Mỗi địa phương có 1 đề án chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia

Ngày 24-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết đến nay cả nước đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; có gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với hơn 12.900 tỉ đồng; triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4 (tăng 5 dịch vụ so cuối năm 2023). Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06, hằng năm tiết kiệm gần 3.500 tỉ đồng.

Đáng chú ý, kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển tích cực. Trong quý I/2024, so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỉ USD, tăng 17,7%; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỉ USD, tăng 17%; hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile money, tăng 2,2 lần; trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi; 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đánh giá công tác chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”Ảnh: Nhật Bắc

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; trên tất cả lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm; chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức...

Từ đó, Thủ tướng đề nghị "mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số như Bộ Công an đã làm và kết nối với Đề án 06". Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng ban hành đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"... Các địa phương xóa bỏ vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12-2024.

Chiều cùng ngày, chủ trì hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các chủ thể nâng cao nhận thức, hiểu rõ nhiệm vụ để thực hiện được mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.

Bảo Trân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-dia-phuong-co-1-de-an-chuyen-doi-so-196240424211217046.htm