi tất cả các nền kinh tế này đều hiểu rằng đồng Yen mất giá vì những lý do nằm ngoài sự kiểm soát của Nhật Bản, cụ thể là chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản với Mỹ và phần còn lại của thế giới, cũng như sự ưa thích của nhà đầu tư đối với tài sản Mỹ.

Nhà quản lý danh mục cấp cao của Công ty Quản lý đầu tư Manulife Investment Management Kisoo Park cho rằng, việc phá giá đồng tiền sẽ xảy ra dù đó là có chủ đích hay không có chủ đích, thì kịch bản này vẫn sẽ xảy ra và có ảnh hưởng đến cả khu vực.

Tăng sức hút của các đồng tiền trong khu vực

Nhà quản lý danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management Arjun Vij nhận định rằng,dù không có ảnh hưởng mạnh mẽ như trước nhưng với sự mất giá thiếu trật tự của đồng Yen hiện nay vẫn có thể dẫn tới áp lực mất giá không thể tránh khỏi đối với các đồng tiền khác trong khu vực. Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Ngân hàng ANZ Khoon Goh cho rằng, đồng won Hàn Quốc và đồng đô la Đài Loan có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hưởng lợi từ cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ở các nền kinh tế này cho đến khi đồng Yen chuyển hướng.

Đã có những dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Nhật Bản đang nỗ lực không để đồng nội tệ mất giá sâu hơn nữa. Cụ thể, sau khi rơi xuống dưới ngưỡng tâm lý chủ chốt 160 Yen/USD lần đầu tiên vào tuần trước, đồng Yen đã hồi về 155 Yen/USD. Sự phục hồi này đây được cho là kết quả sau hai vòng Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Thêm vào đó, giới chuyên gia cũng quá không lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, khi hầu hết các nước châu Á đều được cho là đã trang bị tốt hơn để tránh khả năng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vào năm 1990 một lần nữa. Hiện nay, các nước đều đã tích lũy được dự trữ ngoại hối lớn, cùng với đó là cải cách từ việc giám sát khu vực tài chính một cách chặt chẽ hơn và gia tăng độ sâu cho thị trường vốn trong nước.

Mặc dù tình hình có vẻ khá lạc quan, nhưng ông Kisoo Park vẫn cảnh báo rằng, trong trường hợp đồng Yen sụt giảm xuống mức 170 - 180 Yen/USD thì đây sẽ không còn là vấn đề tại châu Á, mà còn tác động rộng hơn đến tiền tệ của các thị trường mới nổi. Điều này là do phần lớn vai trò của đồng Yen là loại tiền cấp vốn cho các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất. Đây là giao dịch mà các nhà đầu tư vay đồng tiền có lãi suất thấp như đồng Yen, để đầu tư vào các những nền kinh tế có lãi suất cao hơn. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, thước đo mức độ hấp dẫn của các giao dịch mua bán nhắm vào 8 loại tiền tệ của các quốc gia đang phát triển đã giảm so với mức cao nhất trong tháng 3, do biến động của đồng Yen tăng lên.

Ông Kisoo Park cho biết thêm, nếu các đồng tiền châu Á mất giá vì đồng USD tăng mạnh, các quỹ đầu tư vào thị trường trong nước sẽ phải “rút lui”, các thị trường mới nổi sẽ sụp đổ, từ đó dẫn tới một cuộc tháo chạy khỏi rủi ro mà ở đó Trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng giá và cổ phiếu sẽ bị bán tháo. Mặc dù xác suất xảy ra kịch bản như vậy hiện tại vẫn thấp nhưng không thể chủ quan.

"Nhân tố" quan trọng

Bên cạnh đó, một “nhân tố” đặc biệt quan trọng là việc Trung Quốc sẽ làm gì với đồng nhân dân tệ, vốn đang có nguy cơ bị tụt dốc theo đồng Yen. Đồng nội tệ được kiểm soát tỷ giá của Trung Quốc được coi như một "chiếc neo" cho các đồng tiền ở châu Á. Điều này có nghĩa ngay cả những biến động nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng lớn. Hiện tại, thị trường đang có những đồn đoán rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải thực hiện một biện pháp cực đoan là phá giá sâu đồng nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Lombard Odier Hong ông John Woods cho biết, nếu nhìn vào tình hình châu Á nói chung và quan sát sự sụt giảm đồng Yen, ông bắt đầu lo ngại về mức độ cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc. Vì vậy, đối với ông, đó là một rủi ro mà ông đang rất quan tâm ở châu Á vào thời điểm hiện tại.

Như Ý (Theo Bloomberg)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/moi-lo-ngai-ve-chien-tranh-tien-te-o-chau-a-i371373/